Bảo tồn cồng chiêng ở huyện Đăk Hà

11/12/2020 13:03

Xác định tầm quan trọng của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trong đời sống tinh thần của đồng bào các DTTS, HĐND huyện Đăk Hà ban hành Nghị quyết về bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2016-2020. Nghị quyết đề ra nhiệm vụ bảo tồn văn hóa cồng chiêng, giữ gìn, bảo vệ từng bộ chiêng quý, tổ chức truyền dạy đánh chiêng, kỹ năng chỉnh chiêng, thẩm âm, diễn tấu cồng chiêng cho thế hệ trẻ; thường xuyên tổ chức, phục dựng, trình diễn các nghi lễ, lễ hội của DTTS gắn với cồng chiêng tại cộng đồng để góp phần bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Ông Hà Tiến - Phó Bí thư Huyện uỷ, Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà cho biết: Bằng nguồn hỗ trợ của tỉnh, ngân sách địa phương và nguồn đóng góp của nhân dân, từ năm 2016 đến nay, huyện Đăk Hà mua tặng 11 bộ cồng chiêng cho các thôn DTTS chưa có cồng chiêng. Bên cạnh đó, một số xã như Đăk Mar hỗ trợ 1 bộ cồng chiêng cho nhân dân thôn Kon Klốk; xã Đăk Pxi, xã Ngọk Wang vận động nhân dân đóng góp kinh phí mua cồng chiêng theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Nhờ vậy, hiện nay 100% thôn DTTS tại xã Ngọk Wang và xã Đăk Pxi đã có các bộ cồng chiêng của cộng đồng. Đến nay, toàn huyện có 90 bộ cồng chiêng (trong đó 46 bộ cồng chiêng của cá nhân, 44 bộ của cộng đồng); số thôn DTTS có bộ cồng chiêng tập thể là 36 thôn/47 thôn; 4 thôn chưa có bộ cồng chiêng tập thể nhưng có cồng chiêng của hộ gia đình; hiện chỉ còn 7 thôn chưa có cồng chiêng.

Đăk Pxi là một trong những địa phương của huyện Đăk Hà làm tốt công tác xã hội hoá trong việc mua sắm cồng chiêng.

Ông Nguyễn Phúc Đoan- Chủ tịch UBND xã Đăk Pxi  cho biết: “Chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể xã thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, của ít người nhiều góp tiền để mua cồng chiêng phục vụ các lễ hội của cộng đồng. Làng nào có mức sống khá hơn, xã hỗ trợ một phần kinh phí; làng nào còn khó khăn, ngân sách xã hỗ trợ nhiều hơn để mua một bộ cồng chiêng tập thể”.

Đăk Hà âm vang nhịp chiêng. Ảnh: Hồng Lam

 

Để bảo tồn, gìn giữ không gian văn hóa cồng chiêng, hàng năm, vào mỗi dịp hè, huyện Đăk Hà tổ chức các lớp truyền dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên ở các thôn làng và trở thành hoạt động thường xuyên.

Theo đó, trong 5 năm qua, huyện mở được 30 lớp truyền dạy nghệ thuật cồng chiêng, múa xoang cho thế hệ trẻ tại các thôn dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, thu hút gần 1.000 em thanh thiếu niên, nhi đồng tham gia. Nghệ nhân truyền dạy là các nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân dân gian của thôn. Qua các lớp truyền dạy, các em đã nắm vững thao tác diễn tấu và những bài chiêng cơ bản của dân tộc mình và trở thành những hạt nhân nòng cốt hình thành nên những đội cồng chiêng ở các thôn, thường xuyên biểu diễn phục vụ các sự kiện của địa phương và huyện.

Tính đến nay, huyện Đăk Hà có 80 đội cồng chiêng xoang; trong đó có 38 đội cồng chiêng người lớn, 42 đội cồng chiêng thanh thiếu niên, một số thôn còn có đội cồng chiêng nữ; 34 thôn/47 thôn DTTS có đội cồng chiêng thanh thiếu niên, trong đó 100% thôn DTTS xã Ngọk Réo có đội cồng chiêng thanh thiếu niên.

Ngoài ra, huyện Đăk Hà tổ chức 3 lớp chỉnh chiêng cho các nghệ nhân dân gian tại các xã, mỗi lớp có 15-20 nghệ nhân tham gia; mở 1 lớp chỉnh chiêng cho 10 thanh thiếu niên tại thôn Kon Trang Long Loi (thị trấn Đăk Hà). Đến nay, hầu hết các thôn DTTS trên địa bàn huyện đều có nghệ nhân chỉnh chiêng.

Các nghệ nhân làng Kon Klốk biểu diễn cồng chiêng. Ảnh: Q.Đ

 

Nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết, tôn vinh bản sắc văn hóa các dân tộc, huyện Đăk Hà thường xuyên tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao các dân tộc”, Liên hoan cồng chiêng thiếu niên; tổ chức “Ngày hội di sản văn hóa và trưng bày sản phẩm đặc trưng trên địa bàn huyện”.

Thông qua ngày hội văn hóa, thể thao, liên hoan cồng chiêng các hoạt động biểu diễn nhạc cụ truyền thống, trang phục truyền thống, hát dân ca, các di sản văn hóa DTTS, không gian văn hóa cồng chiêng được bảo tồn và phát huy. Các đội nghệ nhân cồng chiêng, xoang huyện Đăk Hà còn được mời tham gia biểu diễn cồng chiêng tại các sự kiện văn hóa, chính trị lớn của Trung ương và tỉnh; qua đó góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, mảnh đất, con người, văn hóa đến bạn bè trong nước và quốc tế.

Hàng năm, huyện Đăk Hà tuyên truyền, vận động nhân dân duy trì tổ chức các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc bản địa trên địa bàn huyện như: lễ nước giọt, lễ mừng năm mới, lễ mừng nhà rông mới, lễ mừng lúa mới, lễ trỉa lúa... Qua đó, các lễ hội tiêu biểu của các dân tộc được bảo tồn, phát huy, các hoạt động này đảm bảo tiết kiệm, vui tươi, lành mạnh gắn với không gian văn hóa cồng chiêng. 

Ông A Kây - Phó trưởng Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đăk Hà cho hay: Để bảo tồn di sản văn hóa DTTS, góp phần giới thiệu, quảng bá hình ảnh mảnh đất, con người, bản sắc văn hóa của huyện Đăk Hà nói chung và người DTTS nói riêng đến bạn bè trong nước và nước ngoài, năm 2018, huyện Đăk Hà thành lập 2 Câu lạc bộ văn hóa dân gian (thôn Kon Trang Long Loi, thị trấn Đăk Hà và thôn Kon Klốk, xã Đăk Mar) gồm các thành viên thuộc các lứa tuổi khác nhau, trong đó Câu lạc bộ văn hóa dân gian thôn Kon Trang Long Loi được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chọn là Câu lạc bộ văn hóa dân gian điểm của Trung ương. Hiện nay, 2 Câu lạc bộ hoạt động hiệu quả, thực hiện tốt công tác truyền dạy, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ và là hạt nhân nòng cốt tham gia các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và Trung ương.

Bằng nhiều cách làm khác nhau, huyện Đăk Hà đã thực hiện tốt công tác giữ gìn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, qua đó góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là người DTTS.

Quang Định

Chuyên mục khác