Áp lực học hành và những hệ lụy

25/12/2021 06:03

Cũng có cậu con trai học lớp 6, cũng đôi lần rầy la con vì lơ đễnh, vì kết quả học hành, nên khi đọc thông tin một học sinh lớp 6 ở Hà Nội nhảy lầu tự tử, tôi càng cảm thấy thương cảm, xót xa.

Ngẫm cho cùng, làm cha làm mẹ ai cũng mong những điều tốt đẹp nhất đến với con mình. Mong cho con chăm chỉ học tập, đạt được kết quả cao, ngoài việc để trang bị cho con hệ thống kiến thức cơ bản, các bậc làm cha làm mẹ còn mong con có tương lai tốt sau này. Nên ngay từ những ngày con còn nhỏ, thậm chí mới hai, ba tuổi, không ít các bậc làm cha làm mẹ đã bắt đầu dạy con làm quen con số, chữ viết, thậm chí cho con đến các trung tâm làm quen với ngoại ngữ, làm quen với tính toán… Lớn hơn chút nữa, khi con bắt đầu vào học tiểu học, THCS, THPT, cha mẹ lại bôn ba chọn trường, chọn lớp, gửi gắm cô giáo rèn chữ, luyện toán, hết học chính khóa ở trường lại chuyển sang học thêm môn này đến môn khác.

Áp lực học hành, áp lực thi cử, áp lực thành tích và áp lực từ sự kỳ vọng của cha mẹ khiến cho các em ít có thời gian dành cho ăn uống, nghỉ ngơi, giải trí. Rõ nhất là thiếu ngủ. Quỹ thời gian dành cho học tập nhiều nên không ít em học sinh luôn ở trong trạng thái thiếu ngủ và thèm được ngủ. Hình ảnh những học sinh nhỏ tuổi ngồi trên xe máy, tay ôm cha mẹ hững hờ, ngủ gật gà gật gù; em lớn tuổi hơn chút gục mặt lên bàn học ngủ nhưng tay vẫn cầm cuốn sách, cuốn vở... không phải là chuyện hiếm.

Áp lực học hành là chuyện đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Ảnh minh họa

 

Áp lực học tập là chuyện không mới, dư luận, truyền thông đã cảnh báo từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, trong năm học này, vì ảnh hưởng dịch bệnh Covid -19 lại thêm phần nặng nề. Trong khi các em học sinh ở lứa tuổi có bước phát triển mạnh về thể chất, tinh thần, thì nay ít được tham gia các hoạt động vui chơi giải trí, ít được gặp gỡ, giao lưu, kết nối bạn bè, phần lớn là học online trước máy tính. Đã thế, vì điểm kém, vì định hướng nghề nghiệp, vì không đạt thành tích như mong muốn, vì không đáp ứng được kỳ vọng của gia đình… khiến cho tinh thần các em không thoải mái, dễ bực bội, mệt mỏi, trầm cảm. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ có giá trị, năng lực riêng, lại thêm sự hỗ trợ, tư vấn cho các em còn thiếu; sự khác biệt trong suy nghĩ giữa các thế hệ, giữa cha mẹ và các em với khoảng cách khá xa nên thiếu đi sự đồng cảm, chia sẻ.

Nhiều bậc phụ huynh nhìn con mình vất vả với áp lực học hành, hoặc cứ ngồi trước màn hình máy tính hết học chính khóa lại đến học thêm online hết lớp này đến lớp khác, hoặc vừa xong chương trình chính khóa, vẫn nguyên bộ áo quần đồng phục đến các lớp học thêm, chỉ kịp lót dạ bằng ổ bánh mì, hộp xôi mua vội dọc đường, tối về lại chong đèn sách học đến khuya mà lòng thương cảm.

Nhưng, thương đấy cũng đành chịu. Chẳng phải người xưa đã có câu, sự học như con thuyền ngược nước, không tiến ắt sẽ lùi. Muốn tiến ở đây chỉ còn bằng cách là chăm chỉ học tập sớm hôm mà thôi.

Có những bậc làm cha làm mẹ tâm lý, làm bạn với con, hiểu con, biết được sức học của con, ngoài việc chia sẻ, động viên, chăm chút sức khỏe cho con, còn biết tư vấn, định hướng cho con hướng đi phù hợp. Nhưng cũng có những bậc làm cha làm mẹ hoặc thiếu quan tâm, hoặc quá xem trọng điểm số, thành tích mà thiếu đi sự động viên, khích lệ, khiến con trẻ lo lắng, mệt mỏi. Con lơ đễnh, thiếu tập trung, mắng; con điểm thấp, mắng; con chưa ngoan, mắng; con học kém hơn bạn, mắng… Lâu dần khiến con trẻ dồn nén những cảm xúc tiêu cực, dễ có những hành động dại dột, thiếu kiểm soát.

Tôi cứ nhớ mãi ngày cu con thi vào lớp 6 chất lượng cao ở một trường THCS trên địa bàn thành phố Kon Tum. Số lượng tuyển sinh thì ít mà số học sinh thi vào lại nhiều. Cũng lo con không đỗ, tôi vừa động viên vừa đi kèm đôi lần hăm dọa. Đến hôm cu con đi thi về kể chuyện có một bạn ngồi cạnh tâm sự rằng, nếu chuyến này thi trượt sẽ bỏ nhà đi bụi chứ sợ ba mẹ đánh lắm, tôi bỗng giật mình. Hóa ra, không chỉ mình mà cả các bậc làm cha làm mẹ khác nữa chưa có phương pháp giáo dục đúng đắn, thương con, muốn con có kết quả tốt đẹp nhưng vô tình lại gây áp lực con. Mà con trẻ còn non nớt, hù dọa nhiều đến mức ám thị tâm hồn, đâm ra sợ hãi.

Và hệ lụy của những áp lực, của những hù dọa, trách mắng mà người lớn tạo ra là rối loạn về sức khỏe tâm thần, thậm chí sang chấn tâm lý ở lứa tuổi học trò. Thực tế đã có không ít trường hợp các em ở lứa tuổi học đường đổ bệnh vì học, đổ bệnh vì thiếu đi sự thấu hiểu. Thậm chí, có những em vì những phút giây cùng quẫn đã có những hành động đau lòng, dang dở cả tuổi học trò.

Những hệ lụy, những chuyện đau lòng vẫn diễn ra. Nhưng rồi, ai cũng quan niệm rằng, học để có nghề nghiệp ổn định, để có tương lai tươi sáng, để có cuộc sống tốt đẹp hơn, để thoát khỏi tình trạng thấp kém về mặt kinh tế - xã hội… nên vẫn luôn tự gây áp lực cho con trẻ.

Khoa học đã chứng minh, cơ thể có khỏe mạnh, tinh thần có thoải mái thì trí óc mới minh mẫn. Nên một khi quá chăm lo học chữ, mà ít học lễ nghĩa, ít chú ý đến thể chất, tâm lý có thể dẫn đến những bệnh lý nghiêm trọng, những hệ lụy tiêu cực thì những mục đích giáo dục cao đẹp như đã nêu ở trên liệu có đạt được?

Nguyên Phúc

Chuyên mục khác