Báo chí giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm

17/06/2017 08:00

Nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số, trong nhiều năm qua, ngoài các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các thôn trưởng, già làng trên địa bàn tỉnh còn được cấp phát các ấn phẩm báo Kon Tum. Với nội dung thông tin thiết thực, phù hợp, các ấn phẩm báo chí này đã góp phần tích cực giúp bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm…

Mới đây, trong đợt đi kiểm tra tình hình phát hành và sử dụng báo Kon Tum ở cơ sở, chúng tôi đã trực tiếp gặp gỡ nhiều già làng, thôn trưởng ở các địa phương khác nhau. Trò chuyện với chúng tôi, họ đều bày tỏ niềm phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có việc cấp phát (không thu tiền) các ấn phẩm báo, tạp chí đối với già làng, thôn trưởng.

Đề cập đến thông tin trên các ấn phẩm đang được cấp phát như: Chuyên trang “Dân tộc thiểu số và miền núi” (Báo Nhân Dân hàng ngày), Chuyên đề "Đoàn kết và Phát triển" (Tạp chí Cộng sản), báo Kon Tum thường kỳ, báo Kon Tum cuối tuần và báo ảnh Kon Tum…, các già làng, thôn trưởng đều có chung nhận xét: Nội dung thông tin trên các ấn phẩm rất phong phú, đa dạng, nhiều thông tin bổ ích, hỗ trợ đắc lực trong công tác tuyên truyền, vận động bà con học tập, làm theo.

Lấy tập báo, tạp chí được lưu giữ cẩn thận trong tủ ra khoe với chúng tôi, già làng A D Jưn ở thôn Konhraklah, xã Chư H Reng (thành phố Kon Tum) hào hứng kể: già rất thích đọc báo, vì thế mỗi lần nhận báo, già thường đọc hết các nội dung, không bỏ sót chút nào, sau đó đánh dấu lại những thông tin phù hợp để sáng thứ hai hàng tuần, sau lễ chào cờ phổ biến lại cho bà con. Già cũng khuyến khích bà con đến nhà già làng, thôn trưởng mượn báo về đọc để biết về cái hay, cái tốt ở nơi khác mà học tập. Hơn 10 năm làm già làng, già và thôn trưởng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con trong thôn làm theo các mô hình phát triển kinh tế, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc…Già thường nói với bà con: Tại sao ở nơi đó xa xôi hơn ta, khó khăn hơn ta mà bà con làm được chuồng trại để chăn nuôi, biết cách phát triển kinh tế gia đình, các cháu học sinh chăm chỉ, vượt khó vươn lên trong học tập…mà sao chúng ta ở nơi thuận lợi hơn lại không làm được?…Với cách tuyên truyền như vậy, mưa dần thấm lâu, nhiều hộ trong thôn từng bước đã có những thay đổi, chuyển biến tích cực. Hiện tại, trên địa bàn thôn, hầu hết các hộ đã làm chuồng trại chăn nuôi để giữ vệ sinh môi trường, bà con ít uống rượu, chăm chỉ lao động hơn, các cháu học sinh đi học chuyên cần hơn, nhiều hộ đã biết vận dụng làm theo các mô hình phát triển kinh tế nên đời sống ngày một khá hơn. Ngay gia đình già, nhờ đọc báo, học theo báo, già cũng đã mở được cửa hàng tạp hóa nhỏ, bán các mặt hàng thiết yếu như dầu ăn, mắm, muối, cá khô…phục vụ nhu cầu hàng ngày của bà con trong thôn, nhờ đó già vừa có niềm vui, vừa có thêm thu nhập cho gia đình.

Già làng A D Jưn ở thôn Konhraklah, xã Chư H Reng (TP Kon Tum) hào hứng kể về việc tuyên truyền, đưa thông tin trên báo đến với bà con. Ảnh: H.T

 

Già làng A Chiêu và thôn trưởng A Thiuh ở làng Khúc Na, xã Sa Bình (Sa Thầy) thì cho rằng, các ấn phẩm báo chí được cấp phát, ngoài cung cấp các kiến thức, kinh nghiệm về phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, còn giúp già làng, thôn trưởng hiểu thấu đáo hơn các chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Đảng, nhà nước, của toàn xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số, giải đáp được những thắc mắc của bà con, từ đó lời nói của già làng, thôn trưởng được bà con nghe theo, tin theo, bà con biết đoàn kết, cảnh giác trước sự lôi kéo, xúi giục của kẻ xấu, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.

 Ở tuổi 90, với hơn 30 năm giữ vai trò già làng, già A Nea ở thôn Tu Mơ Rông, xã Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông) vẫn còn khỏe mạnh, minh mẫn. Cầm tờ báo ảnh Kon Tum, già đọc toàn bộ các nội dung thông tin đã được biên dịch qua tiếng Sê Đăng cho chúng tôi nghe. Già phấn khởi cho biết, tờ báo ảnh Kon Tum được biên dịch qua tiếng Sê Đăng và Ba Na, ngoài việc giúp cho công tác tuyên truyền được thuận lợi hơn, còn góp phần giữ gìn chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số, vì trên thực tế nhiều người nói được nhưng lại không viết được chữ viết của dân tộc mình. Thông qua chúng tôi, già đề xuất thêm: báo chí cần mạnh mẽ phê phán tình trạng tổ chức ăn uống kéo dài trong các lễ hội, ma chay, cưới xin…bởi không chỉ gây tốn kém, lãng phí mà còn ảnh hưởng đến công việc sản xuất, học tập; đồng thời phê phán các thói hư tật xấu đang tồn tại ở một bộ phận đồng bào như ỷ lại, lười lao động, rượu chè bê tha…để bà con soi lại mình, từ đó có ý thức phấn đấu vươn lên…

Còn nhiều lắm những lời chia sẻ, những tâm tư, tình cảm, cả những góp ý chân tình, mộc mạc để báo chí ngày càng sát với đồng bào hơn. Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi chưa thể phản ảnh hết được.

“Một cây làm chẳng nên non”! Vẫn biết, để bà con được nâng cao kiến thức, sự hiểu biết, từ đó có chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động là nhờ sự chung tay, góp sức của các cấp, các ngành, các kênh thông tin. Tuy nhiên, qua những nhận xét, đánh giá của các già làng, thôn trưởng về nội dung thông tin, về hiệu quả sử dụng các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp phát trong vùng dân tộc thiểu số đã làm ấm lòng những người làm báo chúng tôi. Bởi với vai trò cầu nối, chúng tôi đã đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đi vào cuộc sống của bà con, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, những khó khăn, bất cập ở cơ sở để các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời, qua đó, góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.   

                                                 Hoàng Thúy

Chuyên mục khác