Bài hát cho 20/11

21/11/2021 05:14

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa nhờ được “người bạn nhạc sĩ” nào có thể viết một bài hát về những người “gieo hạt” năm nào. Tôi đã mắc nợ với lời hứa hẹn ấy suốt 22 năm qua. Nhưng mỗi ngày trôi qua, mỗi giờ lên lớp, mỗi ngày đến trường của các thầy cô đã là một bản nhạc không gì hay bằng, không gì xúc động bằng cho ngày 20/11.

Hôm nay, 20/11, cô giáo Dung viết trên facebook: Nếu được chọn lại lần nữa, tôi vẫn chọn nghề giáo. Dù nhiều khó khăn và áp lực, nhưng cũng đem lại cho tôi những tháng ngày hạnh phúc.

Ngày 20/11 năm nay của cô Dung, cũng như bất cứ một giáo viên nào, khác biệt hơn mọi năm. Không khí ngày lễ có vẻ trầm lắng, bởi thiếu lễ hội tưng bừng, hội thi văn nghệ đặc sắc; không có những màn gặp mặt, chúc tụng rôm rả.

Nhưng đổi lại, các cô có thời gian với gia đình, nấu ăn, chơi với con, như một dịp thư giãn hiếm hoi, để rồi tiếp tục ngày tháng đầy áp lực của một năm học nhiều biến động và thách thức.

Nhưng dù khó khăn, thách thức đến mấy, ở trong trái tim họ vẫn cháy bỏng ngọn lửa yêu nghề, yêu trò. Và nếu được chọn lại, họ vẫn không suy nghĩ mà chọn nghề giáo.

Dù nhiều gian khó, nhưng đội ngũ thầy cô giáo luôn tận tụy với sự nghiệp trồng người. Ảnh: HL

 

Cách đây 22 năm, ngày 20/11/1999, tôi cũng đã được nghe câu nói ấy từ  một cô giáo trẻ măng tên Hà.

Nghĩ cũng là cái duyên. Bài viết đầu tiên của tôi về ngành Giáo dục Kon Tum chính là về Trường Tiểu học xã Pờ Ê (khi ấy còn là một xã của huyện Kon Rẫy, nay thuộc huyện Kon Plông).

Cùng đi với tôi là một anh đồng nghiệp lớn tuổi (nay đã nghỉ hưu). Dù trước khi đi đã xác định đề tài là viết về chuyện dạy và học ở xã vùng sâu Pờ Ê, nhưng suốt cả buổi làm việc, tôi chỉ như cái máy, hỏi và ghi chép. Để rồi tất cả tư liệu nhảy múa trong đầu, như một búi chỉ rối, tìm ra đầu mối để kéo thẳng khiến tôi mệt mỏi.

Rồi tôi lo lắng mình sẽ làm “hư bột hư đường”, không phản ánh được hết những gì đã nghe, những gì đã thấy về cuộc sống đầy gian khó của các thầy cô giáo. Càng lo rằng sẽ không khắc họa được nghị lực, trách nhiệm, sự hy sinh và tình yêu nghề, lòng mến trẻ của họ. Và như vậy thì thật có lỗi.

Trên đường về, chúng tôi ngồi nghỉ ở một vạt núi lô nhô những tảng đá xám. Tôi bất chợt ngẩn ngơ trước hình ảnh vài ba người dân đang lúi húi trỉa lúa. Những hòn đá nhỏ được họ gom lại thành đống, những hòn đá to, không di chuyển được, họ để lại, nhưng sẽ tìm các hốc đá có đất để thả hạt giống vào.

“Mưa xuống, những hạt ấy vẫn nảy mầm, sẽ cho những bông to”- một người bập bẹ trả lời bằng tiếng phổ thông, khi tôi tò mò hỏi.  

Sau đó, bài viết “Những người gieo hạt ở Pờ Ê” được hoàn thành ngay trong đêm trở về nhà. Những thầy cô ở Pờ Ê cũng giống như người gieo hạt nọ, dù gian khó đến mấy vẫn kiên trì, cần mẫn bám làng, bám lớp, truyền dạy kiến thức cho học trò. Và những “hạt mầm” ấy đã, đang và sẽ nảy nở, vươn cành xanh lá, xây dựng quê hương.

Nhưng đó là chuyện sau này. Còn cái đêm ở lại Pờ Ê, chúng tôi ngồi quây quần trong ngôi nhà tạm vách gỗ, mái tôn, nền đất. Đây là nơi ăn chốn nghỉ của các giáo viên độc thân, hầu hết là từ nơi khác đến, trong đó nhà ở thị xã Kon Tum (thành phố Kon Tum ngày nay) là nhiều nhất.

Đều còn trẻ, độ tuổi xuýt xoát nhau (tất nhiên trừ anh đồng nghiệp của tôi) nên mọi người bắt nhịp nhanh, trò chuyện cởi mở, vui vẻ lắm. Trên bếp lửa cháy rừng rực, mấy trái bắp tươi kêu xèo xèo, tỏa mùi thơm. Dưới lớp than nóng còn vùi mấy củ mì. Tất cả là quà 20/11 của phụ huynh đấy- cô Quế lật trái bắp, cười khẽ.

