Ấm tình biên cương

10/01/2023 06:20

Những tình cảm, việc làm mà Bộ đội Biên phòng tỉnh dành cho đồng bào DTTS trên khu vực biên giới đã giúp cho nhiều hộ gia đình người DTTS thoát nghèo bền vững, để lại hình ảnh đẹp đẽ trong lòng nhân dân, làm ấm thêm tình quân dân trên những nẻo đường biên cương Tổ quốc.

Từ ngã ba Đăk Môn vào đến thôn Đăk Ak (xã Đăk Long, huyện Đăk Glei) chỉ hơn 10 cây số, nhưng chúng tôi phải “đánh vật” cả nửa giờ đồng hồ mới đến nơi, bởi con đường huyết mạch vào Đồn Biên phòng Đăk Long đã xuống cấp, hư hỏng với những “ổ khủng long” và nhiều đoạn lở loét, gồ ghề rất khó đi.

Xã Đăk Long có 1.320 hộ gia đình với hơn 6.100 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Giẻ Triêng và Hà Lăng, sống quần cư tại 9 thôn, trong đó tỷ lệ hộ nghèo chiếm khoảng 26% tổng số hộ. Riêng thôn Đăk Ak có 360 hộ gia đình, trong đó có 35 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bờ Y thăm gia đình cháu Y Uyên. Ảnh: ĐN

 

Để góp phần giúp các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống, từ năm 2017 thực hiện chủ trương của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai mô hình “Phân công sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp là người DTTS kết nghĩa giúp đỡ các hộ gia đình người DTTS nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên khu vực biên giới”, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn Biên phòng Đăk Long đã rà soát, chọn được 85 hộ gia đình thuộc diện nghèo và phân công 22 đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ. Đồng thời, chọn gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để tổ chức cán bộ, đảng viên biên phòng kết nghĩa anh em, hướng dẫn họ cách làm ăn, thay đổi nhận thức trong phát triển kinh tế gia đình, tạo cơ hội cho họ vươn lên thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.

Qua rà soát, trong thôn Đăk Ak có gia đình A Biên - dân tộc Hà Lăng thuộc diện nghèo nhất. A Biên có 6 người con, do chưa có cách thức sản xuất hiệu quả nên làm quần quật cả năm mà vẫn không đủ ăn. A Biên phải đi làm thêm những việc khác bên ngoài, nhưng nghèo vẫn cứ nghèo.

Bởi vậy, Đảng ủy, Ban chỉ huy Đồn Đăk Long đã phân công Đại úy Xiêng Văn Bức- đảng viên, nhân viên Đội vận động quần chúng kết nghĩa với gia đình A Biên, nhằm vận động, hướng dẫn, giúp đỡ A Biên thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế gia đình.

Cứ vài ngày, Đại úy Xiêng Văn Bức lại về với gia đình “người anh em của mình” thực hiện “4 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc) để vận động, hướng dẫn A Biên cách chăm sóc, tỉa cành, bón phân; cách phòng, trừ các loại sâu, bệnh... trên cây cà phê; cách làm cỏ, xới gốc để cây mì cho năng suất cao. Ngoài hướng dẫn trên tài liệu, sách báo, Xiêng Văn Bức còn trực tiếp đến rẫy cà phê, cùng tỉa cành, vun gốc, bón phân, tưới nước cho cây với gia đình A Biên.

Nhờ BĐBP hướng dẫn cách chăm sóc cây cà phê, vụ mùa năm 2022 A Biên thu hoạch cà phê đạt sản lượng cao. Ảnh: ĐN

 

“Mưa dầm thấm lâu”, cứ như thế, dần dà, A Biên thay đổi được nhận thức trong việc phát triển kinh tế gia đình bằng lao động sản xuất, thuần thục các công việc chăm sóc cây trồng theo phương pháp khoa học, đạt hiệu quả cao nhất. Từ hơn 1ha cà phê cằn cỗi (do bỏ bê không chăm sóc), chỉ sau hai năm được bộ đội biên phòng “4 cùng” giúp đỡ, vườn cà phê của A Biên tươi tốt, năm nào cũng cho năng suất cao. Vụ cà phê năm 2021, A Biên thu hoạch trên 13 tấn tươi/ha. Năm nay, cà phê đang thu hoạch dở dang, nhưng A Biên áng chừng năng suất hơn năm 2021, bởi cây nào cũng trĩu quả.

Đại úy Xiêng Văn Bức đưa tôi đến nhà A Biên nằm trên con đường nhỏ giữa thôn. Trong nắng sớm, những hạt cà phê căng tròn đang được A Biên phơi giữa sân. A Biên hớn hở khoe: “Đây là số cà phê mới hái bói mà được ngần này, năm nay, chắc chắn khi thu hoạch xong sản lượng phải cao hơn năm ngoái.”

Qua trò chuyện, A Biên tâm sự: Trước đây, nhà A Biên nghèo lắm, thuộc diện đặc biệt khó khăn, không đủ nuôi 8 miệng ăn trong gia đình. Từ ngày được kết nghĩa anh em với Xiêng Văn Bức, A Biên đã hiểu ra nhiều điều, nhất là chuyện thay đổi cách thức sản xuất, phát triển kinh tế gia đình, ăn ở hợp vệ sinh, biết tính toán trong chi tiêu hàng ngày... nên vài năm trở lại đây, ngoài 1ha cà phê được chăm sóc tươi tốt, A Biên còn trồng 2ha mì, một ít ruộng lúa, mỗi năm thu nhập được từ 40-50 triệu đồng, đủ trang trải sinh hoạt trong gia đình. Hiện, gia đình A Biên đã thoát được nghèo. Trong thời gian tới, A Biên còn dự định vay vốn từ tín dụng ưu đãi để mở rộng sản xuất, chăn nuôi.

Ngược về Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y (huyện Ngọc Hồi), chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện cảm động về “tình anh em” giữa người lính biên phòng với những người dân đang sinh sống nơi miền biên cương Tổ quốc.

Ngoài duy trì việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, kết nghĩa giúp các hộ gia đình thuộc diện nghèo trong xã Pờ Y có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững, như hộ anh A Thiên (dân tộc Brâu, thôn Kon Khôn), Vũ Văn Duy (dân tộc Kinh, thôn Măng Tôn), Lương Thanh Nghị (dân tộc Mường, thôn Đăk Mế), cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Bờ Y còn nhận cháu Y Uyên (dân tộc Brâu, thôn Đăk Mế) có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn làm “con nuôi Đồn Biên phòng” với chi phí cố định mỗi tháng 1,5 triệu đồng để giúp cháu có điều kiện học tập và vươn lên trong cuộc sống. Mới đây, Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Bờ Y còn mua tặng cháu Y Uyên một con bò sinh sản (trị giá 20 triệu đồng) để giúp cháu có nguồn lợi sinh lời, trang trải việc học hành trong tương lai.

Cháu Y Uyên (hiện đang là học sinh lớp 8B4, Trường THCS Pờ Y) tâm sự: Từ ngày cháu được các chú biên phòng nhận làm con nuôi, cháu cảm thấy vui và hạnh phúc lắm. Ngoài việc các chú biên phòng luân phiên đến thăm hỏi, động viên cháu học tập, thì có chú Nghĩa (đại úy Đào Đại Nghĩa)là người trực tiếp giúp đỡ, động viên, hướng dẫn cháu trong học tập và dạy bảo cháu rất nhiều điều tốt nữa như người cha ruột của mình.

Từ năm 2017 đến nay, các đồn biên phòng trên địa bàn tỉnh đã phân công 46 cán bộ, đảng viên người DTTS kết nghĩa với 42 hộ gia đình DTTS nghèo ở các thôn, làng của 13 xã biên giới; phân công 288 đảng viên phụ trách 968 hộ gia đình để nắm bắt tâm tư, tình cảm của đồng bào, kịp thời động viên, hướng dẫn họ cách phát triển kinh tế gia đình và thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước và tiến hành nuôi dưỡng 14 cháu học sinh là “con nuôi Đồn Biên phòng” ở hầu hết các xã biên giới.

Những tình cảm, việc làm mà Bộ đội Biên phòng tỉnh dành cho đồng bào khu vực biên giới nhiều, khó kể hết. Những việc làm đó, với mong muốn giúp mọi người dân, nhất là người DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững để lại hình ảnh đẹp đẽ trong lòng nhân dân; đồng thời góp phần quan trọng trong việc xây dựng thế trận biên phòng lòng dân vững chắc ở miền biên cương Tổ quốc.

Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác