Ấm áp vòng tay mẹ

12/05/2019 17:29

“Mẹ là xương cột sống của tôi, giúp tôi luôn sống ngay thẳng và chân thành. Mẹ là máu nóng trong tôi, giúp tôi luôn mạnh mẽ và đầy sức sống. Mẹ là nhịp đập trái tim tôi. Tôi không thể tưởng tượng được cuộc đời tôi sẽ ra sao nếu thiếu mẹ…”. Tôi không nhớ, đã từng đọc những câu nói này ở đâu, nhưng cứ mỗi lần nghĩ về mẹ, nó luôn văng vẳng, nhắc tôi không được phép quên những gì mà mẹ đã trao cho tôi trong cuộc đời này.

Cứ vào ngày Chủ nhật thứ hai của tháng 5 hằng năm, mọi người trên thế giới đều mong muốn gửi tình yêu thương, lòng biết ơn đến mẹ của mình. Ngày dành cho những người mẹ hay còn được biết đến là ngày Hiền Mẫu năm nay rơi vào ngày 12/5.

Nhớ lại những ngày thơ bé, cứ trước ngày Hiền Mẫu khoảng 2, 3 tuần, chị em chúng tôi lại đánh dấu lên tất cả các cuốn lịch trong nhà, để tự nhắc mình không được phép quên.

Vào ngày này, 2 chị em tôi phân chia các công việc nội trợ, đứa lau nhà, đứa rửa bát,… để mẹ có thời gian nghỉ ngơi. Tuy nhiên, dù kế hoạch là thế, đa phần mọi việc đều đến tay mẹ tôi. Mẹ chỉ chừa lại cho chị em tôi một số ít các việc lặt vặt, chủ yếu để chúng tôi vừa làm vừa nghịch. Đến giờ, tôi vẫn chưa hề quên tiếng gọi của mẹ vọng từ dưới nhà vào những ngày này: “Hai đứa phá xong chưa, xuống đây ăn cơm nào!”. Ngẫm lại mới cảm thấy, đúng là chúng tôi luôn phá phách, nghịch ngợm nhiều hơn làm thật.

Lớn hơn một chút, chúng tôi đã có thể phụ giúp cho mẹ nhiều hơn. Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi cũng bắt đầu nhận ra, công việc của mẹ không hề đơn giản một chút nào, không chỉ gói gọn trong vài ba việc nội trợ, nấu những bữa cơm ngon cho gia đình. Mẹ phải phân chia thời gian để vừa cân bằng được vai trò của mình bên ngoài xã hội, vừa là một người mẹ, người vợ trong gia đình.

Tôi vẫn nhớ như in, mẹ thường dậy từ lúc 4h sáng để có thể kịp đi chợ và nấu ăn sáng cho cả nhà. Mẹ vẫn thường nói: “Ăn sáng ở nhà cho an toàn, ra ngoài vừa tốn kém vừa không hợp vệ sinh, chịu khó một chút nhưng đảm bảo sức khỏe vẫn hơn…”.

Ngày đó, mẹ tôi là một thu ngân tại quầy, vậy nên buổi trưa là thời gian bận rộn nhất. Mỗi lần tan ca buổi sáng, mẹ tôi lại “chân trước đạp chân sau”, vừa loay hoay lo bữa trưa cho gia đình, vừa thức xuyên trưa phân chia hóa đơn cho khách hàng chiều nộp cơ quan. Bận rộn là thế nhưng chưa một lần tôi thấy mẹ buông một lời than vãn.

Sau cả ngày dài “chạy xô”, thì buổi tối của mẹ là khoảng thời gian thảnh thơi nhất. Nhưng thay vì nghỉ ngơi, mẹ lại dành hết thời gian của mình cho gia đình, đặc biệt là cho hai chị em chúng tôi.

Trong gia đình chúng tôi, nếu bố là người luôn lo toan chu toàn những việc lớn, bé trong nhà, thì mẹ lại là người luôn sâu sát, quan tâm và bảo bọc chúng tôi. Trong vòng tay của mẹ, chúng tôi được học về cách ứng xử, cách sống và cả cách làm người. Mẹ dạy chúng tôi phải biết yêu bản thân, yêu thiên nhiên và yêu con người, cuộc sống. Mẹ dạy chúng tôi phải luôn ngay thẳng, tự tin và ngẩng cao đầu trong mọi lúc, dù là thành công hay thất bại. Mẹ là người trang bị cho chúng tôi những hành trang cần thiết, để có thể bước đi trên cuộc hành trình của riêng mình…

 Rồi cứ như vậy, tôi ngày càng trưởng thành, trong khi màu tóc mẹ đang dần bạc đi. Nhìn mẹ, tôi bắt đầu cảm thấy… sợ, tôi sợ thời gian, sợ năm mới và sợ cả những ngày tháng đang dần trôi qua. Nhưng đây cũng chính là những quy luật tất yếu, mà rồi ai cũng sẽ phải trải qua.

Khoảng thời gian tôi xa nhà 4 năm để đi học tại Đà Nẵng, cũng là lúc mà tôi ý thức rõ nhất, cảm giác thật sự xa mẹ, xa gia đình là như thế nào. Đó là những đêm tôi lang thang một mình trên những cây cầu của Đà Nẵng chỉ để đếm ngược những ngày tới lễ được trở về. Là những buổi trưa, tôi ngồi nhấm nháp cơm hộp, nhưng trong đầu lại nghĩ về những bữa cơm gia đình do chính tay mẹ nấu. Là những lần ngồi “buôn” chuyện điện thoại với mẹ nguyên cả buổi, nhưng vẫn chưa hề muốn cúp máy… Vì vậy, cứ vào những dịp lễ, tôi luôn tranh thủ sắp xếp công việc của mình, để dù ít hay nhiều, có thể về gặp mẹ, gặp tất cả mọi người trong gia đình.

Sau khi hoàn thành 4 năm học ở Đà Nẵng, tôi đã quyết định trở về mảnh đất Kon Tum để sinh sống và làm việc. Một phần, bởi mảnh đất này là nơi “chôn nhau cắt rốn”, nhưng lý do lớn nhất là bởi, nơi đây tôi có gia đình. Ở đó, có mẹ chờ tôi trở về sau mỗi chuyến đi, nấu cho tôi những bữa ăn ngon, ấm áp tình thương và là chỗ dựa tinh thần mỗi khi tôi mệt mỏi. Nhờ vậy, tôi có thể vững bước trên chặng đường mà tôi đã chọn. Để rồi dẫu chặng đường đó, có vấp ngã, có chông gai, sẽ luôn có một người bên cạnh, dõi theo từng bước tôi đi.

Tất Thành

Chuyên mục khác