Báo ảnh Kon Tum: ​15 năm đồng hành cùng đồng bào các DTTS

04/01/2017 09:10

Xuất bản số đầu tiên vào tháng 1 năm 2002, phát hành 1 kỳ/tháng, đến tháng 4 năm 2014, Báo ảnh Kon Tum tăng lên 2 kỳ/tháng và từ tháng 1 năm 2016 đến nay, tăng lên 3 kỳ/tháng, với số lượng phát hành trên 2.300 tờ/kỳ.

Với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, có trên 50% dân số là đồng bào các DTTS cùng sinh sống, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cùng với việc xuất bản báo thường kỳ, từ tháng 1 năm 2002, Báo Kon Tum được giao nhiệm vụ xuất bản, phát hành ấn phẩm báo ảnh nhằm tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.        

Từ phát hành 1 kỳ/tháng, đến thời điểm hiện tại, báo ảnh Kon Tum đang duy trì xuất bản 3 kỳ/tháng, với số lượng trên 2.300 tờ/kỳ, phát hành không thu tiền tới các chức danh chủ chốt của các xã, phường, thị trấn và các thôn trưởng, già làng vùng đồng bào DTTS trong tỉnh. Với 3 kỳ phát hành trong tháng như hiện nay, báo ảnh Kon Tum đã cơ bản thông tin kịp thời các hoạt động, sự kiện quan trọng diễn ra trên địa bàn tỉnh, các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước, địa phương có tác động, liên quan trực tiếp tới đời sống của đồng bào DTTS. Nắm bắt điều kiện, tình hình thực tế và nhu cầu tiếp cận thông tin của bà con, Báo Kon Tum xác định: Báo ảnh cần kết hợp hài hòa giữa thông tin và hình ảnh; nội dung thông tin phải thiết thực, tập trung vào các vấn đề về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn bản sắc dân tộc; nâng cao nhận thức và cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch luôn tìm cách kích động, phá hoại khối đại đoàn kết các dân tộc…

Bám sát các vấn đề trọng tâm đó, trong những năm qua, báo ảnh Kon Tum đã cung cấp thông tin về nhiều lĩnh vực, đẩy mạnh tuyên truyền về các mô hình, điển hình tiên tiến, những đổi thay ở vùng sâu, vùng xa, những kinh nghiệm, thành công trong phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa… giúp bà con nâng cao tri thức, tác động làm thay đổi nhận thức, quan niệm lạc hậu, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, từng bước thoát nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, trước thực trạng nhiều nét văn hóa truyền thống của các dân tộc bản địa đang dần bị mai một, báo ảnh Kon Tum đã tăng cường thông tin, phản ánh về những phong tục, tập quán tốt đẹp; về bản sắc văn hóa trong trang phục, lễ hội truyền thống của mỗi dân tộc; việc truyền dạy cồng chiêng cho thế hệ trẻ; việc bảo tồn, phục dựng nhà rông, khôi phục và phát triển các nghề thủ công truyền thống…, qua đó góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần, khơi gợi lòng tự hào, ý thức về bản sắc văn hóa dân tộc, từ đó khích lệ bà con gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình, đồng thời giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn tỉnh…

Được in màu trên giấy tốt, hình ảnh người thật việc thật, nội dung thông tin phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, thể hiện qua 3 thứ tiếng: tiếng Việt, Ba Na và Xê Đăng, báo ảnh Kon Tum không chỉ là món ăn tinh thần mà còn là cẩm nang giúp cán bộ chủ chốt cấp xã, các già làng, thôn trưởng tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; truyền đạt kiến thức, phổ biến kinh nghiệm, nhân rộng mô hình đến bà con.

Ông A Jar, người gắn bó với tờ báo ảnh Kon Tum hàng chục năm qua trong vai trò biên dịch, phấn khởi cho biết: tờ báo ảnh Kon Tum luôn có sự đổi mới về nội dung và hình thức qua từng năm, đặc biệt về nội dung có rất nhiều thông tin bổ ích, việc giới thiệu các mô hình hay, gương điển hình tiên tiến rất thiết thực. Là người thực hiện công tác biên dịch, ông cảm thấy rất tự hào vì được góp phần trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn.

Ông A Biu và vợ đọc báo ảnh Kon Tum. Ảnh: H.T

 

Ông A Biu, người có uy tín ở xã Ngọc Bay (thành phố Kon Tum) cũng là người luôn tâm huyết, có nhiều sáng kiến trong việc bảo tồn văn hóa của đồng bào Ba Na thông qua việc làm du lịch của gia đình, được giới thiệu trên tờ báo ảnh Kon Tum. Cầm tờ báo do tôi tặng, ông đọc đi đọc lại nhiều lần rồi vui mừng chia sẻ: Ông hy vọng, qua tờ báo này, sẽ có nhiều người biết đến việc làm của ông, qua đó việc bảo tồn văn hóa dân tộc sẽ được bà con quan tâm hơn. Ông mong những người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS cũng được cấp bảo ảnh Kon Tum để cùng già làng, thôn trưởng tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn bà con học tập, làm theo…

Có thể khẳng định, từ những khó khăn ban đầu, với tâm huyết và trách nhiệm của những người làm báo Kon Tum, 15 năm qua, tờ báo ảnh Kon Tum đã không ngừng đổi mới và phát triển, thực hiện tốt vai trò cầu nối đưa chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào, giúp đồng bào hiểu thêm về sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, củng cố niềm tin của đồng bào vào sự lãnh đạo của Đảng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, trật tự vùng đồng bào DTTS.

Tiếp tục đồng hành cùng đồng bào các DTTS, thời gian tới, ngoài việc nâng cao chất lượng về nội dung và hình thức tờ báo; Báo Kon Tum sẽ đề xuất Tỉnh ủy cho phát hành bổ sung đến đối tượng là người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS, đồng thời khi hội đủ điều kiện sẽ cập nhật lên báo Kon Tum điện tử để ngày càng có nhiều bà con được tiếp cận với ấn phẩm này.                                       

Hoàng Thúy

Chuyên mục khác