26/01/2018 10:05
“Chọn mặt gởi vàng”
Tham khảo thông tin từ nhiều nơi, qua nhiều người giới thiệu, chị Đào Thị Bích Hải ở phường Trường Chinh mới chọn gởi con tại một nhóm trẻ gia đình tại phường Duy Tân. “Mình cứ chọn mặt gởi vàng, tin tưởng bà giữ trẻ chứ đằng sau thì mình không thể biết được” - chị Hải nói.
Chị Hải chia sẻ, trước đây, chị gởi con tại một cơ sở gần nhà. Tuy nhiên, vì thấy chất lượng không tốt nên rút kinh nghiệm, chị gởi cho một cơ sở khác. “Nhiều cơ sở lắp camera nhưng có góc khuất, phụ huynh không kiểm soát hết được. Mình tin và hi vọng bà giữ thương trẻ nhỏ chứ nếu đánh đập thì xót lắm” – chị Hải chia sẻ.
Cũng như chị Hải, chị Nguyễn Thị Ánh Thi, tổ 5, phường Trường Chinh cũng gởi con tại một nhóm trẻ trên đường Ngô Quyền, phường Thắng Lợi. Hàng ngày chị Thi chấp nhận đưa đón con đi xa vì tin tưởng khi giữ tại điểm này, con sẽ được chăm sóc, an toàn, không bị bạo hành. “Tôi đưa con xuống đây, có người nhà chăm giữ để tránh tình trạng con bị đánh đập” – chị Thi nói.
Khá lo ngại trước tình trạng bạo hành trẻ, sau nhiều lần đắn đo, tìm hiểu, chị Hoa ở đường Âu Cơ, phường Quang Trung mới chọn gởi con tại một điểm giữ trẻ gần nhà. Chị nói rằng, tại địa điểm này chỉ giữ 2 trẻ nên chị an tâm. Hơn nữa, chị cho biết, tại điểm này còn giữ cả thứ 7, chủ nhật nên chị không lo lắng khi có việc đột xuất.
Được biết, mỗi nhóm trẻ có một cách giữ và giá cả khác nhau. Có điểm giữ lấy giá tiền dựa vào cháu lớn hay nhỏ, dựa vào gia đình tự lo thức ăn hay cơ sở tự chế biến. Tuy nhiên, theo tìm hiểu, các nhóm trẻ thường lấy trung bình khoảng 1,2-2 triệu/tháng/cháu.
Và điều đáng nói, để người trông giữ chú ý, đối xử tốt với con mình, ngoài số tiền trả hàng tháng, nhiều bậc phụ huynh còn bồi dưỡng thêm cho người trông giữ.
Nhiều bất an
“Lúc đầu tôi gởi con ở 1 nhóm trẻ gần nhà, khi đó cứ mỗi tối về cháu lại giật mình, hoảng sợ. Tìm hiểu mới biết con hay bị cô la mắng, dọa nạt. Không dám gởi nữa, tôi bế cháu về” – chị H ở đường Huỳnh Đăng Thơ chia sẻ.
Gởi chỗ này không được, chị H lại tìm hiểu, gởi đến các cơ sở khác. Tuy nhiên, chị cho biết, ở các điểm gởi trẻ khác, khi con chị nôn, người giữ trẻ vẫn bỏ mặc; chuyển con sang chỗ có người giữ tận tâm thì lại quá đông trẻ, con chị bị tù túng vì không có điểm vui chơi. “Mình đi rất nhiều nơi mà bất an lắm, không gởi được, mình chấp nhận nghỉ việc không lương, ở nhà chăm cháu”– chị H nói.
Đầu tháng 1 này, gia đình anh Huỳnh Ngọc Linh ở đường Ngô Quyền phát hoảng khi con gái 18 tháng tuổi bị bầm đen một bên má sau khi đi trẻ (ở gần nhà) về. “Mình tin tưởng điểm giữ trẻ đó nên mới gởi con. Sự việc xảy ra, thấy thương con và bất an quá nên mình phải nghỉ việc, ở nhà trông cháu” – anh Linh bộc bạch.
Trong vai đi gởi con, chúng tôi ghé đến điểm giữ trẻ tự phát ở các phường trên địa bàn thành phố. Qua quan sát, hầu hết các cơ sở đều 3 trong 1: chỗ ăn, chỗ ngủ, chơi cùng trong một phòng, không được ngăn cách. Nhiều cơ sở cho các cháu ngủ võng nhưng cũng có chỗ chỉ lót chiếu và cho các cháu nằm dưới sàn trong tiết trời 16-170C.
Đến các điểm giữ trẻ, khi tỏ ra lo lắng, sợ con bị bạo hành, chúng tôi đều được trấn an: “Ở đây chúng tôi giữ bằng cái tâm nên không có tình trạng bạo hành trẻ đâu. Cứ cho cháu đi vài hôm là biết thôi”.
