Bản lĩnh của những người thầy thuốc trong “cuộc chiến thầm lặng”

28/12/2021 13:15

Năm 2021 là một năm nhiều thách thức đối với ngành Y tế tỉnh, nhất là phải đối mặt tình hình dịch Covid-19 trong cả nước và trên địa bàn tỉnh diễn biến hết sức phức tạp. Thế nhưng, vượt qua những trở ngại, khẳng định bản lĩnh, đội ngũ những thầy thuốc của tỉnh ta đã hoàn thành tốt “nhiệm vụ kép”, đó là vừa kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, vừa duy trì, đảm bảo công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Khoác trên mình chiếc áo blouse trắng, các cán bộ, y sĩ, bác sĩ, nhân viên của ngành Y tế tỉnh ta đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận tụy trong thực hiện “sứ mệnh” chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Dấu ấn nổi bật trong năm 2021 của ngành Y tế được các cấp, các ngành và dư luận xã hội đánh giá cao là thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ này được ngành Y tế từ tỉnh đến cơ sở triển khai quyết liệt, nghiêm túc, đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, góp phần tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế- xã hội phát triển, bảo vệ sức khỏe người dân.

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Thanh- Giám đốc Sở Y tế cho biết: Dịch Covid-19 giúp ngành Y tế nhìn thấy nhiều vấn đề còn tồn tại, từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phương tiện đều thiếu thốn. Trên địa bàn tỉnh chưa có bệnh viện chuyên điều trị các bệnh truyền nhiễm, thiếu nhân lực làm công tác hồi sức tích cực, người có thể sử dụng máy thở, người làm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn được đào tạo, năng lực thực hiện các xét nghiệm đặc biệt ở tuyến huyện thiếu… Tuy nhiên, chúng tôi đã xác định phải coi khó khăn là một phép thử để vượt qua và trưởng thành.

Chạy đua trong cuộc chiến tiêm vắc xin. Ảnh: TH

 

Theo đó, ngành Y tế đã xây dựng các phương án và triển khai các biện pháp củng cố về cơ sở hạ tầng, bổ sung các trang thiết bị, phương tiện, thuốc, hóa chất, vật tư… đáp ứng yêu cầu thu dung, điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19. Hiện nay, ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Hồi đã được công nhận đủ năng lực xét nghiệm Realtime-PCR. Nhóm bác sĩ, điều dưỡng đầu tiên đã được đào tạo về hồi sức tích cực, sử dụng máy thở và chăm sóc người mắc Covid-19 thể nặng và nguy kịch. 100% nhân viên y tế được đào tạo kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2.

Với vai trò tuyến đầu trong công tác chống dịch, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 của tỉnh, ngành Y tế đã nắm chắc tình hình, tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo đưa ra các quyết định xử kịp thời, chính xác, thống nhất, quyết liệt và xuyên suốt. Đặc biệt, khi tỉnh ta ghi nhận các ca F0 trong cộng đồng, với sự chuẩn bị kỹ càng về phương án và tâm thế chủ động, bình tĩnh, ngành Y tế phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm soát và khống chế dịch bệnh hiệu quả. Đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế từ tỉnh đến cơ sở không ngại khó, ngại khổ; luôn tập trung cao độ để điều tra truy vết, cách ly các đối tượng F1, F2 một cách nhanh nhất. Các bệnh nhân Covid-19 được phát hiện cách ly điều trị kịp thời, chăm sóc chu đáo, đúng phác đồ nên chưa có trường hợp tử vong do mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, để thực hiện mục tiêu bao phủ vắc xin toàn dân, nửa cuối năm 2021, ngành Y tế dốc toàn lực chạy đua với thời gian để đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng Covid-19 và đảm bảo an toàn tiêm chủng.

Đội ngũ nhân viên y tế tăng cường kiểm soát dịch bệnh từ cửa ngõ vào tỉnh. Ảnh: TH

 

Có thể thấy, trong cuộc chiến thầm lặng chống lại “giặc Covid-19”, ngành Y tế cùng với các cấp, các ngành của tỉnh đã giành được thế chủ động. Vì vậy, dù hiện tại, hàng ngày trên địa bàn tỉnh vẫn ghi nhận các trường hợp mắc Covid-19 mới, nhưng tình hình dịch bệnh vẫn kiểm soát có hiệu quả.

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chống dịch trên địa bàn tỉnh, trong đợt dịch thứ 4, dù thực tế khó khăn về nhân lực, nhưng ngành Y tế vẫn cử 30 cán bộ, nhân viên y tế chi viện cho “tâm dịch” tỉnh Bình Dương để góp sức đẩy lùi dịch bệnh. Điều đó khẳng định trách nhiệm với nghề, tình đồng nghiệp, đồng chí cao cả của đội ngũ những người thầy thuốc Kon Tum trong thời điểm cam go nhất.

Tất nhiên, “cuộc chiến” nào cũng có những mất mát, hy sinh. Và trong “trận chiến” này đã có những y, bác sĩ, nhân viên y tế bị lây nhiễm bệnh. Điều đó càng cho thấy tính chất khốc liệt của “cuộc chiến chống Covid-19” và sự hy sinh cao cả của những người thầy thuốc.

Song song với nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, ngành Y tế tiếp tục duy trì hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh khác; khám và điều trị bệnh cho người dân. Chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao, ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật cao, chuyên sâu vào điều trị; đảm bảo an toàn cho người dân trong bối cảnh dịch Covid-19; qua đó tạo được thương hiệu, uy tín đối với người bệnh và dư luận xã hội đánh giá cao. 

Tiến sĩ, bác sĩ Võ Văn Thanh khẳng định, chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn và thử thách. Nhưng, những kết quả đạt được trong khó khăn của năm 2021 sẽ là nguồn động viên, cổ vũ để chúng tôi tiếp tục rèn luyện bản lĩnh, vượt qua thách thức, nâng cao năng lực chuyên môn để thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh nhà mà các cấp, các ngành và nhân dân tin tưởng giao trọng trách.

Thùy Hương

Chuyên mục khác