Báo chí địa phương ngày càng phát triển lớn mạnh

21/06/2019 06:49

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 03 cơ quan báo chí địa phương, đó là Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình, Tạp chí Văn nghệ Kon Tum. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của UBND tỉnh, sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí, báo chí địa phương đã góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị ở địa phương, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Kon Tum có 03 đơn vị báo chí địa phương, 06 đơn vị sự nghiệp truyền hình trả tiền, 03 đặc san, 16 bản tin, 04 trang thông tin điện tử tổng hợp/báo điện tử, 30 trang thông tin điện tử của các sở, ban, ngành, huyện, thành phố, 10 đài truyền thanh - truyền hình các huyện, thành phố, 91 đài truyền thanh cấp xã và cổng thông tin điện tử tỉnh Kon Tum.

Báo chí địa phương tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển, đã hình thành đầy đủ các loại hình báo chí (báo nói, báo hình, báo in và báo điện tử), có sức lan tỏa xã hội ngày càng rộng lớn hơn.

Từ những ngày đầu được thành lập, Báo Kon Tum xuất bản mỗi tuần 01 số, sau đó tăng lên 02 số, không thực hiện Báo ảnh và Báo Kon Tum cuối tuần. Đến nay, Báo Kon Tum thường kỳ xuất bản 3 số/tuần, 08 trang/kỳ; Báo Kon Tum cuối tuần xuất bản mỗi tuần 1 kỳ vào ngày chủ nhật, 08 trang/kỳ; Báo ảnh Kon Tum in bằng 03 thứ tiếng (Kinh, Ba Na, Xơ Đăng), xuất bản mỗi tháng 3 kỳ. Thông tin về chính trị, kinh tế - xã hội trong nước, của tỉnh được Báo Kon Tum đăng tải mỗi năm trên 11.000 tin, bài, phóng sự trong 22 chuyên mục, theo thể loại, chủ đề. Đối với Báo Kon Tum thường kỳ, tỷ lệ chủ đề về chính trị - thời sự chiếm khoảng 40%, kinh tế - xã hội chiếm trên 30%, an ninh - quốc phòng chiếm gần 20% và một số lĩnh vực khác. Báo Kon Tum cuối tuần, ngoài những chủ đề thông tin về thời sự - chính trị, kinh tế - xã hội chiếm 80%, còn có thêm nhiều chuyên mục khác. Báo ảnh Kon Tum mỗi số có chủ đề, chuyên mục riêng như thông tin về các hoạt động, sự kiện diễn ra trên địa bàn tỉnh; phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Đảng, quốc phòng, an ninh; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; biểu dương gương người tốt việc tốt trong đồng bào các dân tộc thiểu số... Báo Kon Tum điện tử được đưa vào vận hành từ năm 2016, với nhiều nội dung phong phú, hấp dẫn, cập nhật nhanh chóng, kịp thời các sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, Báo Kon Tum tham gia Hội báo Xuân toàn quốc được Ban Tổ chức trao 02 giải B Giải Giao diện Báo điện tử xuân đẹp (2017, 2019), 01 giải A (2018) và 01 giải B Giải bìa báo Xuân đẹp (2019)... 

Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đầu tư, cải tiến mạnh mẽ các trang thiết bị phục vụ sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình. Đến nay, toàn bộ quy trình sản xuất các chương trình đều thực hiện trên nền tảng số hóa, từ tiền kỳ đến truyền dẫn và phát sóng. Phát sóng trực tuyến chương trình truyền hình trên mạng internet, thực hiện đầy đủ các phương thức truyền dẫn và phát sóng (truyền hình số mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình trên nền tảng internet). Chương trình phát thanh, truyền hình tiếng dân tộc thiểu số tăng từ 03 thứ tiếng (Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng) lên 04 thứ tiếng (Ba Na, Xơ Đăng, Giẻ Triêng và Gia Rai). Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh tự sản xuất và phát sóng truyền hình thời lượng 18.30 phút/ngày, phát sóng từ 5 giờ 45 đến 23 giờ 30, trong đó thời lượng tự sản xuất đạt 4 giờ 15 phút. Số lượng chuyên đề, chuyên mục không ngừng tăng lên nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu của người dân, từ 22 chuyên mục, chuyên đề năm 2014 đã tăng lên 37 chuyên mục, chuyên đề năm 2019; phát sóng các phim tài liệu, ký sự về các vùng miền trong cả nước; phim khoa học, thế giới hoang dã...; thực hiện mới chương trình Chào buổi sáng, Thời sự tối, Bản tin cuối ngày, Nhịp điệu tuổi thơ, Về với trường em, chạy tin text trong các bản tin thời sự sáng, tối, ... Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đã tích cực hợp tác, trao đổi thông tin với các Đài Phát thanh - Truyền hình các tỉnh Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, góp phần đa dạng, phóng phú các chương trình truyền hình địa phương. Tham gia các giải báo chí toàn quốc, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh đạt 02 Huy chương Vàng trong 02 kỳ Liên hoan Truyền hình toàn quốc (2014, 2015), đạt giải khuyến khích liên hoan phát thanh (2016), “Búa liềm vàng” (2017), Thông tin đối ngoại năm 2018...

 

Lãnh đạo tỉnh và VTV bấm nút khánh thành Trạm Phát sóng Truyền hình số mặt đất đặt tại tỉnh Kon Tum. Ảnh: Phan Cư

Tạp chí Văn nghệ Kon Tum mỗi năm phát hành 6 số (2 tháng phát hành 01 số), từ 80 - 100 trang, việc phát hành chưa được rộng rãi, chủ yếu phát hành đến các cơ quan, đơn vị trong tỉnh và 62 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tạp chí đã giới thiệu đến công chúng, bạn đọc hàng trăm tác phẩm văn xuôi, thơ, lý luận - phê bình, nghiên cứu, sưu tầm, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh... của các tác giả địa phương, các tỉnh bạn và Trung ương. Nhiều tác phẩm sáng tác về quê hương Kon Tum mang đậm nét truyền thống Tây Nguyên. Thông qua hình thức nghệ thuật, tạp chí luôn bám sát các nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh, của đất nước, định hướng thẩm mỹ cho quần chúng nhân dân; đấu tranh phê phán các loại văn hóa đồi trụy, góp phần đấu tranh chống âm mưu “diễn biến hòa bình” trên mặt trận văn hóa, văn học, nghệ thuật.

Riêng các trang thông tin điện tử, các bản tin chuyên ngành chỉ cung cấp thông tin liên quan đến ngành, lĩnh vực mà đơn vị đó phụ trách. Do đó, thông tin còn đơn điệu, nghèo nàn, cập nhật thông tin chậm nên không hấp dẫn, thu hút khán thính giả. Mặt khác, các đơn vị này không phải là cơ quan báo chí nên không có đội ngũ thực hiện công tác báo chí, thông tin không phản ánh đa chiều, khách quan các mặt của cuộc sống xã hội đang diễn ra.

Nội dung tuyên truyền trên báo chí địa phương đảm bảo đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ của báo chí địa phương và định hướng tuyên truyền của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Báo chí địa phương đã tập trung tuyên truyền đậm nét về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp, các ngành, địa phương; các hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; về thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; các sự kiện chính trị, lịch sử quan trọng của đất nước, của tỉnh; phản ánh những tồn tại, bất cập trong quá trình triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách ở cơ sở; thông tin về hoạt động của các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị; giới thiệu gương người tốt - việc tốt, những vấn đề cuộc sống đặt ra và dư luận xã hội quan tâm; phổ biến, giáo dục kiến thức khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội; cung cấp các chương trình giải trí, giáo dục thẩm mỹ, nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Báo chí địa phương là công cụ, phương tiện tuyên truyền, quảng bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đông đảo công chúng, góp phần làm cho hệ tư tưởng này trở thành chủ đạo trong đời sống tinh thần của các tầng lớp nhân dân, là “cầu nối” hữu hiệu giữa cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành, địa phương với các tầng lớp nhân dân.

