An cư lạc nghiệp ở vùng đất mới

10/01/2023 13:08

Chuyển đến huyện biên giới Ia H’Drai để sinh sống, các hộ dân di cư từ các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mang theo nhiều khát vọng xây dựng một cuộc sống mới ấm no, hạnh phúc. Dù vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhưng với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, ngành chức năng và doanh nghiệp trồng cao su ở địa phương, các hộ dân di cư đã từng bước ổn định cuộc sống, nỗ lực phát triển kinh tế gia đình và chung tay đóng góp, xây dựng cộng đồng dân cư ở vùng đất mới.

Xuất phát từ UBND xã Ia Tơi, sau khoảng 1 giờ di chuyển bằng xe máy, chúng tôi mới đến được Điểm dân cư 64- đây là điểm dân cư được hình thành cách đây vài năm nhằm bố trí, sắp xếp dân cư ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đến sinh sống.

Tuyến đường từ UBND xã Ia Tơi nối với Điểm dân cư đang được sửa chữa và nâng cấp mở rộng, các xe công trình hoạt động nhộn nhịp, nơi các dòng suối vắt ngang qua tuyến đường đã trở thành công trường với những cây cầu mới đang được xây dựng. Dù “đỏ người” vì bụi đất bám, nhưng tôi cùng cán bộ lãnh đạo UBND xã Ia Tơi đều vui mừng, vì trong thời gian tới, việc đi lại trên tuyến đường nối trung tâm xã Ia Tơi với Điểm dân cư 64 sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn.

Tôi đã vài lần đến công tác tại Điểm dân cư 64 kể từ khi điểm dân cư này được thành lập, nhưng lần trở lại thời điểm cận Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 này đã để lại trong tôi nhiều cảm xúc vui mừng khó tả. Bởi, cảnh sắc ở nơi đây đã có nhiều thay đổi, tràn đầy sức sống.

Các hộ dân ở Điểm dân cư 64 tích cực gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Ảnh: ĐT

 

Các công trình đường bê tông, hệ thống điện chiếu sáng, trường học, điểm trạm y tế xã được xây dựng khang trang. Nhiều nhà ở của các hộ dân trước đây lợp mái tôn và đóng ván gỗ nay đã thay bằng nhà cấp 4 xây dựng bằng gạch và lợp ngói kiên cố. Các cửa hàng tạp hóa, tiệm kinh doanh phục vụ các mặt hàng thiết yếu của người dân đã “mọc lên” . Việc giao thương giữa người dân trong Điểm dân cư với thôn lân cận của xã Ia Tơi và các xã thuộc huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) nằm phía bên kia dòng sông Sê San bắt đầu nhộn nhịp, sôi nổi. 

Ông Nguyễn Phú An- Chủ tịch UBND xã Ia Tơi chia sẻ, Điểm dân cư 64 được quy hoạch để đón 100 hộ dân đến định cư sinh sống. UBND xã Ia Tơi đã thành lập Tổ công tác địa bàn thường trực tại Điểm dân cư để giúp người dân di cư ổn định cuộc sống và giữ gìn an ninh trật tự. Tổ gồm 1 cán bộ là phó chủ tịch UBND xã làm tổ trưởng, các thành viên còn lại là các cán bộ Quân sự, Công an, Mặt trận và các đoàn thể của xã, cán bộ thôn. Tổ công tác có nhiệm vụ đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, triển khai các chế độ, chính sách, an sinh xã hội, nắm bắt thông tin và hỗ trợ, hướng dẫn, tiếp nhận các ý kiến, kiến nghị của các hộ dân.

Trong các đợt tiếp nhận các hộ dân đến Điểm dân cư 64 sinh sống, chính quyền địa phương đều chỉ đạo các bộ phận liên quan cùng Tổ công tác địa bàn triển khai hướng dẫn các hộ dân thực hiện các thủ tục chuyển hộ khẩu, làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tổ chức bốc thăm lựa chọn vị trí đất ở và đất sản xuất, phối hợp với doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn tiếp nhận lao động, triển khai cấp phát gạo và kinh phí được Nhà nước hỗ trợ kịp thời, theo đúng quy định.

“Mỗi hộ dân được Nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng và 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1 năm, bố trí 1.000m2 đất ở và đất trồng lúa nước cùng hỗ trợ xây nhà vệ sinh tự hoại. Ngoài ra, mỗi hộ dân còn được doanh nghiệp trồng cao su đứng chân trên địa bàn nhận làm lao động và hỗ trợ tạm ứng tiền lương với số tiền 20 triệu đồng để có kinh phí xây dựng nhà ở” - ông Nguyễn Phú An cho biết.

Chúng tôi cùng cán bộ xã Ia Tơi và thôn Ia Dơr dạo quanh Điểm dân cư 64 và cảm nhận rõ niềm vui đong đầy trong nụ cười, ánh mắt của mỗi người dân.

