02/09/2017 08:12
Nhắc lại câu chuyện này để thấy, ngày hôm nay, hạt gạo không dừng lại ở khía cạnh lương thực; hạt gạo không chỉ là hình ảnh của trí tưởng tượng khi đi vào thơ, nhạc, họa, truyện… mà là chất liệu chân thật, sống động để tạo thành những bức tranh, làm đẹp không gian sống.
Không chỉ trở thành chất liệu cho tác phẩm nghệ thuật, sau 72 năm đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do, từ thảm cảnh không thể nào quên được là Việt Nam với gần 2 triệu người chết đói ngay bên bờ xôi ruộng mật của mình thì nay đã trở thành nước hàng đầu về xuất gạo trên thế giới.
|
Và hôm nay, trên cánh đồng tự do và độc lập, được ngắm nhìn những bức tranh nghệ thuật làm từ gạo; được thưởng thức những bát cơm đầy dẻo thơm ngọt ngào, lại chạnh lòng khi nghĩ đến gần 2 triệu người chết đói cách đây 72 năm về trước, nghĩ đến những người ăn cháo loãng, rau chuối thay cơm của những năm đói khổ trong chiến tranh, trong những ngày giáp hạt.
Từ những cô, cậu bé cách đây 72 năm mới 5,7 tuổi, những người sinh ra, lớn lên trong kháng chiến chống Mỹ và cả những người đang ở lứa tuổi trung niên, thanh thiếu niên lớn lên sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất đều không khỏi bồi hồi xúc động, biết ơn xen lẫn tự hào mà bảo rằng, không có cách mạng chắc không thể có được cuộc sống no đủ ngày hôm nay.
Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh và trong trí nhớ của những bậc cao niên, dù không nằm trong số các địa phương (tính từ Quảng Trị trở ra phía Bắc) chịu nạn đói khủng khiếp ngày ấy nhưng Kon Tum trong thời điểm đó cũng chẳng khả quan hơn. Những ngày đói cơm lạt muối và những bữa ăn cứ thế lấy rau rừng, măng rừng mà thay cơm… còn kéo dài trong nhiều năm sau đó.
Khó làm ra hạt gạo, đói khổ vì thiếu gạo nên gạo được cha ông ta ví như hạt ngọc trời ban hay nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa là “hạt vàng làng ta”. Để vượt qua nạn đói, sau những ngày lập quốc, cùng với tăng gia sản xuất thì mỗi người đều phải nêu cao ý thức tiết kiệm gạo. Rồi dần dà, các nhà khoa học nghiên cứu ra nhiều loại giống lúa mới không chỉ cho năng suất mà chất lượng ngày càng cao. Năng suất thu được trên cùng một đơn vị diện tích ngày càng cao nên ngoại trừ thiên tai, dịch bệnh chẳng còn chuyện người làm nông phải chịu cảnh đói ăn vì thiếu lúa gạo.
Những vùng đất như: Đoàn Kết (thành phố Kon Tum), Diên Bình (Đăk Tô), Đăk La (Đăk Hà)… đã trở thành vựa lúa của tỉnh. Gạo Kon Tum chất lượng chẳng kém thua gì so với gạo ở các vựa lúa khác; sản lượng lại cao, cuối năm 2016 đạt tới 87.455 tấn thóc.
Kon Tum còn có đặc sản gạo đỏ (gạo bọc thép) – giống lúa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng sâu, vùng xa dù năng suất thấp nhưng có hàm lượng dinh dưỡng cao, sản phẩm thuần khiết đang được huyện Kon Plông xây dựng thành thương hiệu. Nếu như hạt gạo cao sản là sản phẩm của quá trình lai ghép, lai tạo của các nhà khoa học thì hạt gạo đỏ, với đồng bào là sản phẩm của thần núi, thần sông mà thành nên có những hương vị riêng đặc biệt khó quên…
Không chỉ giúp người nông dân vượt qua đói, qua nghèo mà ngày hôm nay, hạt gạo còn giúp người nông dân làm giàu khi thâm canh giỏi, cá biệt có những hộ đạt từ 80-100 tạ/ha/vụ. Với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân không chỉ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp mà còn đưa nhiều loại giống lúa mới cho năng suất, chất lượng vượt trội, thuận lợi cho chuyển dịch cơ cấu cây trồng, làm nên diện mạo mới cho xóm làng hôm nay.
Trải qua 72 năm, chúng ta hôm nay bưng bát cơm đầy trên cánh đồng tự do, độc lập càng nhận thức rõ hơn về sự kiên cường, bất khuất của cha ông, càng hiểu hơn giá trị của sự no đủ, hòa bình đang thụ hưởng. Và chúng ta cũng từ đó càng thấm thía hơn câu ca dao: “Ai ơi bưng bát cơm đầy/ Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần”…
Nguyên Phúc