Ấm áp tình thương

02/10/2017 13:00

Bằng tình yêu thương và sự nhiệt tình, trong những năm qua, đội ngũ cán bộ, nhân viên Trung tâm Bảo trợ và công tác xã hội tỉnh đã không ngừng nỗ lực chăm lo đời sống cho các em mồ côi, khuyết tật, người già cô đơn không nơi nương tựa. Trung tâm trở thành mái nhà chung, chứa chan tình cảm yêu thương cho những mảnh đời bất hạnh.

Ấn tượng đầu tiên với chúng tôi khi bước vào Trung tâm là khung cảnh những đứa trẻ vui cười, nô đùa trước sân, chơi trò “ô ăn quan” và “nhảy lò cò” - những trò chơi hồn nhiên của tuổi thơ ít có dịp trông thấy đối với trẻ em ở thành phố.

Các em rất lịch sự, lễ phép chào hỏi chúng tôi. Có lẽ từ nhỏ sống tại Trung tâm, các em được “các cha, mẹ nuôi” ở đây dạy dỗ cẩn thận như cha mẹ ruột của mình vậy. Điều đó nói lên tấm lòng nhân hậu, sẻ chia, ấm áp tình người của các anh chị ở Trung tâm đối với những mảnh đời bất hạnh như các em.

Trẻ mồ côi ở Trung tâm chơi trò Ô ăn quan. Ảnh: Q.Đ

 

Dạo một vòng qua các khu nhà ở của những người già cô đơn, trẻ em mồ côi, trẻ em khuyết tật, trò chuyện với một số người, chúng tôi đều nhận thấy được những tình cảm của mọi người đối với các cán bộ nhân viên của Trung tâm. Họ đều cho rằng tất cả các cán bộ nhân viên của Trung tâm đã thực hiện tốt tinh thần, trách nhiệm và lòng nhân ái của mình để mang hơi ấm tình người cho những mảnh đời bất hạnh được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây.

Ông Hắc Mang Đia (65 tuổi, xã Đăk Cấm, thành phố Kon Tum, người già cô đơn không nơi nương tựa) cho hay: Cán bộ nhân viên ở đây rất tốt. Họ chăm sóc chúng tôi rất tận tình, chu đáo. Chế độ ăn uống đầy đủ, đúng giờ. Mỗi khi trái gió trở trời, đau ốm, họ đưa lên bệnh viện để chữa trị. Những người già cô đơn chúng tôi vô cùng biết ơn.

Có lẽ không có gia đình nào lớn và đông con như đại gia đình của các em bé mồ côi. Mỗi bữa cơm nơi đây đều là bữa cơm hạnh phúc; bởi lẽ, mâm cơm tuy không dồi dào về đồ ăn, thức uống nhưng luôn tràn đầy tình yêu thương, sự ấm áp của tình người.

Chị Phạm Thị Thoa, nhân viên nấu ăn cho biết: Hiện nay, “ngôi nhà chung” đang nuôi dưỡng 85 trẻ em mồ côi, 66 trẻ em khuyết tật và 12 người già neo đơn. Hàng ngày, thực đơn bữa ăn đều được đổi món, đảm bảo đủ chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm cho mỗi loại đối tượng.

Đối với trẻ mồ côi, trong “ngôi nhà chung” này, các em không chỉ được nuôi dưỡng bằng những bữa cơm, tấm áo, mà còn được nuôi dưỡng cả về tri thức, kỹ năng sống. Tất cả đều được đi học theo đúng độ tuổi quy định. Đối với các em là học sinh tiểu học, Trung tâm thuê xe đưa đón đến trường. Còn các em THCS, THPT thì Trung tâm mua cho 2 em một chiếc xe đạp để tự đi học.

