Bảo vệ rừng dựa vào luật tục

24/09/2016 14:24

Rừng có ý nghĩa thiêng liêng, nếu ai đốt phá rừng bừa bãi, phạm đến cây thiêng, vật thiêng sẽ bị già làng thay dân làng xử theo luật tục như phạt heo, trâu bò…

Cũng như nhiều dân tộc khác, người Ka Dong làng Đăk Sao, xã Đăk Ring (huyện Kon Plông) từ bao đời nay đều gắn bó với rừng.

Ở các địa phương có rừng, nhất là rừng thiêng, rừng đầu nguồn cung cấp nước sinh hoạt cho làng, rừng ma (nơi chôn cất người chết)… được xem là những nơi linh thiêng, dân làng bảo vệ rừng theo luật tục và không ai dám mạo phạm.  

Theo các nhà nghiên cứu tại Viện Tư vấn phát triển (CODE) khi nghiên cứu về người Ka Dong ở làng Đăk Sao, thì không gian sinh tồn của làng thuộc quyền sở hữu của cộng đồng làng. Không gian sinh tồn giữa các làng là ranh giới rừng, đất rừng.

Tài nguyên rừng trong không gian sinh tồn của làng Đăk Sao là thiêng liêng, cộng đồng bên ngoài không được xâm phạm. Các làng lân cận có nhu cầu sử dụng tài nguyên của làng phải được sự đồng ý của làng, phải làm lễ xin phép Yàng và các vị thần.

Theo người dân, không gian sinh tồn làng Đăk Sao được bao bọc bởi các núi xung quanh và suối lớn trong làng. Trong không gian này, suối, nguồn nước, rừng tự nhiên, rừng thiêng, rừng ma, khu vực rừng bảo vệ nguồn nước là tài sản chung, không ai được quyền chiếm hữu cho riêng mình.

Tuy nhiên, trong khu vực sản xuất nông nghiệp, khu vực lập làng, các hộ được quyền khai thác riêng để lấy đất sản xuất, xây dựng nhà cửa nhưng phải có sự đồng thuận của làng.

Rừng đầu nguồn được dân làng quan tâm bảo vệ. Ảnh: Đ.N

 

Theo quan niệm của cộng đồng, rừng và đất đai của làng không phải chỗ nào cũng giống chỗ nào mà được phân chia thành các vùng theo mục đích sử dụng khác nhau. Mỗi khu vực có một quy ước quản lý, sử dụng riêng.

Khu vực rừng thiêng nơi tổ chức các nghi lễ cúng thần rừng, thần đất, thần nước và cũng có khu vực rừng thiêng nơi chôn nhau trẻ sơ sinh. Khu vực rừng ma là nơi chôn người chết.

Đây là những nơi được bảo vệ nghiêm ngặt thể hiện sự tôn trọng của dân làng với Yàng và thần linh.

Khu vực rừng bảo vệ nguồn nước cho sản xuất và sinh hoạt, chỉ được khai thác lâm sản phụ, hạn chế khai thác gỗ.

Khu vực rừng tự nhiên không thuộc các loại rừng trên, người dân được khai thác gỗ làm nhà nhưng phải được sự đồng ý của già làng.

Khu vực sản xuất nương rẫy, canh tác lúa nước, lập làng, mọi người trong làng được phép khai thác làm của riêng.

Ông A Nghị, người có uy tín của làng Đăk Sao cho biết, rừng là tài nguyên quý giá. Rừng còn là nơi trú ngụ của Yàng và các thần linh che chở cho dân làng.

Ông kể, ngay từ hồi còn nhỏ, ông thường được ông bà, cha mẹ kể cho nghe những câu chuyện linh thiêng về các khu rừng thiêng, đỉnh núi, cây đa cổ thụ… trong rừng. Khi trưởng thành, ông lại kể cho các thế hệ con cháu những câu chuyện linh thiêng có liên quan đến rừng để giáo dục con cháu có ý thức bảo vệ rừng.

Trong mối quan hệ giữa con người với tự nhiên ở làng Đăk Sao và các làng ở các địa phương khác ở Tây Nguyên nói chung, già làng có một vai trò quan trọng và chỉ có già làng mới có đủ uy tín đứng ra giải quyết những mâu thuẫn giữa con người với con người; con người với tự nhiên theo luật tục.

Dựa theo luật tục, già làng quy định rõ khu rừng sản xuất, rừng thiêng... Rừng có ý nghĩa thiêng liêng, nếu ai đốt phá rừng bừa bãi, phạm đến cây thiêng, vật thiêng sẽ bị già làng thay dân làng xử theo luật tục như phạt heo, trâu bò…

Về mặt pháp lý, rừng tự nhiên xung quanh làng Đăk Sao hiện nay do Ban quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Thạch Nham quản lý, giao khoán cho các hộ và tổ chức bảo vệ theo nhóm hộ với diện tích khác nhau tùy theo đặc điểm của địa hình.

Tuy nhiên, khi trả công khoán quản lý bảo vệ rừng, các hộ không nhận tiền theo hợp đồng mà già làng kết hợp với trưởng làng điều chỉnh chia đều cho tất cả các hộ trong làng.

Các già làng ở đây cho biết, cả làng tham gia bảo vệ rừng, không phân biệt giao khoán cho ai nên làng chia đều tiền nhận khoán cho các hộ để đảm bảo sự công bằng.

Các nhà nghiên cứu có lý khi nói rằng, cộng đồng làng Đăk Sao là chủ rừng truyền thống (tự công nhận) và là lực lượng nòng cốt bảo vệ rừng tự nhiên theo luật tục. Mỗi thành viên trong cộng đồng có trách nhiệm phát hiện, thông báo cho làng. Thanh niên làng là lực lượng nòng cốt ngăn chặn các hành vi vi phạm đến rừng và đất rừng.

Già làng A Đí khẳng định, khi có thông báo có người vi phạm hoặc biết có người ngoài vào rừng khai thác gỗ, thanh niên trong làng sẽ đi ngăn chặn ngay.  

Để bảo vệ tốt tài nguyên rừng, các nhà nghiên cứu Viện CODE cho rằng: Cần đảm bảo quyền pháp lý cho cộng đồng làng Đăk Sao với các khu vực rừng thiêng, rừng ma, rừng bảo vệ nguồn nước trực tiếp cho sản xuất, sinh hoạt và gắn với tín ngưỡng bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Ka Dong. Tiếp đến là thiết lập cơ chế đồng quản trị giữa cộng đồng làng Đăk Sao với Ban QLRPH Thạch Nham (hai bên đều là chủ rừng) ở các khu rừng còn lại.

"Trên cơ sở đảm bảo quyền pháp lý (quyền được giao đất giao rừng và hợp pháp hóa đồng quản trị) thì cộng đồng mới đủ khả năng vận dụng luật tục kết với các luật khác để bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại từ bên ngoài hiệu quả" - các nhà nghiên cứu chỉ ra.

Đây là ý kiến hay cần được các cấp, các ngành, các chủ rừng xem xét giao đất, giao rừng và khoán quản lý bảo vệ rừng cho đồng bào DTTS ở làng Đăk Sao nói riêng cũng như các làng khác trên địa bàn tỉnh nói chung.

Đào Nguyên

Chuyên mục khác