“Âm vang Măng Đen” với giai điệu cồng chiêng

08/04/2019 13:01

Với chủ đề “Âm vang Măng Đen”, đêm giao lưu cồng chiêng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông (trong khuôn khổ Tuần Văn hóa-Du lịch Kon Plông lần VI năm 2019) thu hút hơn 300 nghệ nhân đến từ 9 xã của huyện cùng múa xoang, đánh cồng chiêng, tái hiện đời sống sinh hoạt văn hóa cộng đồng của đồng bào các dân tộc thiểu số đã tồn tại từ rất lâu đời giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ.

Đến với đêm giao lưu cồng chiêng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Kon Plông năm nay, đoàn nghệ nhân của 9 xã trong huyện đã thể hiện tài nghệ đánh cồng chiêng, múa xoang của dân tộc mình hết sức đặc sắc và độc đáo, nhất là những bài chiêng xoang trong các lễ hội mừng lúa mới, cúng máng nước, lễ đâm trâu…

Khi màn đêm bắt đầu buông xuống, phía khán đài được dựng ở Trung tâm huyện Kon Plông lung linh ánh điện với những sắc màu rực rỡ. Sau lời khai mạc đêm giao lưu cồng chiêng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện của Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch huyện, tiếng cồng chiêng của 9 đoàn nghệ nhân liên tục tiếp nối âm vang, tạo nên bầu không khí đêm hội thêm phần rộn rã.

Một tiết mục múa xoang trong đêm giao lưu cồng chiêng huyện Kon Plông

 

Ông Đặng Đình Toán - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Kon Plông giới thiệu, đầu tiên là tiết mục cồng chiêng lễ mừng lúa mới của dân tộc Hrê. Đi kèm với nhịp điệu chiêng xoang vui nhộn, các cô gái Hrê dịu dàng, uyển chuyển với các điệu múa “Mơ nê Giang” (có nghĩa là cảm tạ thần linh đã thương yêu, che chở cho dân làng có được sức khỏe, bình an trong cuộc sống; vụ mùa được tốt tươi, thóc lúa đầy bồ), “Vùi mao niêu” (có nghĩa là vui lúa mới đầy kho), “Vùi Phễ mao” (có nghĩa là vui giã gạo bên ánh lửa), “Pế ố carõh xiêm” (có nghĩa là cùng nhau chúc tụng).

Nghe ý nghĩa của bài chiêng xoang: “Mừng mùa lúa mới/Trên cao nguyên vang rộn tiếng ca/Lúa về mùi ngát hương/Mừng một mùa lúa đầy”… và được ngắm nhìn hình ảnh khỏe khoắn của các cô gái Hrê biểu diễn động tác gánh những bao lúa đầy vào kho, khiến người nghe, người xem cảm nhận rất rõ không khí rộn ràng của ngày mùa và niềm vui của bà con dân làng khi được đón nhận những thành quả trong lao động sản xuất.

Với “Vùi Phễ mao”, các cô gái tái hiện cảnh lấy những hạt lúa mới thơm lừng và cùng nhau quây quần bên ánh lửa, vừa cười vừa nói chuyện hòa nhịp với tiếng chày khua và ê a câu hát: “Có phải em thiếu nữ Hrê/làm bao chàng trai trộm ánh nhìn/Bởi lửa ấm hay trái tim anh ấm/Khi thấy em nụ cười duyên thắm…”.

Cuối cùng với vũ điệu “Pế ố carõh xiêm”, các cô gái Hrê trong vòng tay uyển chuyển cùng với tiếng cồng chiêng rộn ràng tận hưởng men nồng của rượu cần, mùi thơm từ lúa mới với câu hát ngân nga mời gọi: “Hãy lắng nghe tiếng chiêng có tiếng đồng, tiếng bạc! Tiếng chiêng ngân lên khiến con sóc quên đào hang, khiến con vượn quên đu cây, rắn hổ mang quên trườn dài khỏi mảnh đất, hươu nai đứng sững sờ quên nhoài đầu ăn cỏ, cho trai tài ngồi ngẩn, gái sắc ngồi ngơ... Hãy một lần hòa nhịp cùng vũ điệu cồng chiêng của người Hrê, bất luận du khách gần xa, nam hay nữ, trẻ hay già…”.

Còn người Mơ Nâm (Xơ Đăng) ở xã Đăk Long (huyện Kon Plông) thì mang đến đêm giao lưu với điệu cồng chiêng lễ hội mừng nhà mới. Người Mơ Nâm xưa kia quan niệm rằng, muốn làm một căn nhà tranh đủ cho ba đến bốn thế hệ cùng ở, thì phải tốn rất nhiều thời gian và công sức. Ít nhất sau 3 tháng vất vả chuẩn bị đầy đủ vật liệu, với tinh thần đoàn kết và tình làng nghĩa xóm sum vầy, căn nhà mới hoàn thành.

Chị Y Lim - nghệ nhân múa xoang và đánh cồng chiêng ở xã Đăk Long tạm dịch ý nghĩa của bài chiêng xoang ra tiếng phổ thông để chúng tôi dễ hình dung, dễ hiểu hơn: “Bây giờ ăn rồi, uống rồi, mấy đứa con trai lấy cồng chiêng ra đánh, mấy đứa con gái chuẩn bị nối vòng xoang. Nổi chiêng lên, nổi chiêng lên…”.

Buổi biểu diễn cồng chiêng, múa xoang mừng lễ hội nhà mới còn tái hiện cảnh già làng thực hiện nghi lễ cúng Yàng phù hộ cho gia chủ có được cuộc sống bình an trong ngôi nhà mới. Và sau nghi lễ cúng Yàng, chủ nhà sẽ mời bà con dân làng cùng ăn, cùng uống, cùng chung vui với niềm vui có nhà mới…

Chứng kiến các tiết mục biểu diễn cồng chiêng của các đội cồng chiêng, đông đảo người dân trên địa bàn huyện Kon Plông và du khách tham quan như cũng muốn hòa mình vào nhịp điệu cồng chiêng, vào không gian lễ hội.

Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, Phó ban trực Ban tổ chức Tuần Văn hóa - Du lịch huyện Kon Plông lần thứ VI năm 2019 cho biết: Đêm giao lưu cồng chiêng các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện là dịp để các nghệ nhân tăng cường sự đoàn kết, hiểu biết, giúp đỡ lẫn nhau, đồng thời tôn vinh các giá trị đặc sắc của không gian văn hóa cồng chiêng. Thông qua hoạt động này nhằm động viên, khích lệ thế hệ trẻ cùng với nhân dân trong huyện chung tay duy trì, phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Và đây cũng là dịp để Kon Plông quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện đến với bạn bè, du khách gần xa, mở rộng cơ hội mời gọi và đón nhận đầu tư, liên kết phát triển kinh tế, văn hóa, du lịch theo Nghị quyết số 02-NQ/HU ngày 19/4/2016 của Huyện ủy Kon Plông về đẩy mạnh phát triển vùng du lịch sinh thái Măng Đen đến năm 2025.

Với ý nghĩa ấy, hàng năm, giao lưu cồng chiêng được huyện Kon Plông duy trì tổ chức, coi đây là một trong những nét văn hóa truyền thống của vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa và du lịch.

            Bài và ảnh: Vĩnh Hà

 

Chuyên mục khác