Ăn tết “sạch”

06/02/2024 06:24

Ai đó nói giờ chủ yếu chơi tết chứ không phải ăn tết như xưa. Nhưng nói là nói vậy, gì thì gì 3 ngày tết cũng phải có món này món nọ cho ra tết. Có điều, khi xu hướng “ăn tết sạch” lên ngôi, thì việc chọn thực phẩm ngày tết lại trở về như thời “xưa cũ”.

Tết xưa, những bánh chưng, giò chả, bánh mứt, nhà nhà đều tự làm. Cuộc sống khó khăn, bao món ngon đều được dồn vào tết. Có những thứ đơn giản thôi, nhưng phải chờ đến tết mới được thưởng thức. Người ta nói Tết là dịp để ăn ngon mặc đẹp là vậy.

Tết xưa, dù nghèo thế nào thì bố mẹ cũng ráng mà dành dụm để mua sắm “cho bằng chị bằng em”, với mong muốn gia đình, con cái  ăn một cái tết không to nhưng cũng không lùi xùi.

Vì vậy, Tết là những ngày tất bật ngược xuôi của mẹ. Không biết bao nhiêu lần, bố tôi nói với mẹ “thôi nhé, năm nay nhà mình ăn tết kiệm thôi, không phải chuẩn bị gì đâu, vất vả quá”.

Và năm nào mẹ cũng trả lời rằng “yên trí, năm nay có gì ăn đó”. Ấy thế mà từ đầu tháng Mười Một ta, mẹ đã bần thần tính toán chuyện tết. Đúng là nhà nghèo, muốn con cái có một cái tết tươm tất chút đỉnh không tính xa như thế không được.

Bánh chưng, bánh tét được gói bằng nguyên liệu “sạch’’. Ảnh: LH

 

Sau này, con cái đi học, đi làm, mỗi khi về tết, bà vẫn luôn tự chuẩn bị tất cả những gì mà con cháu muốn ăn và có thể sẽ muốn ăn. Dù chính bà cũng biết rằng, tụi nó chỉ mất mấy chục phút lên thị trấn mua sắm là đủ cả.

Cho nên, gà đã thả vườn từ tháng 5, lợn đã nuôi trong chuồng từ tháng 3, cá thì dạm trước chỗ mấy nhà có ao hồ ngoài bìa đồng. Trong vườn thì bà chăm bẵm đủ thứ, từ su hào, bắp cải đến xà lách, rau thơm.

Tết đến, từ “món sang” như giò chả, thịt đông, cá nướng, thịt gác bếp, bánh chưng, đến “dân dã” như mứt dừa, dưa món, bố mẹ đều lụi hụi tự làm, với nguyên liệu “tự cấp”. Mẹ còn  hướng dẫn chị cả tỉa củ cải, cà rốt, đu đủ thành hình hoa, hình trái tim cho món dưa góp thêm phần bắt mắt.

Ăn những thứ mình làm ra mới yên tâm. Chứ bây giờ mua ở chợ về cũng lo lắm đấy. Vừa nhanh hỏng, vừa thấp thỏm không biết có đảm bảo an toàn không, mất cả ngon- bà nói.

Ở trong này, nhiều cái tết đã qua, tôi chưa bao giờ phải băn khoăn về thực phẩm ăn tết. Bởi vì, nói mọi người đừng cười, tôi có anh bạn giống y chang… mẹ tôi. Anh thích làm vườn, kỹ tính trong ăn uống, lại thảo ăn.

Nhà ở nông thôn, có vườn rộng, có ao hồ, thế là anh trồng rau; nuôi lợn, gà, cá, đủ cả. Năm nào cũng vậy, chỉ cần tôi không về tết, y như rằng là anh sẽ đóng một thùng hàng thật lớn, hoặc chở xuống, hoặc gửi xe cho tôi.

Nhiều năm thành quen, thành ỷ lại. Tết đến tôi cứ đủng đỉnh, trong khi bạn bè, hàng xóm đang đôn đáo tìm thực phẩm sạch. Đến quãng 24-25 tháng Chạp yên chí ngóng chuyến xe 16 chỗ đỗ xịch trước nhà, anh lái xe gọi váng lên: Ra nhận hàng nhé.

Sau đó là thùng giấy carton nặng trịch được vần xuống trước cổng. Chưa cần mở thùng ra cũng biết trong đó là thịt, là cá, là măng, rau, củ. Toàn những thứ, như cách gọi bây giờ, là “hàng sạch”. Thứ nào cũng tươi mới, như tấm lòng thơm thảo của anh bạn vậy.

Rồi lát sau sẽ nghe tiếng anh rổn rảng qua điện thoại rằng: “Có ít thịt heo sạch, măng khô sạch, rau sạch mình gửi bạn già ăn tết nhé. Toàn những thứ của nhà làm ra, yên tâm mà dùng”.

