Bản lĩnh người làm báo

22/04/2020 13:52

Khoảng thời gian gần 30 năm cầm bút không phải là nhiều, nhưng quá trình cộng tác với báo chí đã cho tôi một cái nhìn tương đối “có chiều sâu” về “người chiến sĩ trên mặt trận báo chí”.

Nếu ai đó cho rằng, nghề báo là nghề nhẹ nhàng, thu nhập cao… thì quả là phiến diện. Tôi khẳng định, nghề báo là nghề đầy vất vả và nguy hiểm!

Bởi đầu tiên, để có được thông tin mới, hay; một bài viết sắc sảo, hấp dẫn… đòi hỏi người làm báo phải lặn lội, phải đến tận nơi, “mắt thấy, tay sờ”, bất kể đường sá khó khăn đến mấy, thời tiết cực đoan đến đâu; bất kể là đêm khuya hay rạng sáng, người làm báo vẫn phải chấp nhận. Đó là chưa nói những nữ phóng viên mới lập gia đình, đang có con nhỏ, hễ nhận được nhiệm vụ là nửa đêm vẫn phải tới ngay hiện trường để lấy thông tin.

Còn vì sao nguy hiểm ư? Vì để có những tin tức nóng hổi, sốt dẻo đến với bạn đọc, buộc người làm báo phải “đến tận nơi, sờ tận tay”. Cách đây chừng vài năm, để có phóng sự về thực trạng khai thác vàng trái phép tại một địa phương trên địa bàn của tỉnh, anh em chúng tôi phải giả làm công nhân cạo mủ cao su rồi luồn rừng vào tận nơi khai thác thu thập thông tin, ghi lại những hình ảnh, âm thanh sinh động, chân thật để phục vụ bài viết. Trong lán trại khai thác vàng lúc đó có gần 30 công nhân, toàn là “thứ dữ”. Như vậy không phải nguy hiểm là gì!?

Trước những vất vả, nguy hiểm của nghề, đòi hỏi người làm báo phải có bản lĩnh. Bên cạnh bản lĩnh can trường, không ngại khó, ngại khổ…, người làm báo con phải có bản lĩnh khi đối mặt với những cám dỗ trong quá trình tác nghiệp.

Chẳng hạn như khi làm phóng sự về hiện tượng tiêu cực ở một địa phương hay doanh nghiệp nào đó, rất có thể các nhà báo sẽ được địa phương hoặc doanh nghiệp tìm gặp để “thương lượng”, cách thức thương lượng ấy thường là “viên đạn bọc đường” đầy ngọt ngào, đầy cám dỗ… Khi đó, nếu không có một bản lĩnh vững vàng, người làm báo khó mà trụ vững. Vấn đề này đã được Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ rõ tại Chỉ thị số 43-CT/TW, ngày 8/4/2020: “Một số người làm báo thiếu tu dưỡng, rèn luyện, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp”.

Phóng viên tác nghiệp tại Hội thảo Báo Đảng khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Ảnh: XB

 

Mới đây, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã gửi thư chúc mừng Hội Nhà báo Việt Nam. Tổng Bí thư mong muốn Hội Nhà báo Việt Nam và hội viên cả nước phát huy truyền thống cách mạng của mình, xây dựng Hội ngày càng phát triển, trong sạch, vững mạnh; không ngừng chăm lo bồi dưỡng tư tưởng, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp cho các hội viên.

Đặc biệt, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đề nghị các cấp hội, mỗi nhà báo hãy thấm nhuần và thực hiện thật tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu: "Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ"...

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, xin mạo muội chia sẻ vài tâm sự, mong rằng dù khó khăn, nguy hiểm đến mấy, những người làm báo chúng ta vẫn luôn “lòng trong, bút sắc”, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân!

Nguyễn Phi Em

 

 

Chuyên mục khác