Ấn tượng “về nguồn”

24/12/2020 06:02

Nhiều năm qua, tôi cứ mong một lần được “Nam tiến”, để có dịp tham quan, trải nghiệm cùng những con người, mảnh đất lịch sử. Vì vậy, chuyến “Về nguồn” mới đây do Hội Nhà báo tỉnh tổ chức thực sự là niềm vui, hạnh phúc và để lại ấn tượng sâu đậm.

Điểm đến đầu tiên là Di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam. Cách thị xã Tây Ninh chừng 50 km theo Quốc lộ 22B, qua Cửa khẩu Xa Mát, Tỉnh lộ 792, di tích lịch sử này thuộc địa bàn ấp Tân Động 1, xã Tân Lập, huyện Tân Biên.

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ an ninh, chính trị cho toàn khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam, các đồng chí lãnh đạo và cán bộ, chiến sĩ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Cùng với các hạng mục chính (Nhà trưng bày lưu niệm đồng chí Phạm Hùng, Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc, Đài tưởng niệm liệt sĩ, phù điêu khắc họa lịch sử CAND, quảng trường…), trong khu di tích, đáng chú ý là sự hiện diện hệ thống các công trình tưởng niệm của công an các đơn vị và tỉnh thành phía Nam (từ Quảng Trị đến Cà Mau), tạo thành một quần thể kiến trúc vừa phong phú, đa dạng, vừa mang tính lịch sử - văn hóa với nhiều nét đặc trưng các vùng miền; nhằm tôn vinh cống hiến của công an các đơn vị, địa phương trong sự nghiệp bảo vệ an ninh- trật tự.

Chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam. Ảnh: T.N 

 

Trong số 36 bia ghi công của lực lượng công an, an ninh 32 tỉnh thành và 4 bộ ngành, bảng vàng truyền thống Công an Kon Tum được xây dựng ở vị trí trung tâm. Trong đó, ghi tóm tắt thành tích của lực lượng Công an, an ninh tỉnh Kon Tum, góp phần vào thành tích chung của lực lượng Công an cả nước “vì nước quên thân, vì dân phục vụ”.

Cách Di tích lịch sử Căn cứ Ban An ninh Trung ương Cục miền Nam chừng 10 cây số trên cùng một tuyến đường, là Di tích lịch sử Căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Hay còn gọi là “R”, căn cứ Chàng Riệc, căn cứ Phạm Hùng, căn cứ địa Bắc Tây Ninh).

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược quan trọng. Khu căn cứ Trung ương Cục miền Nam là địa bàn đóng quân của cơ quan đầu não cách mạng miền Nam trong một thời gian dài và trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng miền Nam cho đến ngày hoàn toàn giải phóng. Giai đoạn 1961 - 1975, nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Trung ương Cục cụ thể hóa vào thực tiễn cách mạng miền Nam, thông qua nhiều chỉ thị, nghị quyết quyết định đường lối chiến lược và triển khai thành công trên chiến trường. Trung ương Cục đã để lại những bài học quý báu về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn với nhân dân.

Trong trang phục bà ba đen giản dị, quàng chiếc khăn rằn thân thương, cô hướng dẫn viên có gương mặt phúc hậu, tươi tắn, giọng nói ấm áp đã đưa chúng tôi về với kỷ niệm những năm tháng kháng chiến gian khổ, đầy hy sinh anh dũng ở nơi được mệnh danh là “Thủ đô kháng chiến” miền Đông Nam Bộ. 

Thăm di tích lịch sử này, chúng tôi háo hức nhất là “hành quân” ở khu di tích gốc được tái hiện giữa rừng nguyên sinh rộng lớn, xanh tốt. Qua chiếc cầu xi măng nhỏ bắc qua suối Tiên, ở đâu cũng thấy cây cối ken dày. Có những cây cổ thụ thân cao, gốc lớn vài người ôm không xuể. Năm tháng đã đi qua nhưng dấu tích chiến tranh vẫn còn đó. Những con đường nội vùng khu căn cứ đã được bê tông để thuận tiện cho việc đi lại, song các công trình nhà làm việc, phòng họp lớn, phòng họp nhỏ… ở “cứ” thì vẫn được phục dựng theo nguyên mẫu bằng tranh tre, nứa lá.

Từ nhà đồng chí Trần Nam Trung đến nhà đồng chí Nguyễn Văn Linh, Phạm Hùng, Võ Văn Kiệt… tất cả  đều  đơn sơ, giản dị nhưng vẫn mang nét riêng của mỗi đồng chí lãnh đạo. Ấn tượng nhất, là nhiều căn nhà tranh tre được làm kề bên hố bom sâu hoắm, không phải chỉ để tiện trữ nước sinh hoạt, mà còn thuận cho việc làm ao nuôi cá, cải thiện bữa ăn hàng ngày vốn đã vô cùng đạm bạc, thiếu thốn nơi căn cứ.

Mang theo cảm giác lâng lâng vui sướng khi lần đầu tiên được “mục sở thị” những địa danh lịch sử trên mảnh đất Tây Ninh, chúng tôi  đến với Khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi của thành phố mang tên Bác. Củ Chi đất thép đã từng nghe, được học, nay mới có dịp về thăm. Vẫn trong bối cảnh là một khu rừng rộng lớn, lịch sử được tái hiện lại một cách tường tận, cụ thể, sinh động. Ngày thường, nhưng khách tham quan tại đây rất đông. Trước tiên, mọi người được xem nội dung trình chiếu các tư liệu lịch sử về căn cứ cách mạng, địa đạo Củ Chi; sau đó lần lượt thăm hai hạng mục chính là làng kháng chiến và căn cứ địa đạo.

Được biết, địa đạo Củ Chi với hệ thống đường hầm dài hơn 200km là cứ địa vững chắc của Khu ủy Quân khu Bộ Tư lệnh Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ. Địa đạo được đào thủ công từ năm 1946, trên khu vực đất sét pha đá ong có độ bền cao, ít bị sụt lở. Những đường hầm nằm sâu trong lòng đất từ 3 đến 12 m, được kết cấu theo 3 tầng, có khả năng chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng. Trong suốt hơn 20 năm hoạt động, địa đạo luôn bị Mỹ - Ngụy dùng bom, hơi nước, hơi ngạt tấn công nhưng không thể phá hủy. Sức mạnh của kẻ thù không thể lung lay ý chí kiên cường, bất khuất của quân và dân ta. Sự sống dưới lòng đất Củ Chi đã góp phần đáng tự hào vào thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc.

Mới đây, chủ trương lập hồ sơ di tích địa đạo Củ Chi trình UNESCO ghi danh vào danh mục di sản thế giới đã được UBND TP Hồ Chí Minh và Bộ Quốc phòng thống nhất đề nghị. 

Thăm Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam Phú Quốc khi trời đã về chiều và cơn mưa cuối mùa đang kéo đến, lòng chúng tôi như lắng lại.

Nhà giam được xây dựng trên diện tích 400ha thuộc địa bàn thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc (nay là TP Phú Quốc), tỉnh Kiên Giang. Theo tư liệu, trại giam Phú Quốc được xây dựng năm 1953, tồn tại đến khoảng năm 1973. Thời điểm cao nhất có 40.000 tù binh là những chiến sĩ cách mạng kiên trung bị giam giữ tại đây và khoảng 4.000 người đã bị giết hại.

Một cách trực quan và vô cùng sinh động, những hình ảnh được tái hiện đã đem đến cho thế hệ sau cái nhìn chân thực, sâu sắc về sự tàn bạo của kẻ thù, sự khốc liệt của chiến tranh, cũng như ý chí kiên cường, dũng cảm, mưu trí, tấm lòng sắt son với Đảng, với dân tộc của những chiến sĩ cộng sản.

Chuyến đi đã khép lại, nhưng cảm xúc về những địa danh lịch sử vẫn còn mãi trong trái tim tôi và mỗi người.

Thanh Như

Chuyên mục khác