Băn khoăn VNEN

31/08/2018 07:06

​Đầu năm học mới, câu chuyện về dạy học theo mô hình trường học mới (VNEN) lại trở thành mối quan tâm đặc biệt. Với đông đảo giáo viên, đây là mô hình có phương pháp học mới đem lại hiệu quả cao; còn với phụ huynh thì vẫn còn lắm những băn khoăn, lo lắng.

Lắm băn khoăn

Năm nay, con chị Lê Thị Hà ở phường Quang Trung, thành phố Kon Tum vào lớp 1. Vừa vào hè, chị Hà đã cuống quýt thăm hỏi những phụ huynh đi trước, trường nào học VNEN, trường nào không học VNEN để tránh. Ngay khi có thông tin chính thức, chị Hà quyết nộp hồ sơ cho con vào học tại một trường đã thôi học theo mô hình VNEN.

“Các cháu còn quá nhỏ, nếu học theo VNEN sẽ không đủ tư duy để nắm bắt kịp nội dung. Lo vậy nên mình xin cho cháu học tại trường dạy theo phương pháp truyền thống” – chị Hà bày tỏ.

Cũng như chị Hà, cận kề ngày nộp hồ sơ xin học, biết thông tin Trường Tiểu học Lê Lợi tiếp tục thực hiện giảng dạy theo mô hình trường học mới, bà Phạm Thị Hải, ở phường Lê Lợi (có cháu nội vào lớp 1) chồng chất nỗi lo.

“Tôi vẫn muốn cháu học theo phương pháp dạy học truyền thống. Tôi lo chương trình mới không bao quát được tất cả các đối tượng học sinh, các em học sinh yếu sẽ không theo kịp” - bà Hải nói.

Chị Lê Thị Phương ở phường Ngô Mây cũng chung nỗi lo khi con chị (lên lớp 2) bắt đầu học theo mô hình trường học mới. Chị thắc mắc, nếu chương trình hiệu quả, tại sao các trường không thực hiện đồng bộ?

Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (thành phố Kon Tum) có cơ sở vật chất đảm bảo cho việc dạy và học theo mô hình trường học mới. Ảnh: B.A

 

“Các cháu mới học lớp 2, khả năng tư duy, kỹ năng, ý thức tự học chưa tốt, hơn nữa, khi ngồi theo nhóm, nếu thầy cô không quán xuyến kịp thời, các cháu dễ bị sa đà, không tập trung vào bài học” – chị Phương nói thêm.

Ngoài nỗi lo về chất lượng học tập, việc sách giáo khoa đắt hơn so giá sách hiện hành cũng là một trong những băn khoăn của phụ huynh.

Mô hình VNEN được triển khai trên địa bàn tỉnh từ năm học 2011-2012. Đến năm học 2016-2017 toàn tỉnh có 44 trường thực hiện. Trong năm học 2017-2018, trước những băn khoăn của phụ huynh, từ ngày 5-14/3/2018, các trường, phòng GD&ĐT tổ chức làm phiếu khảo sát, lấy ý kiến của giáo viên, cha mẹ học sinh, cán bộ quản lý nhà trường, cán bộ xã/ phường về những khó khăn cũng như có nên/ không nên thực hiện VNEN.

Theo đó, Phòng GD&ĐT thành phố Kon Tum tiến hành khảo sát ở 11 trường Tiểu học. Kết quả, 5 trường có số lượng cha mẹ học sinh đồng ý tiếp tục thực hiện mô hình cao nhất: Trường Lê Lợi: 83,67%, Ngô Quyền: 64,86%, Phan Đình Phùng: 64,76%, Lê Văn Tám: 64,57% và THSP Ngụy Như Kon Tum: 63,43%.

Qua việc lấy ý kiến khảo sát, đánh giá chung, Sở GD&ĐT thống nhất cho 11 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh (trong đó có 4 trường tại thành phố Kon Tum) tiếp tục thực hiện. “Mình băn khoăn, lo lắng nhưng phải theo ý kiến số đông thôi chứ biết sao được” – chị Phương thở dài.

