APEC Việt Nam 2017: “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”

13/11/2017 06:57

​APEC là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương, được thành lập năm 1989 tại Canberra, Australia bởi 12 thành viên, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực, đồng thời thắt chặt các mối quan hệ trong cộng đồng châu Á - Thái Bình Dương. Hiện APEC gồm 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam gia nhập diễn đàn này vào năm 1998. Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC. Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25 tại thành phố Đà Nẵng diễn ra từ ngày 6 - 11/11, đã kết thúc tốt đẹp…

APEC không phải là một tổ chức mang tính ràng buộc pháp lý và có quyền hạn giải quyết tranh chấp thương mại như Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Diễn đàn này hoạt động trên cơ sở tham vấn và xây dựng đồng thuận. Các chính sách mới được thông qua trong các cuộc họp của APEC được nhất trí theo tinh thần tự nguyện và cùng có lợi.

Hội nghị năm 1994 tại Indonesia, các lãnh đạo APEC đã nhất trí thông qua các mục tiêu Bogor, xác định APEC sẽ trở thành một khu vực tự do và mở cửa về thương mại và đầu tư trong tương lai.

Các mục tiêu Bogor bao gồm cắt giảm rào cản đối với thương mại và đầu tư; tăng cường lưu thông tự do của hàng hóa, dịch vụ và nguồn vốn; thúc đẩy tự do hóa, thuận lợi hóa thương mại và đầu tư trong khu vực. Thời hạn để hoàn tất các mục tiêu Bogor đối với các nền kinh tế phát triển là năm 2010 và đối với các nền kinh tế thành viên đang phát triển là năm 2020.

Hàng năm, APEC thường tổ chức khoảng 20 hội nghị lớn cùng 200 hoạt động trải khắp các địa điểm khác nhau của nền kinh tế chủ nhà. Tuần lễ cấp cao là hoạt động quan trọng nhất, thường tổ chức vào cuối năm, với các sự kiện chính như Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC (AELM), Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (CEO Summit) hay Đối thoại của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn doanh nghiệp APEC (ABAC).

Các cuộc trao đổi thường niên của APEC đã hình thành xu thế tự do hóa thương mại và đầu tư ở khu vực và thế giới, thông qua giảm thuế quan, các rào cản thương mại và thủ tục hải quan. Chỉ trong hai thập niên (1989 - 2014), mức thuế trung bình của APEC giảm từ 17% xuống 5,6%.

Việt Nam gia nhập APEC vào năm 1998 và diễn đàn này đã đem lại lợi ích cũng như góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế (theo Bộ Ngoại giao).

Tham gia APEC góp phần vào nỗ lực đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế và làm sâu sắc các mối quan hệ song phương của Việt Nam.

Việc tham gia APEC còn góp phần nâng cao nội lực đất nước. APEC là diễn đàn quy tụ nhiều đối tác kinh tế hàng đầu của Việt Nam, chiếm 75% thương mại, 78% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, 38% viện trợ phát triển chính thức (ODA) và 79% khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam. Việc thực hiện các cam kết hợp tác trong APEC đã thúc đẩy trao đổi thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam đối với các đối tác APEC.

Hợp tác APEC mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong tiếp cận thị trường của các nền kinh tế thành viên. Các doanh nghiệp Việt được hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến của các tập đoàn hàng đầu thế giới.

Sự gắn kết kinh tế - thương mại giữa các nền kinh tế thành viên tạo điều kiện cho người dân có thêm lựa chọn về việc làm, hàng hóa, dịch vụ, y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng, du lịch với chất lượng và giá cả tốt hơn.

APEC đang triển khai các chương trình giao lưu nhân dân, giao lưu văn hóa, giao lưu sinh viên với mục tiêu cụ thể là trao đổi sinh viên giữa các trường đại học APEC đạt một triệu người vào năm 2020 và số lượt khách du lịch của APEC đạt 800 triệu người vào năm 2025.

Việt Nam lần đầu tiên tổ chức APEC vào năm 2006, với hơn 100 hoạt động. Hàng chục hiệp định, thỏa thuận, hợp đồng hợp tác giữa Việt Nam với các nền kinh tế APEC đã được ký kết. Sự kiện này cũng quảng bá hình ảnh Việt Nam hòa bình, đổi mới, năng động và mến khách.

Năm 2017 là lần thứ hai Việt Nam vinh dự được chọn là quốc gia tổ chức các sự kiện APEC.

Chủ đề năm APEC 2017 tại Việt Nam là "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung". Việt Nam đề xuất 4 hướng ưu tiên lớn là: thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số và tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tuần lễ cấp cao APEC lần thứ 25, hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong năm APEC 2017 đã diễn ra từ ngày 6-11/11, tại thành phố Đà Nẵng, với sự tham dự của hơn 10.000 đại biểu quốc tế, trong đó có lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên, hàng nghìn doanh nghiệp hàng đầu khu vực và trên thế giới cũng như đại diện của các cơ quan truyền thông quốc tế lớn.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì 4 sự kiện quan trọng trong tuần lễ cấp cao APEC, gồm: phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC sáng 8/11; đối thoại cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN chiều 10/11; lễ đón chính thức, tiệc chiêu đãi các lãnh đạo APEC tối 10/11 và hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25 vào ngày 11/11, đây cũng là sự kiện quan trọng nhất trong tuần lễ cấp cao APEC.

Chiều 11/11, chủ trì cuộc họp báo thông báo về kết quả Hội nghị cấp cao các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25, Chủ tịch nước Trần Đại Quang thông báo Hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25 đã thành công tốt đẹp. Hội nghị đã thông qua Tuyên bố Đà Nẵng, tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung. Đây là kết quả quan trọng nhất của Năm APEC 2017.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: Năm APEC 2017 là cơ hội quý báu để Việt Nam góp phần thúc đẩy hòa bình, hợp tác và thịnh vượng của khu vực. Đây cũng là dịp để Việt Nam khẳng định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.

Tuần lễ cấp cao APEC tổ chức tại Việt Nam đã kết thúc tốt đẹp. APEC năm 2018 sẽ được tổ chức tại Papua New Guinea.

                                                                   Hoàng Thúy (tổng hợp)

Chuyên mục khác