Ông Lâm Quốc Hùng - Phó giám đốc Trung tâm cho biết: Dịp hè, tùy từng độ tuổi nhất định, các em sẽ được học nghề làm khung ảnh, khung bằng khen, thêu tranh chữ thập, học sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh… do chính cán bộ Trung tâm hướng dẫn. Các sản phẩm làm ra được một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở thành phố Kon Tum nhận bao tiêu sản phẩm. Số tiền tích lũy được có ý nghĩa rất lớn vào những dịp lễ, Tết, các em sẽ có những món quà, những bộ quần áo mới. Những khoản thu nhỏ mang về là bài học thực tế trong cuộc sống, giúp các em hiểu thêm giá trị của đồng tiền, rèn luyện tính cần cù, kiên nhẫn.

Nếu Trung tâm là ngôi nhà mang lại tình yêu thương cho trẻ mồ côi thì đối với trẻ em khuyết tật, đây lại là ngôi trường đặc biệt. Bởi lẽ, hiện nay, Trung tâm đang mở 7 lớp học chuyên biệt cho 66 trẻ khuyết tật.

Chị Đặng Thị Bích Hường, cán bộ Trung tâm cho biết: Mỗi em là một số phận đầy bất hạnh, các em phải đối mặt với tật nguyền, với những mặc cảm về số phận. Thế nhưng, từ sự dạy bảo của các thầy cô, các em đều miệt mài học tập, khát khao về một tương lai tốt đẹp.

Em A Sơn (dân tộc Xê Đăng, bị thiểu năng trí tuệ) bộc bạch: Kỳ nghỉ hè vừa qua, em không về làng. Em ở lại với các bạn và cô giáo. Em hứa sẽ học thật tốt để không làm cho cô giáo buồn lòng!

Vừa viết xong dòng chữ mang tên mình, em Trần Trung Đức (khuyết tật khiếm thị nên em phải học chữ qua tấm bảng chữ nổi) khoe với chúng tôi: Con đã biết chữ rồi đó cô chú ạ. Con sẽ cố gắng viết giỏi hơn nữa để sau này hướng dẫn cho các bạn khác bị khiếm thị như con biết viết chữ!

Theo cô giáo Trần Thị Quyên, học sinh ở đây tiếp thu rất chậm, không những thế, một số học sinh thiểu năng vận động, việc đi lại cũng hết sức khó khăn. Các cô giáo ở đây phải chăm lo từ miếng ăn, giấc ngủ, tắm rửa, tiểu tiện. Các em đều đang trong độ tuổi học sinh, tâm sinh lý lứa tuổi của các em hoàn toàn khác nhau, việc dạy chữ gặp rất nhiều khó khăn.

“Nếu chúng tôi làm việc vì đồng lương mà không có sự tận tâm, yêu nghề, chắc có lẽ không ai bám trụ được lâu dài tại đây!” - cô Quyên tâm sự.

Nhân viên Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật.. Ảnh: Q.Đ

 

Việc dạy chữ cho các em khuyết tật nơi đây gặp muôn vàn khó khăn nên mỗi thầy cô giáo có cách dạy riêng. Học sinh tiếp thu được đến đâu thì dạy đến đó, có khi phải 2-3 năm học các em mới học hết chương trình của một lớp. Khó khăn càng nhiều thì nỗ lực của các cô giáo càng lớn, họ chưa bao giờ thỏa hiệp với gian nan, vất vả.

Chị Phạm Thị Lan - Giám đốc Trung tâm cho biết: Bên cạnh việc chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng, Trung tâm còn quan tâm định hướng nghề nghiệp cho các em mồ côi, tạo dựng một hướng đi bền vững để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội. Trung tâm luôn duy trì và thực hiện tốt công tác phục hồi chức năng toàn diện cho trẻ khuyết tật. Đối với trẻ mồ côi, khi đủ 18 tuổi, các em sẽ được đi học nghề và hỗ trợ việc làm phù hợp tại địa phương. Em nào học giỏi, đậu các trường cao đẳng, đại học thì Trung tâm tiếp tục hỗ trợ học phí hoàn toàn”.

                                                                                  Quang Định

Chuyên mục khác