Trong những năm gần đây, đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát triển khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi cho báo chí địa phương tác nghiệp, song cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi những người làm báo phải vượt qua. Nhờ phát triển công nghệ, khán thính giả, độc giả hoàn toàn chủ động, kiểm soát, lựa chọn chương trình phát thanh, truyền hình, bài báo mà mình muốn xem, nghe với bất kỳ thời gian, không gian nào họ thích. Sự phát triển mạnh mẽ của thành tựu khoa học công nghệ, trong đó có cuộc cách mạng số trong những năm đầu thế kỷ XXI, đòi hỏi công tác báo chí địa phương phải tận dụng cơ hội này để phát triển, đổi mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân, bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, quản lý, điều hành của UBND tỉnh.

Trước hết, các ngành, các cấp tiếp tục quan tâm củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy, điều kiện, các phương tiện thiết yếu cho các cơ quan báo chí địa phương thực hiện nhiệm vụ chính trị được phân công. Hiện nay, Tạp chí Văn nghệ Kon Tum của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh vẫn chưa có chức danh Tổng Biên tập và đội ngũ phóng viên chuyên trách, Chủ tịch Hội Văn học - Nghệ thuật là người chịu trách nhiệm xuất bản Tạp chí. Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh còn thiếu phóng viên, biên tập viên, họa sĩ thiết kế, biên dịch tiếng dân tộc...; thiếu các trang thiết bị kỹ thuật phục vụ phóng viên tác nghiệp...

Hai là, các cơ quan báo chí địa phương tăng cường sử dụng các mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu chương trình, cung cấp thông tin đến khán thính giả, bạn đọc; triệt để phát huy lợi thế thông tin nhanh, chính xác, kịp thời, khách quan, trung thực để cạnh tranh với thông tin không được kiểm chứng, thông tin thiếu chính xác trên mạng xã hội, hướng độc giả, khán thính giả tới chân, thiện, mỹ, thúc đẩy xã hội phát triển, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân.

Ba là, Báo Kon Tum, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh không ngừng cải tiến, nâng cấp Báo Kon Tum điện tử, Trang thông tin điện tử tổng hợp của Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh theo hướng gắn kết, tương tác trực tiếp với khán thính giả, độc giả, thẳng thắn đưa vấn đề ra tranh luận; lưu trữ, quảng bá, giới thiệu các chương trình trên các thiết bị cầm tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh; tích hợp các video, audio trong các bài viết; ứng dụng kỹ thuật truyền thông đa phương tiện như infographic, cách thể hiện slide ảnh...trong cung cấp thông tin nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhân dân, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí.

Bốn là, người đứng đầu các cơ quan hành chính Nhà nước chấp hành nghiêm túc Nghị định 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước. Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh kiểm điểm, phê bình các cơ quan, đơn vị từ chối, né tránh hoặc đùn đẩy trách nhiệm trong việc phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí, gây cản trở, khó khăn cho phóng viên trong quá trình tác nghiệp. Đối với các sự việc được báo chí phản ánh liên quan trách nhiệm đến ngành, đơn vị, các cơ quan, đơn vị này chủ động phản ánh, cung cấp thông tin phản hồi trên báo chí.  

Năm là, Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với các ngành liên quan khẩn trương tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định thực hiện Nghị định số 18/2014/NĐ-CP ngày 14/3/2014 của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản phù hợp với đặc điểm kinh tế, xã hội của địa phương; đồng thời tổ chức hội nghị báo chí trong toàn tỉnh nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn công tác.

Trong những năm sắp tới, cùng với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự quản lý của UBND tỉnh, sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, sự nỗ lực, cố gắng của những người làm báo, báo chí địa phương sẽ có những bước phát triển mới, phù hợp với xu thế phát triển của báo chí nước nhà, ngày càng củng cố vai trò, phát huy vị thế của báo chí địa phương đối với công cuộc xây dựng và phát triển tỉnh Kon Tum, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin của nhân dân.  

Phan Cư

 

Chuyên mục khác