20/11/2019 06:02
Xã Tu Mơ Rông nằm ở trung tâm huyện Tu Mơ Rông nhưng việc đi lại trên địa bàn 8 thôn của địa phương này còn rất nhiều khó khăn, trở ngại. Thôn xa nhất là Đăk Neng, cách trung tâm xã gần 10km. Các thôn khác như Đăk Chum II, Đăk Ka cũng từ 6 đến 7 km. Đường sá đi lại khó khăn, nhất là mùa mưa chỉ đi bộ. Ấy vậy mà, bất kể thời tiết mưa dầm hay nắng gắt, hàng ngày, gần 20 thầy cô giáo của Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Tu Mơ Rông vẫn kiên trì đến lớp, bám làng để “gieo chữ” trên vùng đất khó.
Một ngày đầu tháng 11, chúng tôi tìm về xã Tu Mơ Rông để tìm hiểu về công việc dạy và học của thầy trò nơi đây. Sau khi vượt hơn 100km đường đèo, chúng tôi đặt chân đến Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Tu Mơ Rông vào lúc cuối giờ chiều.
Đón khách trước cổng trường, cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng nhà trường, chỉ kịp quàng chiếc áo mưa rồi đưa chúng tôi đi về phía núi.
“Ta đi thôi kẻo trời tối. Từ trường tới làng Tu Cấp cũng phải 4 km. Còn nếu vào làng Đăk Neng thì phải đi 10 km. Mưa nên đường đi rất khó, không một phương tiện nào lên được con dốc thẳng đứng ở Tu Cấp, không đi nhanh thì chúng ta khó mà về trong đêm được” - cô Vân vừa nói, vừa bước vội dẫn đường.
|
Làng Tu Cấp nằm trên đỉnh núi nên chúng tôi cùng cô Vân phải leo lên vách núi Văn Xăng dựng đứng. Việc đi lại gian nan hơn vì cơn mưa rừng khiến con đường đất đỏ từ trường dẫn vào làng trở nên lầy lội, trơn trượt, cả đoàn phải chặt cành cây bên đường làm gậy chống và giữ thăng bằng để vượt núi.
Sau 2 giờ leo dốc, chúng tôi mới đến được đầu làng Tu Cấp. Lúc này, màn đêm cũng bắt đầu bao phủ. Vào đến làng, các thầy cô giáo chia nhau đến gõ cửa từng nóc nhà dặn dò phụ huynh sáng mai đưa con em ra trường. 8 giờ tối, các thầy cô giáo mới hoàn thành công tác vận động học sinh ra lớp ở làng Tu Cấp.
Ban đầu, chúng tôi dự định theo chân thầy cô vào làng Đăk Neng, nhưng bấy giờ đã muộn, trong khi đó quãng đường từ làng Tu Cấp vào làng Đăk Neng dài gần 6km nên cả đoàn quyết định trở về. Chúng tôi cùng các thầy cô bắt đầu tập trung lại rồi dìu dắt nhau xuống núi. Vừa đi, các thầy cô giáo vừa kể với chúng tôi về những niềm vui và cả nhọc nhằn của nghề “gieo chữ” ở đây.
Cô Nông Thị Hồng (25 tuổi) dạy ở điểm trường chính, mới vào nghề 2 năm nhưng cả 8 thôn, làng của xã Tu Mơ Rông, kể cả làng xa nhất là Đăk Neng, cô cũng đều đội mưa, lội bùn đến từng nhà vận động học sinh đến trường.
Cô giáo Hồng kể rằng, nhà cô ở huyện Đăk Tô. Năm 2017, cô ra trường rồi vào Tu Mơ Rông dạy học. Thời gian đầu mới vào, nhìn thấy đường sá đi lại khó khăn, vất vả, mưa rừng và gió núi khiến cô nhớ nhà da diết. Có những đêm cô thức trắng vì lạnh và nhớ nhà. Và, đã có lúc cô muốn rời bỏ công việc dạy học để trở về.
Nhưng đó chỉ là ý nghĩ thoáng qua, còn khi thấy hoàn cảnh khó khăn của các em học sinh nơi đây, cô Hồng từ bỏ ý định và tiếp tục công việc gieo con chữ ở vùng xa này. Bởi, cô muốn dạy con chữ, đem tri thức đến với các em để sau này các em có thể giúp đỡ gia đình phát triển kinh tế, thoát cảnh nghèo.
|
Cùng đi với chúng tôi là thầy Cao Văn Khánh - người có khuôn mặt phúc hậu và luôn nở nụ cười gây thiện cảm với người đối diện. Thầy đã có 6 năm bám làng dạy chữ. Thầy Khánh quê ở tỉnh Quảng Bình. Năm 2013, sau khi ra trường, thầy được phân công về trường giảng dạy rồi gắn bó đến nay. Thời gian đầu, thầy được điều về dạy ở điểm trường xa nhất nằm trên vách núi Đăk Neng, cách trường chính khoảng 10km.
Thầy Khánh kể, khi đó, đường dẫn vào Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học xã Tu Mơ Rông còn lầy lội và khó khăn hơn bây giờ. Ban đầu, thầy phải mò mẫm, hỏi thăm người dân để tìm đường vào trường. Có những hôm đi vận động học sinh đến lớp bị lạc đường, thầy phải nhờ học sinh dẫn quay về điểm trường, mưa rừng lạnh thấu xương hay vắt cắn chảy máu... thầy đều đã từng trải qua hết.
“Các em học sinh nơi này khó khăn trăm bề, nhiều em đến trường chỉ với chân đất, áo cộc. Có nhìn thấy các em ngồi trong lớp mà cứ run lên cầm cập mới thấy thương các em. Nhà các em thì nằm chênh vênh trên các vách núi, quanh năm chỉ trồng được củ mì, trái bắp, khó khăn trăm bề nên việc ăn uống của các em cũng đạm bạc, không đủ chất” - thầy Khánh bỗng bỏ lửng câu nói rồi đưa ánh mắt về phía con đường nhầy nhụa bùn đất.
Trao đổi với chúng tôi, cô Hồ Thị Thùy Vân - Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2019-2020, trường có 10 lớp với 163 học sinh, trong đó 100% các em là dân tộc Xơ Đăng, mỗi em đều có hoàn cảnh khó khăn riêng; nhiều em học sinh nhà cách trường đến cả 10km nên các em phải dậy từ 4-5 giờ sáng để đến lớp.
Chính sự vượt khó và ước mơ vươn lên của các em học sinh nơi đây là động lực để những người thầy cô giáo ở xã Tu Mơ Rông vượt qua khó khăn, bám làng tận tụy với sự nghiệp trồng người. Dù biết con đường phía trước còn nhiều vất vả, nhưng với tình yêu nghề và vì thế hệ tương lai, họ sẵn sàng hy sinh niềm riêng để “gieo từng con chữ”. Đó chính là điều chúng ta trân trọng hơn với những thầy cô giáo ở nơi đây.
Phúc Nguyên