Ban hành Sổ tay hướng dẫn điều trị người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà

15/02/2022 13:08

Ngày 14/2, Sở Y tế ban hành Sổ tay hướng dẫn điều trị người nhiễm Covid-19 (F0) tại nhà với mục đích cung cấp các kiến thức cơ bản để cách ly, điều trị người mắc Covid-19 (F0) tại nhà cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 cấp xã; trạm y tế hoặc trạm y tế lưu động; tổ chăm sóc người mắc Covid-19 cộng đồng; người mắc Covid-19 (F0) và người nhà…

Theo đó, nội dung chính của Sổ tay là tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc điều trị triệu chứng, tâm lý và hỗ trợ về dinh dưỡng, nghỉ ngơi; hướng dẫn các biện pháp dự phòng, kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2; phát hiện sớm người nhiễm có nguy cơ chuyển nặng để xử trí cấp cứu tại chỗ, hướng dẫn/chuyển bệnh viện kịp thời.

Bên cạnh hướng dẫn xác định ca mắc Covid-19; các tiêu chuẩn, điều kiện để F0 được điều trị tại nhà…, Sổ tay hướng dẫn chi tiết cho F0 cách tự theo dõi sức khỏe, như: Đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2, huyết áp ít nhất 2 lần/ngày…

Tự theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nguy hiểm để báo ngay cho nhân viên y tế; tự vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường, khu vực cách ly; phân loại chất thải đúng hướng dẫn.

Đồng thời, Sổ tay hướng dẫn chi tiết những điều F0 điều trị tại nhà không nên làm, như: Không tự ý rời khỏi phòng cách ly trong suốt thời gian cách ly; không sử dụng chung vật dụng với người khác; không ăn uống cùng với người khác; không tiếp xúc gần với người khác hoặc vật nuôi.

Đặc biệt, không tự ý dùng thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ. Cụ thể,  không tự dùng thuốc điều trị Covid-19; không tự ý sử dụng thuốc kháng sinh; không dùng quá nhiều thuốc bổ, vitamin; không dùng kháng viêm corticoid trong những ngày đầu, khi SpO2 trên 96%.

Cần báo cơ sở y tế, nhân viên y tế ngay khi có các dấu hiệu nguy hiểm sau: Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: Thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào; nhịp thở người lớn ≥ 20 lần/phút; nhịp thở trẻ em từ 1-<5 tuổi  ≥ 40 lần/phút, trẻ từ 5 – < 12 tuổi  ≥ 30 lần/phút; SpO2 ≤ 96%; tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân; mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc < 50 nhịp/phút; huyết áp thấp (huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg); đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu; thay đổi ý thức: lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật; không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em)…

Những dấu hiệu F0 cần theo dõi hàng ngày:  Số nhịp thở trong một phút (đo sau khi F0 nằm nghỉ trên giường khoảng 10 phút); nhiệt độ (có thể sử dụng nhiệt kế điện tử hoặc nhiệt kế thủy ngân); độ bão hòa ô xy trong máu - SpO2; chỉ số huyết áp (nếu có thể)ü  Các dấu hiệu, triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạch, mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy. 

Các dấu hiệu nguy hiểm gọi ngay cho nhân viên y tế gồm: Ho ra máu; thở dốc hoặc khó thở; đau tức ngực kéo dài; lơ mơ, không tỉnh táo.

Sổ tay cũng hướng dẫn người nhà/người chăm sóc F0 tại nhà biết cách dự phòng lây nhiễm SARS-CoV-2.

Hồng Lam

Chuyên mục khác