“Bài toán khó” trong xử lý rác thải ở nông thôn

25/12/2021 13:05

Xử lý rác thải ở nông thôn được đánh giá là “bài toán khó” trong thời gian qua ở tỉnh ta nói chung và thành phố Kon Tum nói riêng. So với đô thị, việc xử lý rác thải sinh hoạt ở nông thôn gặp nhiều khó khăn, bất cập, bởi việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động xử lý rác thải ở khu vực này còn thiếu so với nhu cầu thực tế.

Có thể nói, công việc thu gom rác hàng ngày vất vả, tiếp xúc với chất độc hại, không đảm bảo an toàn sức khỏe cho người lao động nên ít người muốn làm. Các địa điểm thu gom rác thải hàng ngày từ các hộ dân được bố trí thưa thớt và ở cách xa khu dân cư nên việc vứt rác không thuận tiện.

Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường, tổng khối lượng chất thải rắn trên địa bàn tỉnh năm 2021 khoảng 501,880 tấn/ngày, trong đó có 172,875 tấn ở đô thị và 329,005 tấn ở nông thôn. Tỷ lệ thu gom rác có sự khác nhau giữa khu vực đô thị và khu vực nông thôn, trong đó, tại khu vực đô thị khoảng 85% (tương đương với 146,94 tấn/ngày) và khu vực nông thôn 55% (tương đương với 180,95 tấn/ngày). Tại một số khu vực nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, chưa có đội thu gom dẫn đến rác thải gây ô nhiễm môi trường cục bộ và làm ảnh hưởng đến mỹ quan khu vực.

Rác thải sinh hoạt do người dân vứt bừa bãi bên vệ đường. Ảnh: TN

 

Hầu hết các bãi chôn lấp có quy mô nhỏ, đang trong tình trạng quá tải, ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, công tác thu gom, quản lý và xử lý chất thải rắn còn nhiều hạn chế. Hầu hết chất thải rắn trên địa bàn tỉnh chưa được phân loại tại nguồn, năng lực thu gom còn nhiều hạn chế, phần lớn chất thải rắn được xử lý theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh phát sinh ruồi, muỗi, phát tán mùi hôi.

Trước đây, có một lợi thế khi xử lý rác thải nông thôn, đó là rác hữu cơ chiếm phần lớn. Người dân thường có thói quen chôn lấp chúng ngay trong vườn nhà. Tuy nhiên, với tốc độ đô thị hoá nông thôn nhanh chóng, rác vô cơ ngày càng nhiều, trở thành một vấn đề nhức nhối trong công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn. Dễ thấy nhất trên các tuyến đường nội đồng, nội thôn, liên xã phường, tại khu vực sinh sống đến các khu vực vắng vẻ xa khu dân cư là túi ni lông, chai nhựa, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật, các loại rác sau thu hoạch nông nghiệp... vứt vương vãi.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Kon Tum đang phát triển mô hình trang trại chăn nuôi công nghiệp, nhất là chăn nuôi heo. Trong khi đó, chăn nuôi là ngành phát sinh nhiều chất thải (phân, nước thải) gây ô nhiễm môi trường (đặc biệt là về mùi hôi, tanh) và tiềm ẩn nguy cơ làm phát sinh dịch bệnh nếu không được kiểm soát, xử lý hiệu quả. Do đó, việc kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các trang trại chăn nuôi heo tập trung và chăn nuôi quy mô nông hộ trong khu dân cư còn nhiều bất cập, hạn chế.

Ông Trương Cảnh Vinh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Môi trường Đô thị Kon Tum cho biết: Để giải quyết “bài toán khó” nêu trên, trong thời gian tới, tỉnh và thành phố Kon Tum cần có những biện pháp tích cực, triệt để và căn cơ.

Theo ông Vinh, giải pháp căn cơ nhất là người dân phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, việc kêu gọi người dân tự phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đạt được hiệu quả đáng kể bởi còn quá nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các giải pháp đồng bộ hóa quy trình phân loại tại nguồn cho tới thu gom, xử lý khiến việc tái chế, tái sử dụng rác thải gặp khó khăn.

Do đó, phân loại rác tại nguồn là việc khó khăn nhưng vẫn phải làm bởi không có cách nào khác. Hiện nay, vấn đề xử lý rác thải sinh hoạt nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung không chỉ đơn giản nói đến việc giữ gìn nhà cửa, làng xóm xanh – sạch – đẹp, mà đã được mở rộng hơn, bao gồm cả những hoạt động tiêu dùng bền vững như hạn chế tối đa túi ni lông, các đồ nhựa dùng một lần, sử dụng tối ưu thực phẩm, tăng cường tái sử dụng.

Cụ thể, theo tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường mới, việc xử lý rác thải sinh hoạt cần tư duy mới về những giải pháp đồng bộ, toàn diện và sáng tạo để giải quyết được nhiều vấn đề cốt lõi. Một là, làm sao có thể hệ thống hóa được việc phân loại rác tại nguồn, vận chuyển, xử lý, tái chế, tái sử dụng. Hai là, xác định trách nhiệm của người xả rác thải vào môi trường theo nguyên tắc người xả thải nhiều sẽ phải có trách nhiệm nhiều hơn. Ba là, cần tiếp cận rác thải trên cả vòng đời của sản phẩm, nhằm hướng tới xây dựng một nền kinh tế tuần hoàn – xanh, tức là chất thải ngành này phải thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác.

Thảo Nguyên

Chuyên mục khác