Lẽ tất nhiên, “bạn già” là tôi đây sẽ níu kéo chút thể diện bằng việc cự nự, bày tỏ sự áy náy rằng “sao năm nào ông cũng gửi cho tôi nhiều vậy”, rằng “tốn kém quá”, rằng “tôi ngại quá, vì không có gì gửi biếu lại, không lẽ lại “chở củi về rừng”, mua chai rượu sâm dây lên biếu lại”?

Nói là nói vậy, nhưng trong bụng thì sướng rơn khi nghĩ đến cảnh đi khoe hàng xóm về số thực phẩm “sạch” và tấm lòng thơm thảo của bạn.

Bạn cười (kiểu tôi biết tỏng bụng ông rồi), rồi nói “nào có đáng kể chi. Chỗ bạn bè với nhau, làm ra được mới tặng chứ. Để ông bớt phải đi mua thực phẩm ngoài chợ, nhỡ không an toàn thì… mất tết như chơi”.

Thực phẩm ‘’sạch’’ đang “lên ngôi” trong những ngày tết. Ảnh: LH

 

Nói đến chuyện này, tôi lại thấy buồn cười khi mấy nhà hàng xóm cứ mãi ghen tị vì mỗi khi Tết đến, nhà tôi lại có thực phẩm “sạch”.

Tôi cam đoan rằng, không chỉ hàng xóm của tôi đâu, mà bất cứ ai nghe chuyện này cũng thấy “ghen tị” với tôi, và thầm càm ràm rằng “chẳng qua là ông có bạn tốt”.

Mà nói không khoa, khi nhâm nhi những thứ quà quê lại thấy “đã gì đâu”. Nhiều khi tự hỏi, mình cảm giác ngon hơn có phải vì ăn trong yên tâm, ăn mà không lo mình đang nuốt những thứ độc hại từ rau có thuốc trừ sâu, thịt lợn tiêm thuốc an thần.

Khách đến chơi nhà, được mời ăn bữa cơm ngày tết, chỉ cần nghe gia chủ nói món này sạch đấy, bạn ở quê gửi xuống cứ yên tâm mà dùng, đảm bảo ai cũng cảm thấy ngon miệng.

Ăn vậy mới ngon, mới sướng!

Cũng chính vì vậy mà tôi không để ý, hay đúng hơn là ít để ý đến chuyện thiên hạ sắm sửa, chuẩn bị thực phẩm tết như thế nào. 

Ăn tết, cũng thay đổi theo thời gian. Ai đó nói giờ chủ yếu chơi tết chứ không phải ăn tết như xưa. Nhưng nói là nói vậy, gì thì gì 3 ngày tết cũng phải có món này món nọ cho ra Tết.

Mà nói đến thực phẩm tết, chủ đạo vẫn là thịt, cá, rau củ quả.

Đừng cho rằng bây giờ thực phẩm, bánh chưng, giò chả, bánh mứt bán đầy ra đấy, không cần lỉnh kỉnh chế biến, cứ “alo” là có dịch vụ ship hàng tận nơi là “ngon”.

Đối diện với nỗi lo thực phẩm bẩn hàng ngày,  xu hướng “ăn tết sạch” lên ngôi, nhiều người quay về với Tết xưa, muốn tận tay mình chọn thực phẩm sạch để ăn tết cho an toàn.

Nhiều bà nội trợ vẫn loay hoay tìm kiếm thực phẩm tươi mới, - xanh – sạch, “đáng đồng tiền bát gạo”, thay vì chỉ tính đến chuyện tiện lợi, chạy “ù ra chợ” một tý là có đủ cái tết.        

Bởi thế cho nên, những thực phẩm gọi là “của nhà trồng được” trở nên quý giá. Mở facebook, cứ thấy trang nào quảng cáo bán đồ nhà làm, rau tự trồng, là các bà, các cô trong xóm rủ nhau đặt hàng. Dĩ nhiên cũng phải tìm hiểu, chọn lựa kỹ, bởi chợ trên mạng lắm lúc cũng thật giả khó lường.

Thậm chí có cả những hội, những nhóm kín chuyên trao đổi với nhau thông tin về nguồn cung thực phẩm sạch ngày tết, hoặc chia sẻ thực phẩm sạch của chính nhà mình.

Ngày 27 tết, mấy anh em trong xóm rủ nhau hùn tiền mua một con lợn của gia đình bà Sáu nuôi kiểu “rau bèo cám bã” chừng 20kg, về xúm xít mổ thịt chia nhau.

Rồi phân loại thịt này để làm nem, thịt kia gói bánh chưng, thịt kia hầm măng. Vừa làm lại vừa nhớ lại tết quê, nhớ góc sân gạch đã mòn vẹt lỉnh kỉnh đủ thứ đồ tết của mẹ.

Cũng thấy vui, thấy hay. Thấy ấm áp nghĩa tình!./.

Lê Hải

Chuyên mục khác