Ba túi và một thùng

05/01/2025 13:23

Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, từ ngày 1/1/2025, các địa phương phải xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án/Kế hoạch phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt. Nhưng thực tế cho thấy, mọi chuyện rất vẫn bộn bề, dù đã cận ngày “G”.

Cần phải thừa nhận một thực tế là hiện nay, hầu hết các hộ gia đình đều có chung một cách “ứng xử” với rác thải sinh hoạt. Đó là bỏ chung tất cả các loại rác thải, từ vô cơ, hữu cơ đến rác thải y tế (bông gạc, khẩu trang…) vào một bì nilon, hoặc túi, sau đó tập kết vào các thùng rác cỡ lớn.

Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh rác thải bị dồn chung lại vào một túi, thùng xốp và để trước nhà, hoặc chất ven đường, dưới cột điện chờ người thu gom đến lấy.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Về chủ quan, đây là thói quen lâu năm, người dân vẫn thích gom tất cả vào một túi cho thuận tiện; tâm lý chung cho rằng việc phân loại rác là của bên thu gom còn phổ biến. Nguyên nhân khách quan là thiếu chế tài, chủ yếu mang tính khuyến khích; chưa có sự đồng bộ giữa các khâu thu gom rác.

Người dân băn khoăn khi thực hiện phân loại rác nhưng vẫn phải bỏ chung một thùng. Ảnh: H.L

 

Nhưng nổi lên là công tác thu gom, vận chuyển rác thải sau phân loại gặp khó khăn do hạ tầng kỹ thuật chưa được trang bị, đầu tư đồng bộ. Từ đó xảy ra trường hợp người dân đã thực hiện phân loại rồi nhưng trong quá trình thu gom, công nhân vệ sinh lại trộn lẫn rác các loại vào với nhau.

Điều này có thể thấy rất rõ từ việc mô hình việc thí điểm phân loại rác tại nguồn được triển khai ở tỉnh ta cách đây hơn 10 năm tại 3 phường thuộc thành phố Kon Tum là Quang Trung, Thắng Lợi, Duy Tân.

Khi ấy, nhiều gia đình đã hào hứng thực hiện mô hình. Tuy nhiên, sau những đánh giá lạc quan ban đầu, mô hình dần rơi vào quên lãng.

Lý do rất đơn giản: Người dân phân loại rác thải theo hai nhóm là rác thực phẩm và rác có thể tái chế. Tuy nhiên, khi đơn vị gom rác đến thì lại xổ từng bao rác vào một thùng rác.

Việc này chẳng khác gì trộn lẫn hoàn toàn các loại rác lại, biến việc phân loại rác của người dân trước đó trở nên vô nghĩa- anh Nguyễn Quang Hùng (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) nhớ lại.

Nơi tôi ở, vào tháng 8/2024, được sự vận động của thôn, một số hộ gia đình đã bắt đầu làm quen với phân loại rác tại nhà. Bản thân tôi, không chỉ tham gia mà còn khá tích cực phối hợp thôn hướng dẫn chi tiết cách phân loại rác tại nhà cho mọi người trong xóm.

Nhưng khi tôi mang ba túi rác, với 3 màu khác nhau, vì đã phân loại ra lề đường, xe thu gom rác chạy tới, nhân viên vệ sinh nhảy xuống quơ cả ba túi ném vào thùng xe.

Hình ảnh này có tác động rất lớn tới tâm lý người dân, vì bỗng thấy thời gian, công sức bỏ ra để phân loại rác tại nhà trở thành "công cốc". Thế là chỉ được vài hôm, các hộ dân quay về cách cũ, gom hết rác vào một túi, chiều đến đem ra trụ điện bỏ, thay vì 3 túi.

Cho nên, sẽ không quá khi nói rằng, hiện chỉ có… người nhặt phế liệu mới "phân loại rác". Tất nhiên, họ chỉ nhặt nhạnh những gì có thể bán lấy tiền, chứ không phải vì bảo vệ môi trường.

Cần có những giải pháp hiệu quả hơn trong thực hiện phân loại rác tại nguồn. Ảnh: HL

 

Nhưng từ ngày 1/1/2025, phân loại chất thải rắn sinh hoạt là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình, theo Khoản 1, Điều 60 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020.

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 7/7/2022 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cũng quy định, sau ngày 31/12/2024, người dân không phân loại rác thải sinh hoạt sẽ bị phạt từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng.

Trước đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Đây được xem là như một tài liệu giúp các địa phương thực hiện Luật Bảo vệ môi trường. Cấp tỉnh chủ động ban hành quy định cụ thể để triển khai thực hiện sao cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. 

Tháng 4/2023, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quy định về quản lý chất thải trên địa bàn tỉnh (kèm theo Quyết định số 13/2023/QĐ-UBND). Trong đó nêu rõ, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt thực hiện theo Hướng dẫn kỹ thuật phân loại chất thải rắn sinh hoạt do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

Nghĩa là, chất thải rắn sinh hoạt phải được chia làm ba loại ngay tại nguồn, gồm chất thải có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.

Mới đây nhất, ngày 11/12, UBND tỉnh có văn bản số 4443/UBND-NNTN  yêu cầu các địa phương triển khai xây dựng Đề án/Kế hoạch tổ chức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn, tổ chức thực hiện từ ngày 1/1/2025.

Và như vậy, đã đến lúc mỗi người dân phải thay đổi cách ứng xử với rác, phải làm quen với việc phân loại rác từ nguồn. Thói quen này cần hình thành càng sớm càng tốt.

Phân loại rác để có hướng xử lý phù hợp là việc làm mang nhiều ý nghĩa cho môi trường, nhất là trong điều kiện lượng rác thải sinh hoạt đang ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, thực tế bộn bề hiện nay, dù đã cận ngày “G”, cũng rất đáng lo ngại.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo việc phân loại rác được tuân thủ, dần lan tỏa, tạo thành thói quen tốt, thành nét đẹp trong đời sống, cần đảm bảo đồng bộ, thống nhất từ nguồn cho tới tận nơi xử lý cuối cùng.

Trong đó, cần đầu tư hạ tầng từ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý để khắc phục tình trạng dân phân loại rác, bỏ vào  ba túi, nhân viên thu gom lại ném chung vào một thùng đem ra bãi rác.

Bên cạnh đó đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng; cung cấp các thùng rác để phân loại tới từng hộ gia đình; giảm phí thu gom rác sinh hoạt đối với các hộ đã phân loại; quyết liệt hơn trong việc thu gom rác theo hướng, rác được phân loại mới thu gom, không phân loại thì không thu gom.

Nhân rộng những mô hình hay, ý tưởng tốt và tạo cơ chế hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp tham gia xử lý, tái chế rác thải.

Chỉ khi nghiêm túc thực hiện từ cả ba phía, người dân, bên thu gom và cơ quan chức năng, thì phân loại rác mới thành công. Và câu chuyện phân loại rác sẽ không còn luẩn quẩn với ba túi một thùng. 

Hồng Lam

Chuyên mục khác