Báo Kon Tum tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh

20/06/2024 06:03

Thủ tướng Phạm Minh Chính trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum (tháng 8/2023) đã yêu cầu: “Chú trọng phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa đổi mới mô hình tăng trưởng từ khai thác tài nguyên thiên nhiên sang dựa vào đổi mới sáng tạo, năng suất lao động cao, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là trong những lĩnh vực có tiềm năng lớn như du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến”. Vấn đề là ở chỗ, làm gì để công tác tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh thật sự hiệu quả.

Là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, trong thời gian qua Báo Kon Tum luôn xác định công tác tuyên truyền về các nhiệm vụ chính trị nói chung và tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh nói riêng là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.

Với mục tiêu nhằm tăng cường nhận thức cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc chuyển đổi xanh đối với sự phát triển của tỉnh nhà nói riêng và sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung, công tác tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh được Báo Kon Tum quan tâm cả trên mặt lý luận và thực tiễn. Một số bài viết về lĩnh vực này đăng trên Báo Kon Tum như: “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh”, “Chuyển đổi kép xanh và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch là yêu cầu tất yếu đối với các tỉnh Tây Nguyên trong xu thế hội nhập”, “Nông nghiệp hữu cơ”, “Tu Mơ Rông - Chung tay bảo vệ “lá phổi” xanh”, “Uống cà phê để… gây rừng”.

Báo Kon Tum tuyên truyền chuyển đổi xanh. Ảnh: XB

 

Với sự nỗ lực trong công tác tuyên truyền về thúc đẩy chuyển đổi xanh của cả hệ thống chính trị nói chung và của Báo Kon Tum nói riêng, nhận thức của nhân dân và cộng đồng về vai trò, ý nghĩa của chuyển đổi xanh được nâng lên, từng bước thay đổi hành vi sản xuất, sinh hoạt và có nhiều hành động thiết thực đóng góp vào thực hiện chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh.

Thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất và tiêu dùng tiết kiệm, an toàn, văn minh, thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Môi trường sống của người dân ngày càng thay đổi theo hướng tích cực. Nhiều doanh nghiệp cũng đã hưởng ứng chuyển đổi từ mô hình kinh doanh truyền thống sang mô hình sản xuất, kinh doanh thông minh và bền vững, thân thiện với môi trường. Ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng, doanh nghiệp có nhiều chuyển biến. Những năm gần đây, các doanh nghiệp, người dân trên địa bàn đã đầu tư phát triển năng lượng gió, mặt trời. Người dân tham gia tích cực chuyển đổi xanh, bảo vệ môi trường và bảo vệ tài nguyên bằng việc thay đổi cách sống, cách tiêu dùng, như: Sử dụng các sản phẩm và vật liệu thân thiện với môi trường; phân loại và tái chế rác để giảm thiểu lượng rác thải và bảo vệ môi trường; tham gia các hoạt động trồng cây và bảo vệ rừng để giữ gìn và phát triển các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh lên 63,69%; tham gia các hoạt động tình nguyện và giáo dục về môi trường để nâng cao nhận thức và đóng góp vào việc bảo vệ môi trường. Một số doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã hưởng ứng chuyển đổi từ mô hình sản xuất truyền thống sang mô hình sản xuất thông minh, hữu cơ và bền vững, thân thiện với môi trường. Đến nay, tổng diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh khoảng 550ha; đã xây dựng được 4 nhóm sản phẩm nông nghiệp đạt đúng và đủ theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Organic gắn với xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ. Nhiều cơ sở kinh doanh, dịch vụ, nhất là ở Khu du lịch Măng Đen (huyện Kon Plông), nhiều cơ sở đã sử dụng các vật dụng tái chế, hạn chế chất thải nhựa ra môi trường.

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Kon Plông. Ảnh: PN

 

Tuy nhiên, nhận thức của một bộ phận doanh nghiệp, người dân về chuyển đổi xanh còn hạn chế, chủ yếu quan tâm đến sự phát triển trước mắt mà ít quan tâm sự phát triển bền vững lâu dài nên vẫn còn tình trạng xả thải ra môi trường, duy trì phương thức sản xuất, kinh doanh truyền thống ít thân thiện môi trường, lạm dụng sản phẩm hóa học. Trong khi đó, công tác tuyên truyền về thúc đẩy chuyển đổi xanh trên Báo Kon Tum chưa thật sự đa dạng, số lượng tin, bài chưa nhiều, nội dung chủ yếu là phản ánh.

Trong thời gian tới, để làm tốt hơn công tác tuyên truyền thúc đẩy chuyển đổi xanh, Báo Kon Tum tiếp tục tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm, mở chuyên mục, xây dựng các chuyên đề, chuyên trang tập trung trên các ấn phẩm. Trong tuyên truyền chú ý nhiều hơn trong việc lựa chọn vấn đề, đánh giá đúng thực trạng để đề ra các giải pháp; nghiên cứu và phân tích các chính sách, giải pháp và kết quả của các dự án chuyển đổi xanh để có các bài viết chất lượng; truyền tải thông tin cho cộng đồng một cách rõ ràng, đầy đủ và dễ hiểu; cùng với biểu dương những tập thể, cá nhân, mô hình điển hình, người tốt việc tốt, phải đi sâu vào đánh giá những hạn chế, những việc làm, hành động ảnh hưởng tiêu cực đến chuyển đổi xanh. Qua đó góp phần giúp cho cộng đồng hiểu hơn về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và chuyển đổi xanh.

Phúc Nguyên

Chuyên mục khác