Thế nhưng, trái với những lời ngon ngọt, phía trong, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng các cháu trẻ khóc ré, nhiều cháu phải ngồi dưới sàn nhà lạnh ngắt, trong không gian tù túng không có đồ chơi.
Ngoài việc không đảm bảo về cơ sở vật chất, phòng chống cháy nổ, điều kiện ăn uống của trẻ cũng không đảm bảo vệ sinh. Mỗi lứa tuổi có khẩu phần ăn khác nhau, nhưng khi vô nhà trẻ, từ cháu 6 tháng đến 3 tuổi, tất cả đều phải tuân thủ theo 1 thực đơn chung, theo sự chăm sóc của bảo mẫu.
Điều đáng nói, đa số những người giữ trẻ ở nhóm trẻ gia đình đều không có bằng cấp, nghiệp vụ, lại giữ các cháu từ 6 tháng đến 3 tuổi nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Tôi giữ hơn 20 năm rồi nên có kinh nghiệm. Khi trẻ đông, chồng và các con tôi cũng tranh thủ giữ nên cô cứ yên tâm” – chủ một nhóm giữ trẻ tại đường Phạm Ngọc Thạch cho rằng giữ trẻ chỉ cần kinh nghiệm!.
Khi được hỏi về bằng cấp, giấy phép, nhiều cơ sở liền giải thích: “Chúng tôi giữ nhỏ lẻ, chủ yếu giữ cháu trong nhà nên không làm giấy phép”.
Quản không được, cấm không xong
Sau vụ bạo hành trẻ xảy ra tại trường Mầm non Hoa Phượng vào năm 2016, phường Quang Trung đã có báo cáo và lên kế hoạch kiểm tra hoạt động các nhóm lớp mầm non ngoài công lập năm học 2017-2018.
Theo đó, phường đã kiểm tra đột xuất thực tế tại các nhóm lớp, phối hợp với các chủ nhóm, giáo viên chủ nhiệm và cha mẹ trẻ để khai thác thông tin việc thực hiện các hoạt động giáo dục và chăm sóc bảo vệ an toàn cho trẻ.
Tuy nhiên, thực tế, đến nay, ngoài việc quản lý chặt các điểm trường tư thục đã được cấp phép, phường Quang Trung vẫn chưa tổng hợp được số lượng các nhóm trẻ gia đình tự phát.
Giải thích về vấn đề trên, bà Nguyễn Thị Thu Hương – Phó Chủ tịch UBND phường Quang Trung cho biết, việc quản lý các nhóm trẻ gia đình rất khó khăn. Đa số các nhóm tự mọc rồi tự đóng cửa nên khó nắm bắt. “Năm 2017, phường có kiểm tra, yêu cầu 2 cơ sở bổ sung, làm giấy phép, tuy nhiên, 2 cơ sở không làm và tự đóng cửa” – bà Hương cho hay.
Hiện nay, trên địa bàn phường Quang Trung tồn tại nhiều điểm giữ trẻ tự phát, không có giấy phép hoạt động tại 19 tổ dân phố. Trước thực trạng trên, bà Hương cũng bày tỏ lo ngại nguy cơ xảy ra bạo hành trẻ nhỏ.
“Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ rà soát, tổng hợp, kiểm tra các nhóm trẻ tự phát, yêu cầu kí cam kết không bạo hành trẻ và đảm bảo cơ sở vật chất hoạt động. Nếu cơ sở nào không có giấy phép, không chấp hành sẽ cho thôi hoạt động” – bà Hương khẳng định.
Ngoài 2 điểm trường mầm non tư thục đã được cấp phép và 1 cơ sở giữ trẻ tại nhà đang xin giấy phép hoạt động, phường Trường Chinh cũng khó nắm số lượng các nhóm trẻ gia đình tự phát.
Ông A Đưa – Phó Chủ tịch UBND phường Trường Chinh cho rằng, phường đã đôn đốc 8 khu dân cư rà soát, kiểm tra, báo cáo số lượng nhưng rất khó kiểm soát. “Đa số những người mở lớp đều không có nghề nghiệp ổn định, đây là kế sinh nhai của họ nên cũng rất khó để cấm” – ông Đưa nói.
Ông Đưa cho biết, trong thời gian đến, để tránh tình trạng bạo hành trẻ, phường sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. “Chúng tôi sẽ hướng dẫn các cơ sở làm thủ tục đăng kí thành lập nhóm trẻ và cam kết không bạo hành trẻ theo quy định của nhà nước” – ông Đưa cho hay.
Bạo hành trẻ em đang là một trong những vấn nạn nhức nhối. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần siết chặt công tác quản lý để tránh những hệ lụy cho trẻ.
Bình An - Tất Thành