Báo chí phải “chủ động” và “nhạy bén”

21/06/2019 06:35

“Chủ động” và “nhạy bén” là hai yếu tố không thể thiếu đối với báo chí cách mạng. Nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay với sự cạnh tranh gay gắt của các mạng xã hội thì việc “chủ động” và “nhạy bén” của báo chí cách mạng càng được nâng cao hơn.

Phát biểu chỉ đạo, định hướng nội dung thông tin và thông tin trên báo chí tại Hội nghị Báo chí toàn quốc năm 2018 do Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại Hà Nội, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh: “Cần thực hiện nhất quán phương châm chủ động, nhạy bén. Các cơ quan nắm thông tin làm tốt trách nhiệm kịp thời cung cấp thông tin cho báo chí; sự phối hợp giữa các ngành, địa phương với các cơ quan chỉ đạo, quản lý kịp thời, thống nhất hơn; các cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ, hiệu quả hơn việc tạo điều kiện về thông tin cũng như cổ vũ, động viên, hỗ trợ, bảo vệ các nhà báo, cơ quan báo chí thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm; các cơ quan báo chí tỉnh táo thực hiện chặt chẽ quy trình và phê phán mạnh mẽ hơn các điểm yếu của không ít mạng xã hội về khuynh hướng tiêu cực, cực đoan, độ chuẩn xác thấp… Làm được điều đó, báo chí sẽ lấy lại niềm tin của công chúng. Làm được điều đó, báo chí cách mạng mới thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận”.

Có thể hiểu rằng, để thực sự là lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, điều quan trọng là báo chí cách mạng phải đủ sức tạo được niềm tin cho nhân dân. Một tờ báo chỉ chăm chú “săn lùng” những tin giật gân thường rất dễ phạm phải lỗi sẵn sàng bóp méo sự thật, đôn sự thật lên quá mức thực tế. Chỉ đến khi sự thật phơi bày thì đổ lỗi nhiều lý do, hoặc nếu có bị đối tượng phản ánh phản ứng thì “đính chính” thông tin là xong, nên có thể tạo sự hiếu kỳ tức thời cho người đọc nhưng lại gây mất niềm tin về lâu dài. Hay một tờ báo chỉ chăm chú đăng tải những bài viết “tô hồng”, không phản ánh tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, đảng viên đối với dân hoặc những mặt tiêu cực mà hơn ai hết chính nhân dân là người đã phát hiện và tin tưởng phản ánh với cơ quan báo chí thì chắc chắn tờ báo ấy cũng dần đánh mất uy tín, niềm tin trong dân. Trường hợp một số người làm báo lợi dụng danh nghĩa nhà báo để trục lợi, vòi vĩnh doanh nghiệp, sẵn sàng “bẻ cong” ngòi bút cũng là yếu tố góp phần gây mất uy tín và niềm tin của nhiều tờ báo…

Cũng có khi đấy là những thông tin bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch qua các trang mạng xã hội mà trách nhiệm của báo chí cần phải có sự phản bác kịp thời để định hướng dư luận xã hội, tránh sự lan truyền thông tin xấu, độc.

Bởi vậy, “chủ động” và “nhạy bén” là hai yếu tố không thể thiếu đối với báo chí cách mạng. Nhất là trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin như hiện nay với sự cạnh tranh gay gắt của các mạng xã hội thì việc “chủ động” và “nhạy bén” của báo chí cách mạng càng được nâng cao hơn.

Trước hết, đứng về phía các cơ quan báo chí, để có được sự “chủ động” và “nhạy bén”, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông tin tuyên truyền, cần bám sát định hướng, tôn chỉ, mục đích của tờ báo; đưa tin kịp thời các vấn đề, sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, của tỉnh (nếu là báo Đảng địa phương); đẩy mạnh công tác tuyên truyền về giáo dục chính trị tư tưởng; tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, thành tựu trong công cuộc đổi mới; đẩy mạnh đấu tranh, phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, thông tin xấu, độc; thực hiện có hiệu quả chức năng tham gia giám sát, phản biện xã hội, đấu tranh kiên quyết với những hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng nhiều phương thức, hình thức.