 Anh Liễu Hồng Thái (dân tộc Tày, quê ở tỉnh Yên Bái) cho biết, gia đình anh chuyển về Điểm dân cư 64 sinh sống từ năm 2021, trước đây gia đình anh sinh sống ở thôn 1 (xã Ia Dom, huyện Ia H’Drai) và là công nhân cạo mủ cao su. Đến nơi ở mới, anh Thái và vợ của anh- chị Nguyễn Thị Lan được tiếp tục tạo điều kiện làm công nhân cạo mủ cao su cho 1 doanh nghiệp đứng chân trên địa bàn với mức lương mỗi tháng từ 7-8 triệu đồng/người. Hai con của vợ chồng anh chị được hỗ trợ nhập học tại điểm trường Mầm Non Hoa Mai và điểm trường Tiểu học-Trung học cơ sở Nguyễn Tất Thành nằm trong Điểm dân cư 64. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước và doanh nghiệp, vợ chồng anh chị còn nỗ lực lao động sản xuất, tiết kiệm và vay mượn thêm từ người thân để có tiền xây dựng nhà ở mới.

“Tôi đang xây dựng nhà cấp 4, có tổng diện tích sử dụng 100m2, gồm 1 phòng khách, 2 phòng ngủ và 1 phòng bếp. Hiện tại, căn nhà sắp hoàn thành việc xây dựng, chỉ còn phần sân và cổng, tường rào phía trước. Tôi và các thợ xây đang cố gắng làm cho xong để kịp đón Tết” - anh Thái phấn khởi nói.

Cách nhà vợ chồng anh Thái chị Lan không xa là nhà của anh Nguyễn Văn Ninh (sinh năm 2001). Anh Ninh cùng cha, mẹ và anh chị em của mình trước đây sinh sống trong một thời gian dài ở thôn 4 (thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy). Khi biết Nhà nước có chủ trương vận động người dân đến định cư ở huyện Ia H’Drai, anh Ninh cùng gia đình của mình đã đăng ký. Hiện tại, cha và mẹ của anh Ninh đang định cư ở thôn 3 (xã Ia Dom). Tại Điểm dân cư 64, anh Ninh sống cùng em trai, em gái và cháu gái.

Vườn rau xanh tốt của gia đình anh Nguyễn Văn Ninh. Ảnh: ĐT

 

Với sự hỗ trợ của Nhà nước và sức trẻ của bản thân, anh Ninh đã dựng được 1 căn nhà mái tôn, đóng ván gỗ rộng hơn 80m2 và trồng được vườn rau rộng 60m2. Những giàn bầu, giàn bí, luống rau xanh tốt giúp anh Ninh có thêm thực phẩm để cung cấp cho bữa ăn mỗi ngày, đồng thời tạo nên cảnh quan tươi mát và trong lành.

“Sắp tới, tôi sẽ đào ao nuôi cá ở diện tích đất trồng lúa được Nhà nước cấp và mở 1 quán kinh doanh dịch vụ ăn uống nhỏ để có thêm nguồn thu nhập” - anh Ninh cho hay.

Ông Mạc Văn Toại- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Ia Dơr chia sẻ, lãnh đạo tỉnh, huyện và các xã thường xuyên đến Điểm dân cư 64 để thăm hỏi, tặng quà cho các hộ dân. Đến nay, doanh nghiệp trồng cao su đứng chân trên địa bàn đang tạo điều kiện, chưa trừ tiền lương hàng tháng đối với khoản tiền cho các hộ dân tạm ứng 20 triệu đồng để xây dựng nhà ở. Đây là sự quan tâm, động viên tinh thần rất lớn, giúp các hộ dân yên tâm lao động sản xuất để sớm ổn định đời sống.

Các hộ dân ở Điểm dân cư 64  đã phát huy truyền thống đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ nhau trong cuộc sống hàng ngày và động viên nhau tích cực tham gia gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc. Vừa qua, tại Hội thi cồng chiêng, xoang các DTTS tỉnh lần thứ I, năm 2022, Điểm dân cư 64 có 36 nghệ nhân, diễn viên là người Hà Lăng (Xơ Đăng) tham gia Đoàn nghệ nhân của huyện Ia H’Drai.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai Nguyễn Tiến Dũng cho biết, đến nay, UBND huyện Ia H’Drai đã phối hợp với các đơn vị, địa phương bố trí, sắp xếp 80 hộ dân với hơn 210 nhân khẩu vào Điểm dân cư 64, đạt tỷ lệ 81% theo kế hoạch. Các hộ dân đến từ các xã Ia Dom, Ia Đal của huyện Ia H’Drai và các huyện Sa Thầy, Kon Rẫy, Tu Mơ Rông, thành phố Kon Tum.

Hiện nay, UBND huyện Ia H’Drai đang tiếp tục phối hợp với các địa phương tăng cường công tác vận động, tuyên truyền để nhân dân trong và ngoài huyện biết, đăng ký di dân; tổ chức các đợt đưa người dân, ưu tiên các hộ đồng bào DTTS có nhu cầu di dân đến tham quan Điểm dân cư 64; phối hợp theo dõi tình hình ký hợp đồng, thực hiện các chế độ, chính sách cho người lao động là nhân khẩu thuộc các hộ di dân. Qua đó, triển khai thực hiện bố trí, sắp xếp dân cư theo đúng quy định, đảm bảo chỉ tiêu kế hoạch đề ra và ổn định đời sống cho các hộ dân./.

Đức Thành

Chuyên mục khác