11/10/2019 06:02
Ông Ka Ba Thành - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Trong 2 năm (2017-2018), UBND tỉnh cấp 1,48 tỷ đồng để thực hiện Đề án. Ban đã xây dựng kế hoạch và hoàn thành triển khai thực hiện nhiều hoạt động thiết thực nhằm từng bước bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xây dựng sản phẩm truyền thông, bao gồm xây dựng panô tuyên truyền trực quan về bảo tồn nghề truyền thống tại 5 huyện Kon Plông, Kon Rẫy, Sa Thầy, Ngọc Hồi và Đăk Tô; xây dựng băng đĩa về quy trình sản xuất 9 nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, rèn, đan lát, làm rượu cần, chế tác nỏ, chế tác các nhạc cụ âm nhạc truyền thống, đẽo thuyền độc mộc, tạc tượng, gốm) để chuẩn bị tài liệu trực quan cho hội nghị tuyên truyền, giới thiệu về các nghề truyền thống, vận động bảo tồn nghề cho các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ khẩn cấp nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Rơ Măm và phối hợp hỗ trợ dạy nghề dệt của dân tộc Hre có nguy cơ bị mai một, thất truyền. Trong đó, tổ chức 2 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm cho 10 hộ dân tộc Rơ Măm (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) và 10 hộ dân tộc Hre (xã Pờ Ê, huyện Kon Plông) với thời gian 30 ngày/lớp. Sau khi học nghề, các học viên của 2 lớp nói trên đã biết cách xe chỉ, dệt vải với những đường nét hoa văn cơ bản. Từ các hộ được học nghề dệt thổ cẩm này, trong thời gian tiếp theo, các đoàn thể của thôn sẽ cùng với chính quyền xã theo dõi, vận động nhân dân tiếp tục tự học hỏi lẫn nhau và phát huy để lưu giữ nghề, tránh bị mai một, thất truyền như trước đây.
|
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 13 hội nghị tuyên truyền, vận động công tác bảo tồn và phát triển nghề trực tiếp tại các địa phương với 875 người tham gia, đồng thời hỗ trợ 102 bộ khung dệt cho các hộ, cá nhân; xây dựng điểm trưng bày và tổ chức trưng bày sản phẩm tại trụ sở cơ quan; cấp khung dệt cho 208 hộ gia đình, nhóm hộ gia đình có hoạt động sản xuất nghề dệt thổ cẩm.
Đặc biệt, Ban Dân tộc tỉnh còn thực hiện quảng bá sản phẩm tại 2 hội chợ, triển lãm xúc tiến thương mại ngoài tỉnh; phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh xây dựng 2 phóng sự quảng bá các nghề truyền thống có thể đưa ra thị trường, như rượu cần, đan lát, dệt thổ cẩm..; đồng thời đầu tư điểm trưng bày sản phẩm nghề truyền thống tại trụ sở Ban Dân tộc tỉnh với việc đặt hàng của các nghệ nhân đang sản xuất nghề để trưng bày và xây dựng chuyên trang bảo tồn nghề truyền thống nhằm tuyên truyền, quảng bá sản phẩm nghề truyền thống ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Có thể nói, việc triển khai thực hiện Đề án bước đầu đã tuyên truyền, vận động đồng bào các DTTS tại chỗ, nhất là những người đang trong độ tuổi lao động, thanh thiếu niên, người có uy tín hiểu biết về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, vận động bà con các DTTS tại chỗ tích cực tham gia vào việc bảo tồn, lưu giữ những nét văn hóa, những sản phẩm truyền thống độc đáo và tham gia truyền nghề, học nghề. Đặc biệt, các nghệ nhân DTTS tại chỗ đã mô tả được các công đoạn về quy trình sản xuất nghề để lưu giữ nghề và phát huy giá trị văn hóa của các nghề truyền thống đang dần bị mai một, trong đó chủ yếu là các nghề dệt thổ cẩm, rèn, chế tác nỏ, đan lát, gốm...
|
Ông Ka Ba Thành cho biết thêm: Trong thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh là đơn vị chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện Đề án. Trong đó, tăng cường công tác tổ chức các hoạt động tuyên truyền, vận động, thực hiện các sản phẩm truyền thông và dạy nghề cho lao động nông thôn; tăng cường vận động đồng bào DTTS tại chỗ tích cực tham gia công tác bảo tồn nghề truyền thống; vận động những người có tay nghề cao và những nghệ nhân tích cực tham gia truyền dạy nghề cho thế hệ trẻ để bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống.
Bên cạnh đó, các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố tiếp tục lồng ghép việc triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án, chính sách khác trên địa bàn nhằm vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào việc phát triển nghề truyền thống. Các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Đề án nhằm vận động người dân tham gia thực hiện với những hoạt động cụ thể phù hợp, đồng thời hỗ trợ những người hoạt động nghề truyền thống trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh…
Có như vậy, việc triển khai Đề án mới đi vào thực chất và hiệu quả cao hơn, góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS tại chỗ.
Trần Văn Phúc