An toàn cho người lao động

01/05/2023 13:25

Tôi rất hoan nghênh những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động. Càng hoan nghênh hơn những lao động biết tự bảo vệ bản thân mình bằng cách từ chối, hoặc rời nơi làm việc, nếu thấy rõ các nguy cơ có thể dẫn đến sự cố mất an toàn.

Tôi chơi khá thân với một chủ thầu xây dựng “cỡ vừa” ở thành phố Kon Tum.

Mới đây, tôi nhận được lời phàn nàn của anh ta về chuyện 3 thợ giỏi đã nghỉ việc, sau khi đề nghị của họ về trang bị đồ bảo hộ lao động và hệ thống ròng rọc bảo đảm an toàn khi thi công trên cao không được chấp nhận.

Lý do họ đưa ra là nếu không đảm bảo an toàn lao động, cái giá họ phải trả có thể là sức khỏe, thậm chí là tính mạng.

Công trình đang vào lúc nước rút cho kịp ngày bàn giao mà có tới 3 thợ giỏi nghỉ việc làm tôi lao đao- anh ta than vãn.

Đã từng từ chối bước lên giàn giáo cao chót vót, dựng chênh vênh phía trước mặt tiền ngôi nhà 4 tầng cùng chủ thầu, tôi hiểu nỗi lo lắng của những người thợ khi phải đu mình ra phía ngoài giàn giáo không có lưới bảo vệ chống rơi ngã để làm việc.

Không đồ bảo hộ là hình ảnh thường thấy của người lao động ở các công trình xây dựng. Ảnh: H.L

 

Cho nên, thay vì chia sẻ- như suy nghĩ của chủ thầu, tôi đã phê phán thái độ coi thường an toàn lao động anh ta. Hơn nữa, tôi cho rằng 3 thợ chính nghỉ việc là đúng, và họ là những người dũng cảm. 

Tất nhiên, không phải chủ thầu nào cũng như anh ta. Một chủ thầu khác, đang thi công ngôi nhà trên đường Trần Phú rất “chịu” đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn lao động. Từ thợ chính đến thợ phụ đều được trang bị đủ giày, quần áo, mũ, găng tay, khẩu trang. Hệ thống giàn giáo thi công khá xịn xò, có lưới bảo vệ hẳn hoi.

Tôi rất hoan nghênh những doanh nghiệp quan tâm đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn lao động. Càng hoan nghênh hơn những lao động biết tự bảo vệ bản thân mình bằng cách từ chối, hoặc rời nơi làm việc, nếu thấy rõ các nguy cơ có thể dẫn đến sự cố mất an toàn.

Nhưng rất ít người làm được điều đó.

Bằng chứng là, ở hầu hết công trình xây dựng nhà ở riêng lẻ do các nhà thầu nhỏ thi công, ta đều có thể bắt gặp cảnh người lao động đeo dép lê, đội cái mũ lưỡi trai đứng chông chênh trên giàn giáo mà không có một dụng cụ bảo hiểm nào; hay nhoài người ra để kéo xe rùa đầy gạch treo bung biêng trên dây ròng rọc.

Trong khi đó, người làm ở đây phần lớn là lao động thời vụ nên không được trang bị kiến thức về an toàn lao động. Quần áo bảo hộ, giày, găng tay phải tự trang bị, nên việc đi dép lê và không có găng tay là bình thường.

Theo ngành chức năng, trong số nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn lao động, nguyên nhân do chủ quan của con người chiếm tới 60%.

Đáng chú ý nhất là thiết bị không bảo đảm an toàn; không có hoặc huấn luyện thiếu về an toàn cho người lao động; không trang bị đủ phương tiện bảo vệ cá nhân; vi phạm quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.

Một nữ công nhân không có đồ bảo hộ lao động tại công trình xây dựng. Ảnh: H.L

 

Theo một báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, năm 2022, trên toàn quốc đã xảy ra 7.718 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), tăng 1.214 vụ, tương ứng với 18,66% so với năm 2021; làm 7.923 người bị nạn, tăng 1.265 người, tương ứng với 18,99% so với năm 2021 (bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động).