Cười khẽ mà lúm đồng tiền rõ thế- tôi nghĩ trộm. Nhà Quế ở Kon Tum, tốt nghiệp cao đẳng sư phạm xong lên Pờ Ê dạy học luôn, đã được 2 năm. Ngay năm đầu, cô xung phong vào điểm trường xa nhất, cách trường chính 7 cây số đường rừng, mùa khô có thể đi xe máy, nhưng mùa mưa thì chỉ có thể đi bộ.

Hôm nay cô ra ngoài trường chính nhận lương và mua cá khô, mì gói cho tuần tới. Khó khăn là thế, mưa rừng, sương núi là thế, nhưng chưa bao giờ thấy cô nhụt chí. Ở bên cô, luôn được truyền ngọn lửa nhiệt tình và sức sống tuổi thanh xuân.   

Bên ngoài mưa giăng mù mịt. Ở trên này lạ lắm. Nếu như dưới đèo Măng Đen, nắng đã héo da, gió đã khô khốc thì ở đây vẫn mưa dầm dề. Cái lạnh của rừng già cắt da cắt thịt, theo gió núi len lỏi qua những kẽ ván, khiến mọi người xích gần bếp lửa đang rừng rực cháy.

Hay là mọi người hát một bài kỷ niệm ngày 20/11 đi- vẫn là Quế hào hứng- Ưu tiên anh nhà báo trước. Tôi hết hồn. “Quế đừng bắt nạt mấy anh”- một cô giáo trẻ khác can thiệp kịp thời. Cô là Hà, gắn bó với Pờ Ê 3 năm.

Ban đầu ấy, khi mới lên, nhìn rừng núi âm u, nhà cửa lác đác bên sườn núi, trường lớp tạm bợ, dụng cụ dạy học thiếu thốn em cũng hoảng, tính bỏ việc. Nhưng rồi nghĩ lại, em quyết định “thử xem sao", ấy vậy mà ở lại đây đến bây giờ- Hà kể.

Pờ Ê hồi ấy, như bao xã vùng sâu khác, ba bề bốn bên là núi, là rừng, chỉ có Quốc lộ 24 hiểm trở chạy qua, biệt lập như một ốc đảo giữa đại ngàn. Trường học nép mình dưới rừng thẳm núi cao. Đi thật lâu mới gặp vài vách nhà sàn ám khói xà nu và những đứa trẻ cũng đầy muội khói xà nu.

Do cuộc sống khó khăn, người dân vẫn quan niệm “con chữ không làm no được cái bụng như làm ruộng, làm rẫy”, nên tỷ lệ học sinh ra trường đúng độ tuổi rất thấp. Có khi học sinh lớp 5 đã là… thanh niên, đang học thì bỏ về… lấy vợ.

Không kể ngày hay đêm, thầy cô giáo phải bám làng, bám hộ, phối hợp với già làng, trưởng thôn vận động gia đình cho con em đến trường. Người già nói “sương núi cũng không nhiều hơn mồ hôi thầy cô giáo”.

Càng về khuya, gió càng lạnh, ánh lửa hắt bóng người ngồi xúm xít xung quanh lên vách nhà rông. “Hay là hát tập thể nhé. Anh biết Bụi phấn (Vũ Hoàng) không? Biết Người thầy năm xưa (Nguyễn Văn Chung) không- Hà đề nghị. Biết chớ, toàn là những bài hát nổi tiếng mà.

Vậy thì hát Bụi phấn đi. Tiếng vỗ tay rào rào. Nhưng khi tiếng hát cất lên, thì có những giọt nước mắt rơi xuống.        

Trong tiếng gió quất ào ào, tôi đã nghe Hà vừa khóc vừa nói: Nếu được chọn lại, em vẫn chọn nghề giáo. 

Giá như có ngày nào đó, một nhạc sĩ ghé qua đây, và viết một bài hát về chúng em nhỉ. Để hát vào ngày 20/11- Quế dùng cây khời mấy củ mì ra, giọng mơ màng.

Không hiểu sao, lúc ấy, tôi lại vỗ ngực cam đoan rằng, sẽ có ngày mời được một nhạc sĩ đi cùng, lên đây để sáng tác một bài hát về những người gieo chữ ở Pờ Ê nhiều gian khó này.

Nhưng rồi, tôi đã mắc nợ với lời hứa hẹn ấy suốt 22 năm qua.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn chưa nhờ được “người bạn nhạc sĩ” nào có thể viết một bài hát về những người “gieo hạt” năm nào. Cô Hà, cô Quế đều đã chuyển đi nơi khác, sau mười mấy năm gắn bó với Pờ Ê, và vẫn tiếp tục tận tụy “gieo hạt”.

Nhưng cô Hà, cô Quế ạ, mỗi ngày trôi qua, mỗi giờ lên lớp, mỗi ngày đến trường của các thầy cô đã là một bản nhạc không gì hay bằng, không gì xúc động bằng cho ngày 20/11.

Hồng Lam

Chuyên mục khác