Ban liên lạc tù chính trị tỉnh: Kiên trung, bất khuất, nghĩa tình, thủy chung

31/10/2018 07:05

​Trong nhiệm kỳ V (2013-2018), Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh tiếp tục động viên hội viên nêu gương sáng chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước và giữ vai trò nòng cốt, đi đầu phát triển kinh tế gia đình, huy động nhân dân cùng thi đua thực hiện các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Đi đầu trong các phong trào thi đua tại cơ sở có cựu tù chính trị Nguyễn Minh Khuê ở thôn Ia Hội (xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum).

Trước năm 1972, ông Khuê vốn là chiến sỹ Đội biệt động thành (K8 - Hội An). Sau ngày thống nhất đất nước, ông đã tình nguyện cùng 300 hộ nghèo rời thành phố Hội An vào xây dựng kinh tế mới ở thôn Ia Hội, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum.

Ban liên lạc tù chính trị tổ chức cho hội viên tham dự hội nghị phong tặng Anh hùng LLVT và tham quan tại Nhà tù Côn Đảo Phú Quốc

 

Từ năm 1984 - 2004, với mảnh đất hoang được cấp 2ha, ông cùng người thân dành một phần đất trồng lúa, phần khác thì trồng các loại cây công nghiệp dài ngày. Hai mươi năm, ông dầm mưa dãi nắng, cần mẫn vun đắp cho cây trồng, đã mang về thu nhập tiền tỷ. Ông Khuê đã sử dụng nguồn tích lũy này để mua thêm 2ha đất nông nghiệp, nâng tổng diện tích cây trồng cao su, cà phê, bời lời… lên 4ha. Đến nay, các vườn cây này cho gia đình ông thu nhập 400 triệu đồng/năm.

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, ông Khuê còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Ông đảm nhận nhiều cương vị như: Bí thư Chi bộ thôn Ia Hội, Phó Ban liên lạc Tù chính trị thành phố Kon Tum. Trên bất kì cương vị nào, ông đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ lãnh đạo, vận động nhân dân đóng góp xây dựng các công trình phục vụ dân sinh, xây dựng nông thôn mới…

Theo bà Nguyễn Thị Đức Hạnh - Trưởng Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh, ngoài ông Khuê, còn có nhiều hội viên khác ở cấp cơ sở đã hoạt động phong trào tích cực. Chẳng hạn như bà Bùi Thị Tưởng (thành phố Kon Tum), hàng năm, đã tự nguyện huy động con cháu và bạn bè đóng góp được 10 - 15 triệu đồng để mua quần áo, nhu yếu phẩm thăm tặng các đồng đội, hộ nghèo ở vùng khó khăn. Hay các gương tiên phong làm kinh tế giỏi cho thu nhập 300 – 500 triệu đồng/năm như Lê Văn Tâm, Lê Thị Nguyệt (huyện Đăk Hà); Huỳnh Văn Xích (huyện Ngọc Hồi)...

Hiện nay, Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh có 139 hội viên cựu tù chính trị sinh hoạt ở 5 Tổ Tù chính trị các huyện, thành phố Kon Tum. Nhận xét hoạt động của hội viên ở cơ sở, bà Hạnh đánh giá: “Nhiệm kỳ 2013-2018, các hội viên đã tham gia tích cực các phong trào thi đua sôi nổi ở khu dân cư, đồng thời góp phần cho Ban liên lạc Tù chính trị hoàn thành công tác, nhiệm vụ đề ra. Và từ những phong trào, hoạt động thi đua cơ sở, hàng năm, gia đình 99% hội viên được đánh giá, xếp loại đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa’”.    

Bà Hạnh còn cho biết, 5 năm qua, Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh nhận được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các cấp, các ngành hỗ trợ để công tác triển khai nhiệm vụ đạt được một số kết quả nổi bật. Cụ thể, đơn vị được phân bổ tổng kinh phí 1,1 tỷ đồng, tạo kiền kiện thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở thường xuyên, tích cực hơn, như: thăm hỏi, động viên kịp thời anh chị em vào dịp lễ tết; thăm, động viên hội viên lớn tuổi, người bị ốm đau đột xuất và tổ chức phúng viếng người đã mất chu đáo, nghĩa tình.

Hàng năm, đơn vị còn tổ chức 3- 4 đợt cho hội viên đi nghỉ dưỡng, tham quan và trở về thăm lại chiến trường xưa trong, ngoài tỉnh; tổ chức nói chuyện, giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống cách mạng với các thế hệ trẻ. Từ những hoạt động thiết thực nêu trên, các hội viên đã tự rèn luyện, nâng cao bản lĩnh chính trị, không “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; một lòng trọn nghĩa với Đảng, vẹn tình với đồng đội; nỗ lực vươn lên, không trông chờ, ỷ lại vào chế độ đãi ngộ của nhà nước.

Ngoài kinh phí phân bổ hàng năm của tỉnh dành cho hoạt động của Ban liên lạc Tù chính trị tỉnh, các Tổ Tù chính trị cấp huyện còn nhận được sự hỗ trợ kinh phí của địa phương gần 500 triệu đồng trong 5 năm qua. Qua đó góp phần cho công tác tổ chức sinh hoạt, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của hội viên ý nghĩa, thiết thực hơn.

Nói về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2018 -2023 sắp tới, bà Hạnh chia sẻ, Ban Thường trực Tù chính trị tỉnh đã nghiên cứu, đề ra là, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các phong trào thi đua, phát huy phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ"; tiếp tục tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị và thực hiện nhiệm vụ chính trị ở địa phương; hướng về cơ sở, tham gia giáo dục lòng yêu nước, truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ.

Đối với hội viên, thường xuyên cổ vũ, động viên hội viên nỗ lực hơn nữa về phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các thành viên gia đình. Bên cạnh đó, vận động hội viên tích cực tham gia các hoạt động tình nghĩa, giúp đỡ nhau để sớm có cuộc sống ổn định, giảm nghèo nhanh và bền vững. Và mỗi hội viên luôn phấn đấu không ngừng để giữ vai trò nòng cốt trong các phong trào tại cơ sở, xứng đáng với  8 chữ vàng đã được các cấp trao tặng thời gian qua: “Kiên trung - Bất khuất - Nghĩa tình - Thủy chung”.

Bài và ảnh: Mai Trâm

 

Chuyên mục khác