Bên cạnh đó, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng nữa mà tại Hội nghị báo chí toàn quốc năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 cũng đã được xác định đó là: Các cơ quan báo chí phải nắm bắt kịp thời xu thế, khai thác tối đa nền tảng internet để phát triển cơ quan theo mô hình tòa soạn hội tụ, tích hợp đa phương tiện truyền dẫn đa nền tảng; coi mạng xã hội như một đối tượng để cạnh tranh về thông tin nhưng phải chủ động cung cấp thông tin tích cực trên mạng xã hội và trên môi trường internet nhằm tạo ra sự cộng hưởng tốt, sự lan tỏa đối với thông tin trên báo chí; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong hoạt động báo chí theo hướng cung cấp thông tin báo chí phù hợp, kịp thời trên cơ sở phân tích xu hướng “đọc-nghe-xem” của khách hàng; khai thác tối đa khả năng kết nối, tương tác giữa “khách hàng” và “báo chí”.

Cùng với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi tờ báo, thì yếu tố không kém phần quan trọng góp phần tạo nên sự “chủ động” và “nhạy bén” của báo chí cách mạng đó là trách nhiệm từ phía các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí.

Trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, cùng với các cơ quan báo chí, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí cũng phải chủ động cập nhật nhanh nhạy các thông tin để có những nhận định, phân tích tình hình và kịp thời đưa ra những định hướng để các cơ quan báo chí làm tốt công tác tuyên truyền, tránh gây hoang mang và lan truyền thông tin xấu, độc trong xã hội.

Bên cạnh đó, các cơ quan chỉ đạo và quản lý báo chí cũng cần kịp thời đề xuất các cơ chế đối với báo chí phù hợp theo từng giai đoạn, đáp ứng yêu cầu phát triển của báo chí hiện đại; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương làm tốt công tác cung cấp thông tin cho báo chí; cổ vũ, động viên, bảo vệ và phát hiện, xử lý kịp thời các sai phạm trong hoạt động báo chí, các hành vi vi phạm đạo đức nhà báo…

Đối với tỉnh Kon Tum, thời gian qua, việc duy trì giao ban báo chí định kỳ hàng tháng đã tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí trong tỉnh, cơ quan báo chí Trung ương thường trú trên địa bàn tỉnh và các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí có thể trao đổi, chia sẻ, nắm bắt thông tin đối với hoạt động báo chí trong tỉnh nhanh chóng, kịp thời. Qua giao ban báo chí hàng tháng, nhiều khúc mắc của các cơ quan báo chí nhanh chóng được giải quyết, đặc biệt như việc cung cấp thông tin cho báo chí, quy chế phát ngôn…; việc định hướng thông tin tuyên truyền trên báo chí cũng được nhanh chóng, kịp thời hơn, nhất là những vấn đề dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Phóng viên Báo Kon Tum và Đài PT-TH tỉnh vượt khó tác nghiệp ở vùng sâu. Ảnh: TQ

 

Đối với tờ báo Đảng địa phương (Báo Kon Tum) thời quan qua dù còn nhiều khó khăn về con người, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật nhưng đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới nội dung và hình thức tờ báo. Thông tin phản ánh trên mặt báo luôn nhanh nhạy, chính xác, kịp thời; đặc biệt tờ báo luôn bám sát tôn chỉ, mục đích, chỉ đạo, định hướng tuyên truyền của Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, không để xảy ra những sai sót về tư tưởng chính trị; kịp thời định hướng những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm. Đặc biệt, cùng với sự ra đời của loại hình báo điện tử, Báo Kon Tum điện tử đã thu hút lượng lớn độc giả truy cập, đó là niềm khích lệ, động viên tinh thần để những người làm Báo Đảng địa phương càng nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa xây dựng tờ báo ngày một phát triển.

Tuy nhiên, để “chủ động” và “nhạy bén” hơn, bắt kịp xu thế báo chí hiện đại, Báo Kon Tum cũng đang nỗ lực hướng đến mô hình phát triển báo chí đa phương tiện, tòa soạn điện tử… để nhanh nhạy hơn trong các khâu, các bước, nhằm nâng cao chất lượng công tác thông tin tuyên truyền. 

Một khi đã thiết lập được tính “chủ động” và “nhạy bén”, báo chí cách mạng sẽ tạo được niềm tin đối với nhân dân, sẽ trở thành lực lượng dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội tốt.   

Tú Quyên

Chuyên mục khác