Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn

27/11/2020 13:10

Hiện nay, dân số ở nhiều địa phương tăng mạnh, các hoạt động diễn ra nhiều nên đã phát sinh thêm nhiều loại rác thải sinh hoạt, chất thải rắn ở khu vực nông thôn. Vì thế, để đảm bảo vệ sinh môi trường, các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân quét dọn vệ sinh vào thứ 7 hoặc Chủ nhật, bảo đảm môi trường sống ở khu dân cư trong lành, xanh-sạch-đẹp.

Thực tế cho thấy, chức năng quản lý nhà nước về môi trường khu vực nông thôn giữa các ngành chưa có sự phân công rõ ràng dẫn đến hoạt động chồng chéo và bỏ ngỏ; chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động thu gom, quản lý chất thải rắn, chất thải sinh hoạt ở nông thôn.

Hiện nay, hầu hết các tổ chức xã hội ở nông thôn mới thực hiện được các nội dung về truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về những nguy hại của rác thải sinh hoạt, chưa có các biện pháp xử lý, dẫn đến tình trạng ứ đọng, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở nông thôn ngày càng gia tăng. Việc thu gom rác thải tại nông thôn chưa được coi trọng. Nhiều thôn, xã, chưa có các đơn vị chuyên trách trong việc thu gom rác thải. Một số địa phương đã áp dụng các biện pháp thu gom rác thải sinh hoạt nhưng với quy mô nhỏ, phần lớn do các tổ thiện nguyện tổ chức thu gom, phương tiện thu gom còn rất thô sơ với các xe cải tiến chuyên chở về nơi tập trung rác. Mặt khác, hoạt động thu gom này không được diễn ra thường xuyên mà kết hợp với các đợt nạo vét kênh mương do xã phát động.

Rác thải sinh hoạt do người dân vứt bên đường, tại xã Vinh Quang. Ảnh: T.N

 

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên - Môi trường thành phố Kon Tum, hiện mới chỉ có khoảng 20% số thôn tổ chức thu dọn rác thải sinh hoạt định kỳ; trên 30% thôn, xã đã hình thành các tổ thu gom rác thải tự quản. Tỷ lệ thu gom rác sinh hoạt tại khu vực nông thôn mới đạt khoảng 35-50%. Do tỷ lệ thu gom chưa đáp ứng nhu cầu, nên rác vẫn tràn ngập khắp nơi công cộng, ao, hồ, sông suối, đường sá...

Tại một số xã sau khi hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đã đẩy mạnh việc thành lập đơn vị thu gom rác thải sinh hoạt. Hiện, có hơn 30% tổng số thôn, xã hình thành các tổ thu gom rác tự quản, thực hiện thu gom rác trong cộng đồng dân cư, vận chuyển đến địa điểm tập kết, sau đó doanh nghiệp thu gom vận chuyển về khu xử lý rác tập trung của thành phố Kon Tum. Tuy nhiên, do chưa có chính sách hỗ trợ cho các hoạt động quản lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn nên các hoạt động thu gom rác vẫn còn nhiều bất cập.

Đối với chất thải rắn, mặc dù, công tác thu gom vận chuyển ngày càng được chính quyền các địa phương quan tâm nhưng dường như vẫn không thể đáp ứng được với yêu cầu và nếu có thu gom thì chưa triệt để. Vẫn còn rất nhiều nơi, nhiều hộ gia đình xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm không khí, đất, nước, tác động xấu đến cảnh quan.

Thực trạng trên đặt ra nhiều thách thức đối với các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành Tài nguyên và Môi trường. Giải quyết bài toán này không chỉ một sớm một chiều, mà đòi hỏi phải có sự thay đổi nhiều phía từ cơ quan chức năng đến chính quyền địa phương và ý thức của người dân.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Hải - Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường đô thị Kon Tum cho biết: Hiện tại, đơn vị tổ chức thu gom các loại rác thải với khối lượng khoảng 65 tấn/ngày. Đến thời điểm này, Công ty tổ chức thu gom rác thải tại 10 phường nội thành và 5 xã Chư Hreng, Đăk Cấm, Đoàn Kết, Kroong, Đăk Blà và sắp tới, công ty ký kết hợp đồng thu gom rác thải trên địa bàn xã Vinh Quang…

Ông Phạm Văn Hải nhấn mạnh: Để hướng tới bảo vệ môi trường nông thôn bền vững, trả lại môi trường sống trong lành và bảo đảm sức khỏe cho người dân, trước hết các ngành chức năng ở khu dân cư cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cho mọi người dân thấy được bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp ở đường làng, ngõ xóm là bảo vệ cho chính mình; đồng thời, người dân phải nghiêm túc chấp hành việc bỏ rác đúng giờ quy định của công ty. Các cấp chính quyền, các ngành chức năng cần thực hiện nghiêm các biện pháp đã quy định trong việc xử lý rác thải sinh hoạt tại địa phương. Bãi rác thải của thôn, xã phải được đưa đi xử lý kịp thời, đúng quy trình hạn chế rác thải sinh hoạt ở nông thôn ứ đọng nhiều ngày, ảnh hưởng đến sức khoẻ và môi trường sống tại cộng đồng khu dân cư.     

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác