Ấn tượng những trải nghiệm trong “quân ngũ”

01/06/2018 07:11

Vào mỗi dịp hè, Tỉnh đoàn lại phối hợp Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Học kỳ quân đội tạo sân chơi cho các em thanh thiếu nhi. Chương trình có sức lan tỏa rất lớn, thu hút đông đảo các em tham gia.

Thông qua chương trình, các em được giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc nhóm, rèn ý thức tự lập, nâng cao ý thức về sự sẻ chia, trách nhiệm và tình cảm của bản thân với gia đình, xã hội…

Tham gia Học kỳ quân đội, trải nghiệm những ngày trong “quân ngũ”, nhiều em lần đầu tiên xa nhà, xa vòng tay bao bọc của gia đình đã bộc phát những hành động dễ thương, thơ ngây của tuổi học trò, để lại những câu chuyện ấn tượng mà các anh chị phục vụ trong chương trình của Tỉnh đoàn và Trung đoàn 990 nhớ mãi.

Phút giải lao của các chiến sĩ nhí trên thao trường. Ảnh: G.T

 

Hè năm ngoái, chúng tôi về Trung đoàn 990 (đóng quân trên địa bàn xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô) để tìm hiểu về chương trình này. Đại úy Trương Châu Hồng Hải - một trong những cán bộ phụ trách chương trình dẫn chúng tôi ra thao trường để “mục sở thị” các chiến sĩ nhí đang luyện tập.

Trên đường ra thao trường, anh Hải kể cho chúng tôi nghe rất nhiều chuyện về các chiến sĩ nhí, đặc biệt là ấn tượng của anh về một cháu bé mà anh gọi thân mật là “cu béo”.

Anh kể, “cu béo” vừa vào doanh trại ngày đầu tiên đã kêu buồn, một hai đòi về, các cô chú ở đây tìm mọi cách giúp cháu hòa nhập cùng các bạn. Khi biết được sở thích mê khoa học của cháu, các chú bộ đội dẫn ra vườn thuốc nam giới thiệu công dụng của từng loại cây. Thấy cậu bé thích thú lắng nghe, các chú bộ đội tưởng cháu đã thích nghi, nhưng không, cậu vẫn tìm cách trốn ra ngoài doanh trại. Trốn không thành công, cậu quay sang năn nỉ nhờ các chú cho gọi điện về nhà vì nhớ ba mẹ. Thế nhưng, theo quy định của chương trình, trong thời gian các cháu tham gia, không được phép gọi điện về nhà, vì thế các chú và các cô không ai dám cho cháu mượn cả... Để giúp cháu mau chóng hòa nhập, các chú bộ đội đã luôn kề cận, trò chuyện tìm hiểu thêm các sở thích của cháu. Cháu khoe biết võ, vậy là mấy chú cháu xoay trần ra “thử chiêu” với nhau, rồi cùng nhau đánh cờ, chơi các môn thể thao... Dần dà, cháu thôi mè nheo nhớ nhà, quấn lấy các chú bộ đội, tích cực tham gia các hoạt động trong khuôn khổ chương trình.

Còn anh Phạm Văn Thắm - Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao thanh thiếu nhi tỉnh, người kề cận với các em trong suốt quá trình triển khai chương trình chia sẻ ấn tượng của mình về những chiến sĩ nhí qua hai chuyên đề “giã từ sự gian dối” và “biết ơn cha mẹ”.

Sau mấy ngày xa gia đình, tự lập hoàn toàn, tới những ngày gần cuối, chương trình tổ chức chuyên đề biết ơn cha mẹ. Để các em hình dung và khơi gợi cảm hứng viết thư gửi về cho gia đình, chương trình trao tận tay những bức thư của người thân viết cho các em, cùng với những thước phim vô cùng xúc động về tình mẫu tử kết hợp với thuyết trình trực tiếp về công sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, sự hối hận khi các em không biết nghe lời... Rồi đèn điện tắt hết, mỗi em một ngọn nến, trong ánh sáng mờ ảo, các em viết thư gửi về gia đình trong cảm xúc dâng trào... Khi các em viết xong Ban tổ chức gửi về cho gia đình theo đúng địa chỉ trong thư của mỗi em.

Anh Thắm kể, có em viết xong thư thì tờ giấy học sinh ướt đẫm nước mắt và những dòng chữ bị nhòe không tài nào đọc được. Có em khóc sướt mướt, một hai đòi về ngay trong đêm vì nhớ nhà và muốn xin lỗi ba mẹ...

Giọng trầm xuống anh kể tiếp, năm 2016 cũng với chuyên đề viết thư cho người thân, tất cả các em đều nhận được thư của ba mẹ, riêng một em không nhận được, em đó cảm giác bị gia đình bỏ rơi, mặc cảm, tách khỏi tập thể trốn ra một góc vườn ngồi khóc. Chị phụ trách tiểu đội của em biết được, khuyên nhủ mãi em mới nguôi ngoai để hòa nhập. Vì thế anh khuyên phụ huynh đã cho con tham gia chương trình, nên đồng hành cùng các con, đừng vì sơ suất mà làm tổn thương các em.

Ở phần chuyên đề giã từ sự gian dối, Ban tổ chức tạo không gian giống như chuyên đề viết thư cho người thân để các em có cảm xúc bày tỏ trung thực những lỗi lầm của mình; đồng thời giúp các em dũng cảm đối diện với sự thật, dũng cảm nhận ra lỗi lầm để trở thành con ngoan, trò giỏi.

Chuyên đề này khác chuyên đề viết thư cho người thân ở chỗ không gửi về cho phụ huynh, mà đốt đi những gì các em viết xem như mọi lỗi lầm đã được gột rửa, từ đó giúp tâm hồn các em thư thái cân bằng và không còn mặc cảm với lỗi lầm trước kia và sẽ sống tốt hơn.

Các chiến sĩ nhí viếng Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh trước lúc lên đường. Ảnh: G.T

 

Anh Thắm kể, hầu hết các em đều viết ra những lỗi lầm của mình, em ít nhất cũng kể ra ba bốn lỗi, nhiều thì hết hai mặt giấy học sinh. Khi các em đã viết hết mọi lỗi lầm của mình, mặt các em giãn ra trông thật hớn hở dường như vừa trút được gánh nặng. Khi hỏi, có em còn kể thật cho anh nghe, em đã viết về lỗi lầm lấy trộm tiền của mẹ đi chơi điện tử, từ giờ em sẽ không làm chuyện đó nữa; có em kể mẹ nói em học bài và làm bài nhưng khi mẹ đi làm em lại mở máy chơi game cho đến khi mẹ về nói dối là đã học thuộc hết rồi; còn có em khi bị điểm kém cô giáo bảo đưa về cho phụ huynh ký vào em sợ bố mẹ mắng đã giả chữ ký; rồi có em cúp học ở trường để đi chơi điện tử...

Anh Thắm chia sẻ, với thời gian 10 ngày chưa phải là nhiều để thay đổi thói quen, nhưng khi tham gia chương trình các em thoát khỏi sự bao bọc của gia đình để hòa nhập trong môi trường tập thể và tự lập trong sinh hoạt cá nhân. Qua đó giúp các em thêm tự tin, mạnh dạn, trưởng thành và bản lĩnh hơn, biết yêu thương và quý trọng người thân trong gia đình.

Hè năm nay, tiếp sau chương trình học kỳ trong quân đội, Tỉnh đoàn phối hợp với Công an tỉnh tổ chức chương trình “Em tập làm chiến sĩ”, dự kiến tổ chức trong 7 ngày (từ ngày 7 đến ngày 13/7/2018). Đây là nỗ lực của Tỉnh đoàn nhằm tạo thêm sân chơi bổ ích cho các em trong dịp hè, giúp các em có được những trải nghiệm lý thú và bổ ích.

Gia Thịnh

Chuyên mục khác