An toàn là bạn

05/06/2024 13:06

Ta có thể bắt gặp câu khẩu hiệu này ở bất cứ nhà xưởng sản xuất nào. Nhưng giữa treo khẩu hiệu và thực hiện được như khẩu hiệu vẫn có khoảng cách, mà muốn rút ngắn thì còn rất nhiều việc cần làm và phải làm.

Đầu tháng 5/2024, tại Khu Công nghiệp Hòa Bình (thành phố Kon Tum) đã xảy ra vụ tai nạn lao động, khiến một công nhân phải đi cấp cứu.

Theo đó, một nhân viên đang sửa xe ôtô thì gặp tai nạn, bị thương nặng. Ngay sau đó, anh được đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng bị choáng do chấn thương và mất nhiều máu.

Nạn nhân sau đó được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực để sơ cứu ban đầu, phẫu thuật nối lại hộp sọ để cầm máu.

Có những ý kiến cho rằng, xảy ra tai nạn lao động là điều không may, chẳng ai mong muốn. Nhưng rõ ràng là, mỗi khi xảy ra tai nạn lao động, cần đặt ra câu hỏi: Quy trình đảm bảo an toàn lao động có được tuân thủ nghiêm túc hay không?

Tất nhiên là không thể phủ nhận những nỗ lực của tỉnh và các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) thời gian qua. 

Công nhân không có đồ bảo hộ lao động được xem là điều ''bình thường'' tại công trình xây dựng. Ảnh: HL

 

Thông tin từ Sở LĐ,TB&XH, trong năm 2023, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức các lớp tập huấn về nghiệp vụ, tuyên truyền, huấn luyện ATVSLĐ cho 5.964 người, tăng 5,13% số người so với năm 2022.

Hiện nay, toàn tỉnh có 563 máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động của các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng được khai báo và được quản lý.

Việc kiểm tra công tác ATVSLĐ cũng được ngành LĐ,TB&XH tỉnh và các cấp, các ngành quan tâm thực hiện thường xuyên. Trong năm 2023, Sở LĐ,TB&XH phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra 19 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Qua đó, xử phạt hành chính 4 doanh nghiệp vi phạm về ATVSLĐ; kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị sử dụng lao động không thực hiện quy định bảo đảm công tác ATVSLĐ.

Các cấp công đoàn tổ chức 33 cuộc giám sát; phối hợp với người sử dụng lao động tự kiểm tra 15 cuộc; kiến nghị 5 đơn vị thực hiện điều chỉnh, bổ sung nội quy, quy trình làm việc an toàn.

Theo thống kê, hiện nay toàn tỉnh có 1.990 đơn vị tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp cho 38.973 người với số tiền thu mỗi năm trên 12,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, những nỗ lực ấy là chưa đủ!

An toàn là bạn- đây là câu khẩu hiệu rất quen thuộc. Ta có thể bắt gặp ở bất cứ nhà xưởng sản xuất nào. Nhưng giữa treo khẩu hiệu và thực hiện được như khẩu hiệu vẫn có khoảng cách.

Mà muốn rút ngắn thì còn rất nhiều việc cần làm và phải làm. Bởi thực trạng an toàn lao động tại tỉnh ta vẫn còn những hạn chế, thể hiện qua số liệu đáng lo ngại về số vụ tai nạn lao động.

Theo Báo cáo số 1136/TB-BLĐTBXH ngày 21/3/2024 của Bộ LĐ,TB&XH, năm 2023, tỉnh Kon Tum xảy ra 8 vụ tai nạn lao động làm chết 10 người, bị thương nặng 1 người. Điều đáng lo ngại là cả 8 vụ tai nạn lao động đều có người chểt.

Doanh nghiệp cần xác định bảo đảm AT,VSLĐ là trách nhiệm quan trọng. Ảnh: H.L

 

Ngày 23/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 149-KH/TU thực hiện Chỉ thị số 31-CT/TW, ngày 19/3/2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác an toàn, vệ sinh lao động trong tình hình mới”.

Trong đó xác định mục tiêu bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động và bảo vệ tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Phấn đấu giảm tai nạn lao động, nhất là tai nạn lao động nghiêm trọng; tỉ lệ tai nạn lao động chết người giảm ít nhất 4%/năm.

Số người lao động làm việc trong môi trường tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ được khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp tăng ít nhất 5%/năm; ít nhất 5%/năm số cơ sở phát sinh yếu tố có hại được quan trắc môi trường.

Để thực hiện tốt Kế hoạch số 149-KH/TU, thời gian tới, về phía cơ quan chức năng và chính quyền các cấp, cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Bao gồm thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật liên quan đến công tác AT,VSLĐ và Chương trình quốc gia về AT,VSLĐ. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác AT,VSLĐ.

Kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là tổ chức, cá nhân để xảy ra sự cố nghiêm trọng về AT,VSLĐ, không thực hiện trách nhiệm bảo đảm AT,VSLĐ.

Về phía doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cần xác định bảo đảm AT,VSLĐ là trách nhiệm quan trọng. Từ đó xây dựng và thực hiện chính sách, kế hoạch tạo dựng môi trường làm việc an toàn và giảm thiểu rủi ro.

Bao gồm những biện pháp phòng, chống tác động từ các yếu tố gây nguy hiểm cho người lao động cả thể chất và tinh thần trong môi trường làm việc; triển khai các giải pháp giảm thiểu, khắc phục rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Đảm bảo quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, từ đó giúp người lao động yên tâm làm việc, cống hiến hết mình.

Quan tâm công tác đánh giá tác động môi trường, nhất là đối với các dự án đầu tư khai thác, sản xuất công nghiệp, xây lắp, nơi có điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc.

Đặc biệt, cần tăng cường hơn nữa công tác đào tạo, nâng cao hiểu biết, kỹ năng phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

Và cuối cùng, về phần mình, người lao động phải có ý thức tự bảo vệ mình. Trong đó, tìm hiểu, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủi ro gây tai nạn cho chính mình.

Sẵn sàng và kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân.       

Hồng Lam

Chuyên mục khác