Băn khoăn trước thềm năm học mới

17/08/2022 06:05

Năm nào cũng vậy, trước thềm mỗi năm học mới, trong nhà, ngoài ngõ lại rộn ràng câu chuyện giáo dục. Năm học 2022-2023 này cũng không ngoại lệ, quan tâm nhất vẫn là những chuyện xoay quanh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Dù Chương trình này đã triển khai từ 2 năm học trước (lớp 1 (năm học 2020-2021), lớp 2 và lớp 6 (năm học 2021-2022)) và năm học mới này sẽ tiếp tục triển khai ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10, nhưng phụ huynh, học sinh - những đối tượng trực tiếp thụ hưởng hoặc chịu ảnh hưởng bởi các chính sách đổi mới vẫn còn những băn khoăn.
Giá sách giáo khoa tăng cao khiến phụ huynh, học sinh băn khoăn. Ảnh: NP

 

Băn khoăn trước hết từ giá sách giáo khoa. So sánh với giá sách giáo khoa các năm trước đây thì năm nay giá sách giáo khoa của Chương trình giáo dục phổ thông mới tăng cao. Dù truyền thông đã thông tin, phản ánh về vấn đề này nhưng không ít phụ huynh khi trực tiếp đi mua sách vẫn cảm thấy ngỡ ngàng. Đơn cử như đối với học sinh lớp 7 (tùy theo bộ sách mà trường chọn), dù chỉ mới là sách giáo khoa (chưa có sách bài tập) nhưng giá đã vào khoảng 400 nghìn đồng/bộ. Mức giá sách tăng cao khiến không ít gia đình, đặc biệt với những gia đình có các con nằm trong độ tuổi lớp 10, lớp 7, lớp 3 càng thêm nặng gánh. Vì vào đầu năm học mới, đâu phải mỗi chuyện mua sắm sách giáo khoa, các gia đình còn phải lo thêm hàng loạt các khoản khác như mua sắm đồng phục, bút vở, giày dép, đóng nộp các loại quỹ…. Mỗi thứ một ít cộng dồn lại sẽ là gánh nặng chi phí cho không ít gia đình sau một thời kỳ dài chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid -19.

Không chỉ về giá sách, không ít phụ huynh còn cảm thấy băn khoăn khi các môn học học các bộ sách khác nhau. Chẳng hạn như có trường phần lớn các môn học của chương trình lớp 7 chọn học bộ sách Cánh diều, nhưng riêng môn Ngữ văn lại chọn bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống, mặc dù năm lớp 6, các em học toàn bộ sách giáo khoa theo bộ sách Cánh diều. Hoặc ngược lại, có trường chọn phần lớn sách các môn học là Kết nối tri thức, nhưng lại có 1-2 môn lại chọn bộ sách Cánh diều... Mặc dù qua báo chí, qua giải thích của các thầy cô giáo thì Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa, nên các trường chọn bộ sách nào hoặc linh hoạt lựa chọn các bộ sách khác nhau cho từng môn học cũng đều đảm bảo theo quy định về chuẩn kiến thức, kỹ năng trong chương trình nhưng nhiều phụ huynh vẫn cảm thấy lo lắng. Lấy ví dụ như ở môn Ngữ văn lớp 7, mặc dù lượng kiến thức cung cấp cơ bản giống nhau nhưng các bài giảng khác nhau. Tập một của bộ sách Cánh diều thì bài 1 là “Tiểu thuyết và truyện ngắn” với phần đọc hiểu văn bản là: “Người đàn ông cô độc giữa rừng”, “Buổi học cuối cùng”....; còn tập một của bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống thì bài 1 là “Bầu trời tuổi thơ” với phần đọc hiểu văn bản: “Bầy chim chìa vôi”, “Đi lấy mật”... Chính vì các tác phẩm minh họa, đi sâu vào giảng dạy khác nhau nên có giáo viên trong quá trình triển khai dạy hè (đối tượng học sinh ở các trường khác nhau) đã tiến hành dạy xen kẽ các bài học trong các bộ sách khác nhau. Vậy nên không ít phụ huynh lo ngại rằng nếu một khi  học sinh chuyển trường học, hay khi học sinh thi chuyển cấp liệu có ảnh hưởng?

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm mới của Chương trình giáo dục phổ thông mới là việc quản lý dạy học, kiểm tra đánh giá theo hệ thống, sách giáo khoa chỉ là phương tiện dạy học, mục tiêu bảo đảm cần đạt của chương trình. Chính vì vậy để nâng cao chất lượng dạy và học thì việc giáo viên tham khảo ở các bộ sách giáo khoa khác nhau để lấy ngữ liệu, quan tâm bồi dưỡng thêm cho học sinh, đảm bảo lấy học sinh làm trung tâm là hết sức cần thiết trong giai đoạn chuyển tiếp này. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, học sinh chỉ phát triển được phẩm chất, năng lực, trở thành trung tâm khi các em nêu cao ý thức tự học và về phía giáo viên phát huy được vai trò dẫn dắt, khơi gợi, định hướng học sinh. Tuy nhiên, đối với giáo viên, trong khi chế độ tiền lương chậm được cải tiến, lại phải đảm nhận khối lượng công việc lớn và nay phải nghiên cứu thêm sách giáo khoa mới để phục vụ giảng dạy nên không phải giáo viên nào cũng có thể tự tham khảo lấy ngữ liệu thêm ở các bộ sách khác phục vụ cho việc nâng cao chất lượng giảng dạy. Còn về phía học sinh thì ngoài các lớp học chính khóa, nhiều em lệ thuộc vào các lớp học thêm, sách tham khảo dạng mẫu trở nên lười tư duy… Làm sao giải quyết được những khó khăn, vướng mắc mà giáo viên đang gặp phải; làm sao khơi gợi học sinh nêu cao ý thức tự học tập cũng là điều hết sức cần thiết.

Thực tế cho thấy bất cứ cái mới nào khi triển khai cũng gặp những khó khăn, những rào cản nhất định. Điều không chỉ giáo viên, học sinh mà cả các bậc phụ huynh và toàn xã hội mong muốn Chương trình giáo dục phổ thông mới tiếp tục triển khai trong năm học mới này và các năm học tiếp theo sẽ được quan tâm tháo gỡ một vài băn khoăn, trăn trở như: Giảm giá sách giáo khoa, nâng cao chất lượng giáo viên và đời sống giáo viên, phát huy vai trò tự học và lấy học sinh làm trung tâm... để phát huy tối đa những điểm mới, điểm tích cực, phù hợp với xu hướng chung của sự phát triển.

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác