Bất cập thu gom rác

17/07/2023 06:28

Có một thực tế ít ai để ý tới là, khâu thu gom rác thải sinh hoạt ở đô thị vẫn phụ thuộc vào những cái chổi tre của công nhân môi trường đô thị và những thùng rác bốc mùi trên các con phố hoặc ở khu dân cư.

Tiếng chổi nhọc nhằn

Cứ 17 giờ hằng ngày, hàng loạt công nhân- hầu hết trong số đó là nữ- của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị lại có mặt trên những tuyến đường quen thuộc để làm nhiệm vụ.

Các anh chị sẽ quét dọn, thu gom rác, dọn sạch lòng đường, vỉa hè các tuyến phố, ngõ hẻm. Những nhát chổi đều đặn xào xạc trên đường phố đông đúc; xe máy, ô tô phóng vù qua, cuốn theo đám lá khô hoặc bắn nước ra xung quanh.

Cứ thế, mùa khô cũng như mùa mưa, tiếng chổi hầu như không ngơi nghỉ. Cứ lăn xa, lăn xa trên tuyến phố rợp bóng cây xanh.

Nữ công nhân môi trường đô thị lặng thầm làm việc trên đường phố khuya vắng. Ảnh: HL

 

Tôi đã từng thử “đóng vai” công nhân quét rác một lần. Cứ nghĩ những thao tác như quét, gom rác vào thùng, đưa lên xe rác và chở đi đổ là đơn giản, dễ làm, nhưng thật ra nó đòi hỏi sức chịu đựng kinh khủng, sự chăm chỉ, bền bỉ, dẻo dai vô cùng.

Thật đấy. Phải chịu đựng giỏi, vì nói đến rác là nói đến ô nhiễm. Khi ta đi trên phố, chỉ cần một xe rác chạy ngang qua đã phải bịt mũi khó chịu vì mùi hôi, ấy thế nhưng công nhân vệ sinh môi trường phải tiếp xúc, phải làm việc nhiều giờ trong ngày và không chỉ ngày một ngày hai, mà tháng này qua năm khác.

Phải dẻo dai, nếu không, chỉ quét vài quãng đường là đau lưng, mỏi tay, chồn chân. Phải kiên trì và nhẫn nại, nếu không sẽ quét không sạch hoặc nổi nóng vì rác vứt bừa bãi.

Không ít người dân vứt rác bất kể giờ giấc, dù đã quy định khung giờ. Bên cạnh đó, người ta cứ tống hết vào một túi, thậm chí còn không có túi, vứt chỏng chơ- một chị kể về những túi rác không bao giờ phân loại, từ cơm thừa, đến rau hỏng, chai lọ, quần áo, thậm chí là mảnh sành, thủy tinh vỡ.

Chúng tôi có phân loại thì rồi các anh chị cũng đổ chung vào nên giờ nhà tôi lại cho chung tất cả các loại rác vào túi ni lông rồi đem vứt bỏ. Người dân nói với chúng tôi như vậy- một chị khác nói.

Cho nên, hiện tại, công đoạn phân loại rác vẫn được phụ trách bởi những công nhân môi trường đô thị. Điều này dẫn đến chi phí cho việc thu gom rác chiếm phần lớn trong tổng kinh phí cho cả quy trình thu gom, vận chuyển và xử lý rác, nhưng cũng không đảm bảo hiệu quả.

Trong khi “cơ giới hóa”, “tự động hóa” và “nâng cao hiệu quả” thu gom rác vẫn đang là kế hoạch “trong thời gian tới”, thì khâu thu gom rác thải sinh hoạt ở đô thị vẫn phụ thuộc vào những cái chổi tre của công nhân môi trường đô thị

Bạn hãy tưởng tượng xem, nếu một ngày trên phố bỗng vắng tiếng chổi tre xào xạc, vắng bóng dáng những con người gắn liền với “tiếng chổi tre” thì sẽ ra sao?

Mà thôi, không cần tưởng tượng nữa. Câu trả lời là các con phố, khu dân cư sẽ ngập rác.

Và xe rác bốc mùi

Có một thực tế ít ai để ý tới là trên các con phố hoặc ở khu dân cư vẫn có những bãi tập kết, thùng rác, hay xe gom rác bốc mùi.

Rác tập kết về các địa điểm trên đều chưa qua phân loại. Những ngày nóng nực, những ngày mưa, nước từ các thùng rác chảy ra ngoài, mùi hôi nồng nặc làm ảnh hưởng không nhỏ đến vệ sinh môi trường và cảnh quan.

Ở nhiều nơi, dù rác đã được chuyển đi nhưng còn đọng nước rỉ rác, cặn, khiến không gian vẫn còn mùi hôi thối, người đi qua gần như ai cũng nín thở, bịt mũi.

Với lượng rác tăng nhiều, công nhân môi trường đô thị phải làm đến 2-3 giờ sáng. Ảnh: H.L

 

Bên cạnh đó, còn tình trạng xe thu gom, vận chuyển rác bị ăn mòn, tạo các lỗ hở phía sau thùng xe, khiến nước bẩn chảy ra ngoài trong quá trình vận chuyển từ vị trí thu gom đến nơi xử lý, bốc mùi hôi khi lưu thông trên đường phố gây bức xúc cho người dân.

Thu gom, xử lý rác thải đảm bảo hiệu quả vẫn luôn là bài toán hóc búa, nhất là ở khu vực đô thị. Hiện nay khi lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, áp lực lên môi trường ngày càng tăng thì việc nâng cao hiệu quả công tác thu gom rác càng trở nên cấp bách.

Trước mắt, hoạt động thu gom rác thải của Công ty Cổ phần Môi trường đô thị cần đảm bảo vệ sinh môi trường tối đa, giảm dần số lượng các điểm tập kết rác lộ thiên; không để xảy ra tình trạng thùng rác hư hỏng gây tràn rác, rò rỉ nước thải; thực hiện che chắn mỹ quan các thùng tập kết rác.

Thay các thùng chứa không đủ tiêu chuẩn, sửa chữa lỗ thủng, lắp thêm thùng chứa nước rỉ rác khắc phục tình trạng rỉ nước, bốc mùi hôi khi di chuyển trên đường phố. Đối với các xe không đảm bảo, hết niên hạn thì nên chấm dứt hoạt động.

Về phía chính quyền, cần quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng phù hợp, đặc biệt là phương tiện vận chuyển rác thải, bố trí thùng rác.

Tăng mức đầu tư từ ngân sách và huy động xã hội hóa để mua sắm xe ép rác thế hệ mới, có công nghệ ép rác hiện đại, bảo đảm rác sẽ không phát sinh mùi hôi, không có nước rỉ ra đường gây ô nhiễm.

Xây dựng một hệ thống thu gom rác thải có hiệu quả, phân loại rác thải từ nguồn, dù tốn kém. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân những quy định về phân loại rác.

Thậm chí lắp đặt camera giám sát để phạt nặng những người không tuân thủ quy định về tập kết rác để đảm bảo vệ sinh môi trường.

Như mọi ngày, hôm nay tôi trở về nhà lúc 21 giờ, mệt nhoài sau một ngày làm việc. Nhưng ở từng con phố, tôi vẫn nghe tiếng chổi đều đặn, kiên nhẫn, dẻo dai của những nữ công nhân môi trường.

Trong lúc chờ đợi các giải pháp “hiện đại hóa” quy trình thu gom, vận chuyển rác, thì phố phường vẫn không thể thiếu vắng tiếng chổi tre và những “chị lao công như sắt như đồng”.         

Hồng Lam

Chuyên mục khác