Bài học chống bão

05/10/2022 06:04

Cơn bão số 4 (Noru) đi qua, bên cạnh thiệt hại không nhỏ về kinh tế, còn cho thấy những bài học kinh nghiệm về ứng phó thiên tai. Trong đó, có sự vận dụng nhuần nhuyễn và hiệu quả phương châm “Đi trước một bước”.

Ngày 2/10, khi nhìn hình ảnh lũ ống do mưa lớn bởi hoàn lưu bão Noru xảy ra ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, lòng tôi quặn lên nỗi đau.

Cơn lũ dữ đã cuốn trôi 14 nhà, ngập 85 nhà, sạt lở 19 nhà, cuốn trôi 2 ô tô, cô lập 236 hộ và 966 nhân khẩu ở xã Tạ Cà và thị trấn Mường Xén.

Cũng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão Noru, từ ngày 30/9, tỉnh Nghệ An mưa rất to, tâm mưa là huyện Quỳnh Lưu với hơn 600 mm trong ba ngày, làm hơn 5.500 ngôi nhà bị ngập.

Tôi không ngờ, khi cơn bão Noru đã đi qua, mình vẫn phải chứng kiến những cảnh tượng ám ảnh như vậy. Hẳn rằng cũng không ít người không ngờ tới như tôi.

Nước lũ đe dọa cầu treo Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà ngày 28/9. Ảnh: H.L

 

Chúng gợi lên ký ức đau buồn thời ấu thơ về những ngày chạy bão tránh lụt. Chúng cũng khiến tôi nhớ lại sức tàn phá kinh hoàng của 3 cơn bão đổ vào miền Trung trong các năm 2006, 2009 và 2020.

Còn nhớ cuối tháng 9/2009, cơn bão số 9 đã gây thiệt hại nặng nề về người và của ở tỉnh ta, với 33 người thiệt mạng; tổng thiệt hại về kinh tế lên tới 3.415 tỷ đồng. Dù đã rất nỗ lực, nhưng phải mất 5 năm chúng ta mới cơ bản khắc phục xong hậu quả.

5 năm sau, trong chuyến công tác về rốn lũ Tu Mơ Rông, dấu tích tàn phá của cơn bão số 9/2009 vẫn còn hiện diện khắp nơi. Những sườn núi bị sạt lở, phô ra bộ mặt nham nhở. Những đoạn đường bê tông bị cuốn trôi, nứt vỡ. Vài ba ngôi nhà xiêu vẹo, trơ khung gỗ chưa tháo dỡ.

Những cánh đồng từng bị nước lũ san phẳng, lấp đầy sỏi đá, xen giữa màu xanh của lúa Đông - Xuân đang vươn lá, đẻ nhánh, vẫn thấp thoáng bóng người cặm cụi vét bùn, vác đá để khôi phục lại mảnh ruộng của mình.

Mới đây, những ngày cuối tháng 9, Kon Tum là 1 trong 8 địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của “siêu bão”. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 20 năm trở lại đây ảnh hưởng đến nước ta. 

Khi một cơn bão lớn quét qua, thiệt hại là không thể tránh khỏi. Theo thống kê sơ bộ, thiệt hại do ảnh hưởng bão số 4 và mưa, lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước hơn 24 tỷ đồng.

Nhưng rõ ràng là, so với những gì chúng ta lo lắng, thì thiệt hại đã giảm rất nhiều, mừng nhất là không có thiệt hại về người.

Có không ít người cho rằng, hoặc có ý cho rằng, chúng ta đã “làm quá”, đã “thổi phồng” sức mạnh của Noru, biến nó thành một con quái vật.

Thậm chí, có người đã hỏi tôi: Noru là cơn bão rất mạnh, mà thiệt hại lại giảm thiểu, phải chăng là vì may mắn?

Tôi đã khẳng định ngay rằng, theo cơ quan khí tượng thủy văn, Noru thật sự là một cơn bão rất mạnh, chứ không phải bị “thổi phồng”. Thiệt hại được giảm thiểu không phải do may mắn, mà là kết quả từ sự chủ động và nỗ lực lớn lao của các cấp, các ngành, của toàn dân.

Bởi ngay khi dự báo bão Noru ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh ta, cả hệ thống chính trị và sức mạnh toàn dân, giống như một cỗ máy khổng lồ, được vận hành tối đa “công suất” để ứng phó với bão Noru.

Đường vào một điểm trường ở xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông sau bão Noru. Ảnh: HL

 

Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo sát sao, từ sớm, từ xa. Với tinh thần “Đi trước một bước” so với diễn biến của bão, cả hệ thống chính trị đã được huy động triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó với bão.

Thực hiện chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các huyện, thành phố đã rất chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp ứng phó. Phát huy tinh thần chủ động, luôn đề cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không lơ là, chủ quan, hay hoang mang, mất bình tĩnh trong ứng phó thiên tai.

Trong đó, đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp để phòng chống bão kịp thời, hiệu quả. Nắm chắc diễn biến, bám sát tình hình; chủ động xây dựng phương án ứng phó, cứu nạn, cứu hộ theo phương châm bốn tại chỗ.

Đặc biệt, đã cương quyết, quyết liệt, nhất quán vận động, di dời nhân dân ra khỏi nơi nguy hiểm, có nguy cơ sạt lở, ngập lụt hoặc lũ. Đây là yếu tố quyết định để không bị thiệt hại về người.

Có thể khẳng định, nhờ sự chuẩn bị ứng phó quyết liệt khẩn trương, căn bản nên thiệt hại do bão số 4 đã được giảm ở mức tối đa. 

Đáng mừng là hầu hết người dân, nhất là ở vùng có nguy cơ xảy ra sạt lở, úng ngập đã nêu cao ý thức tự giác, chủ động thực hiện các biện pháp ứng phó mưa bão, cũng như tuân thủ và tích cực phối hợp với chính quyền, các lực lượng chức năng.

Tuy nhiên, vẫn còn những trường hợp chủ quan, không chịu di dời đến nơi an toàn, buộc chính quyền phải mất nhiều thời gian tuyên truyền, vận động, thậm chí là cưỡng chế. 

Như một số hộ dân sinh sống gần sông Đăk Pxi (thuộc thôn Đăk Rơ Wang, xã Đăk Pxi, huyện Đăk Hà), dù đã được vận động, nhưng vẫn chủ quan, không di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Sáng 28/9, mưa lớn cùng thủy điện xả lũ khiến nước sông dâng cao, gây ngập nhà ở. Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn cho người dân, ông Hà Tiến- Chủ tịch UBND huyện Đăk Hà đã trực tiếp chỉ đạo chính quyền địa phương và lực lượng tại chỗ kiên quyết di dời các hộ gia đình này ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Không ai nói trước được hậu quả sẽ như thế nào, nếu các hộ gia đình này không được đưa đến nơi an toàn kịp thời, trước khi dòng Đăk Pxi hung hãn tràn qua bờ.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, vẫn còn một số cơn bão có thể ảnh hưởng đến tỉnh ta. Chính quyền các cấp cần tiếp tục khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ người dân ổn định đời sống, khôi phục sản xuất, không để dịch bệnh bùng phát do ô nhiễm môi trường sau mưa bão.

Bên cạnh đó, theo dõi sát tình hình sau bão và dự báo thời tiết, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là; tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về phòng, chống thiên tai với các phương án sẵn sàng hơn, chủ động hơn.

Quan trọng nhất là vận dụng nhuần nhuyễn và phát huy hiệu quả bài học “Đi trước một bước”.          

Hồng Lam

Chuyên mục khác