Các vụ TNLĐ làm 754 người chết (giảm 32 người, tương ứng 4,07% so với năm 2021); 1.647 người bị thương nặng (tăng 162 người, tương ứng với 10,9% so với năm 2021).

Đối với tỉnh Kon Tum, sau năm 2021 có số vụ TNLĐ giảm (toàn tỉnh ghi nhận 1 vụ tai nạn lao động, làm 1 người chết), thì năm 2022, số vụ TNLĐ lại tăng vọt, với 7 vụ, làm 7 người bị nạn, 2 người chết, 5 người bị thương nặng. Truớc đó, số liệu thống kê cho thấy, TNLĐ trên địa bàn tỉnh đều tăng trong 3 năm 2018-2020. 

Trong quý I/2023, đã có 2 vụ tai nạn lao động gây thiệt hại về người. Một là vụ cháy rừng ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy vào sáng 7/3, làm hai nhân viên Ban trồng rừng nguyên liệu giấy Rờ Kơi (Công TNHH MTV Nguyên liệu giấy miền Nam) làm nhiệm vụ trực cháy thiệt mạng.

Một là vụ vỡ hồ xử lý nước thải số 2 nhà máy chế biến tinh bột sắn (xã Sa Bình, huyện Sa Thầy) của Công ty TNHH Tinh bột sắn Kon Tum vào ngày 5/2 làm một công nhân môi trường của nhà máy thiệt mạng.

Dù nói thế nào đi nữa, thì nguyên nhân cốt lõi dẫn đến 2 vụ việc đau lòng trên vẫn là những “lỗ hổng” trong công tác đảm bảo an toàn lao động.    

Theo phân tích của các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNLĐ, nhưng tựu trung, đều xuất phát từ việc người sử dụng lao động, người lao động vi phạm các quy định về an toàn.

Chủ sử dụng lao động thường ít coi trọng việc huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; không kiểm tra định kỳ về kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy móc có yêu cầu nghiêm ngặt; không xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn vệ sinh lao động; không trang bị phương tiện bảo hộ.

Trong khi cơ quan quản lý nhà nước có lúc, có nơi thiếu kiểm tra, giám sát; quản lý lỏng lẻo vấn đề an toàn lao động.

Báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2022,  đã phối hợp với các sở, ngành tổ chức kiểm tra tại 3 đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; đã xử phạt hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng.

Đây rõ ràng là một con số khá khiêm tốn.

Ngành chức năng cũng xác định rằng, để tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra, sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động về chính sách, pháp luật an toàn lao động. Đẩy mạnh tập huấn, huấn luyện an toàn cho người sử dụng lao động và người lao động.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt các lĩnh vực có nhiều nguy cơ xảy ra TNLĐ, sự cố nghiêm trọng, chú ý đến hoạt động xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn tại doanh nghiệp.

Cá nhân tôi cho rằng, những kiến nghị trên là đúng, nhưng chưa đủ. Để đảm bảo an toàn lao động, các doanh nghiệp cần chủ động kiểm soát phòng ngừa các yếu tố nguy hiểm, có hại tại doanh nghiệp; tổ chức huấn luyện an toàn lao động cho người lao động.

Điều rất quan trọng là bản thân người lao động phải có ý thức tự bảo vệ mình. Trong đó, tìm hiểu, nắm rõ quyền và nghĩa vụ của mình để yêu cầu người sử dụng lao động đảm bảo môi trường làm việc an toàn, giảm thiểu các nguy cơ, rủ ro gây tai nạn cho chính mình.

Sẵn sàng và kiên quyết từ chối hoặc rời nơi làm việc nếu thấy rõ các nguy cơ, sự cố mất an toàn, vệ sinh lao động để tự bảo vệ bản thân.

Như 3 người thợ chính tôi kể ở trên, khi nghỉ việc, họ sẽ chịu một số thiệt hại, ảnh hưởng đến miếng cơm manh áo hàng ngày, ít nhất là phải tìm việc mới. Nhưng vì an toàn, họ đã dám làm điều không mấy người dám làm.

Chính vì vậy, họ là những người dũng cảm! 

Hồng Lam

Chuyên mục khác