Linh hoạt giảng dạy

Nhiều ngày nay, cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đã có mặt, tập trung cho năm học mới. Cùng với công tác chuẩn bị, các thầy cô giáo cũng tham gia các lớp tập huấn dạy học theo mô hình VNEN.

“Trường có đủ điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học; đội ngũ giáo viên chất lượng đảm bảo việc dạy và học hiệu quả. Do vậy, nhà trường tiếp tục giảng dạy theo mô hình này cho học sinh từ khối lớp 2 đến lớp 5” - cô Bùi Thị Chí Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng cho biết.

6 năm liên tục thực hiện giảng dạy theo mô hình trường học mới, đa số các giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Phùng đánh giá cao, cho rằng mô hình tạo điều kiện, thúc đẩy việc đổi mới phương pháp dạy học, giúp học sinh chủ động trong việc tiếp thu tri thức.

Cô Tô Thị Liên - Tổ trưởng chuyên môn khối 5, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng nhấn mạnh: Hoạt động nhóm giúp học sinh mạnh dạn tìm tòi, phát huy tính tự học cũng như tự tin trình bày, thuyết trình trước đám đông. Với phương pháp học này, ngoài hỗ trợ từ giáo viên, các em còn biết cách hỗ trợ, giúp nhau cùng tiến bộ.

Thực hiện giảng dạy theo mô hình trường học mới được 7 năm (giảng dạy đối với học sinh khối lớp 3 đến khối lớp 5), cán bộ, giáo viên Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum cũng đánh giá cao hiệu quả của phương pháp này.

“Qua quá trình dạy, học sinh tiếp thu rất tốt, đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng qua các năm học. Năm nào nhà trường cũng có học sinh đạt giải trong các cuộc thi tiếng Anh, giải toán qua mạng… Và thực tế các em đều hoàn thành tốt chương trình học” - cô Nguyễn Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học THSP Ngụy Như Kon Tum khẳng định.

Hiệu quả vậy sao nhiều phụ huynh vẫn lo lắng, băn khoăn? Trả lời câu hỏi của chúng tôi, cô Tôn Nữ Anh Thư - Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Đình Phùng giải thích: Thực chất, nhiều phụ huynh vẫn chưa hiểu hết phương pháp dạy theo mô hình trường học mới. Họ cho rằng việc dạy theo nhóm sẽ dẫn đến tình trạng các em yếu kém bị… bỏ rơi phía sau. Nhưng thực tế, trong các tiết dạy, thầy cô luôn di chuyển đến từng nhóm và luôn ưu tiên giúp các em yếu hơn. Đặc biệt, không chỉ được hỗ trợ nhiều từ giáo viên, các em còn được hỗ trợ từ các bạn và sẽ tiến bộ nhanh hơn.

Còn cô Thủy lại nhấn mạnh: Trong quá trình dạy, không phải lúc nào học sinh cũng ngồi xoay bàn, làm việc nhóm; tùy theo bài giảng, nội dung, giáo viên sẽ linh hoạt kết hợp giữa phương pháp truyền thống và phương pháp mới để các em nắm bài chắc nhất.

Cô Thủy cũng cho biết, học theo mô hình VNEN, ngoài giáo viên, học sinh cần sự quan tâm, đồng hành của phụ huynh. “Thay vì “khoán trắng” cho giáo viên, phụ huynh cần quan tâm, hướng dẫn các con những kỹ năng, bài tập vận hành ở nhà để các con nắm vững kiến thức hơn” - cô Thủy nói.

Về nỗi lo sách giáo khoa, các cô cho biết, hiện nay nhà trường có nguồn sách dùng chung của những năm học trước. Nếu em nào có nhu cầu, nhà trường sẽ cho mượn và kèm phiếu điều chỉnh phù hợp với sách đã điều chỉnh mới.

Năm học mới đã bắt đầu, hi vọng với nỗ lực, cố gắng từ phía nhà trường, sự đồng hành của phụ huynh, mô hình VNEN và những mặt tích cực sẽ giúp các em học tập tốt hơn.

Bình An

Chuyên mục khác