Ấm áp hai tiếng quê hương

26/01/2022 13:23

Thêm một năm dịch Covid-19 làm đảo lộn cuộc sống của nhiều người và nhiều gia đình, đặc biệt là đối với những lao động xa quê. Những người rời quê hương đi làm ăn xa, xây dựng cuộc sống bỗng nhiên phải oằn mình trụ lại vùng dịch… Tuy nhiên, sau tất cả những khó khăn, thử thách đó, điều còn đọng lại chính là sự đùm bọc lẫn nhau của cả cộng đồng, những quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và đặc biệt là hai tiếng “quê hương” ấm áp tình người.

Nghĩa tình trong đại dịch

Trong năm 2021, các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh đã bùng dịch trên diện rộng với số lượng lớn các ca lây nhiễm trong cộng đồng; kéo theo đó là cuộc sống lao đao của những lao động xa quê.

Anh Nguyễn Văn Hoàng (phường Ngô Mây, thành phố Kon Tum)  làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh trải lòng: Đầu năm 2021, cứ ngỡ dịch bệnh đã qua, tôi cùng một vài người bạn quyết định vào Thành phố Hồ Chí Minh tìm việc làm, kiếm nguồn thu nhập gửi về cho gia đình. Tuy nhiên, tiền thì chưa thấy đâu, dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại và ngày càng phức tạp. Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách nghiêm ngặt để ngăn chặn nguồn lây, kéo giảm các ca F0; vậy là chúng tôi mắc kẹt lại tại đây. Cuộc sống xa quê hương vốn đã vất vả nay lại càng chồng chất khó khăn. Từ những trụ cột, đi làm ăn xa để giúp gia đình trang trải cuộc sống, chúng tôi lại trở thành nỗi lo canh cánh trong lòng của mọi người tại quê nhà.

Vất vả là thế, nhưng những người con phố núi Kon Tum ở nơi đất khách vẫn luôn giữ được sự đoàn kết, quan tâm lẫn nhau. Cùng với sự hỗ trợ của chính quyền, sự giúp đỡ từ cộng đồng địa phương tại chỗ qua những bữa cơm không đồng, những căn nhà trọ không thu phí, những phần nhu yếu phẩm…, mọi người sẻ chia, giúp nhau từng bước vượt qua những ngày khó khăn nhất trong đại dịch.

“Tại Thành phố Hồ Chí Minh, những người lao động cùng quê, thường thuê chung khu vực trọ. Chính vì thế mà trong suốt thời gian chống chọi đại dịch, chúng tôi luôn gần gũi đùm bọc lẫn nhau. Chưa bao giờ hai tiếng “đồng hương” lại ấm áp và trân quý đến thế. Chúng tôi san sẻ cho nhau từng bữa cơm, từng bó rau, trao nhau những lời động viên để vực dậy tinh thần mỗi khi chán nản. Bên cạnh đó, từ quê nhà, chúng tôi nhận được rất nhiều sự giúp đỡ về lương thực, tiền bạc” - anh Hoàng cảm động.

Đón người lao động xa xứ trở về

 

Cùng với anh Hoàng, hàng loạt người lao động Kon Tum bị mắc kẹt ở Thành phố Hồ Chí Minh thời điểm giãn cách đều nhận được những phần hỗ trợ, giúp đỡ từ quê hương. Đó là những chuyến xe chở hàng tấn rau củ quả, những khoản tiền hỗ trợ được quyên góp từ những tấm lòng hảo tâm, hay những chuyến xe hồi hương giữa mùa dịch… Tất cả đều thấm đượm, ấm áp tình người.

Điển hình trong năm vừa qua, Câu lạc bộ thiện nguyện I love Kon Tum là một trong rất nhiều đơn vị luôn năng nổ, tích cực, hỗ trợ người lao động Kon Tum mắc kẹt tại vùng dịch.

Anh Trần Văn Cao Sang - Chủ nhiệm Câu lạc bộ I love Kon Tum cởi mở: Năm 2021 là một trong những thời điểm bận rộn nhất của Câu lạc bộ bọn mình. Bởi trước những hậu quả mà dịch Covid-19 gây ra, bọn mình hiểu là cần phải làm gì đó để mang đến những điều tích cực cho xã hội. Qua suy nghĩ, lên kế hoạch cụ thể, Câu lạc bộ I love Kon Tum đã liên kết với một số nhóm thiện nguyện khác triển khai vận động, quyên góp rau, củ, quả để hỗ trợ cho người dân Kon Tum mắc kẹt tại vùng dịch cũng như bà con Thành phố Hồ Chí Minh trong thời điểm giãn cách xã hội.

Từ những chương trình thiện nguyện trước đây, Câu lạc bộ I love Kon Tum đã kết nối được với các nhóm thiện nguyện hoạt động tại Thành phố Hồ Chí Minh. Nhờ đó, khi các chuyến xe thiện nguyện xuất phát từ thành phố Kon Tum đến sát Thành phố Hồ Chí Minh (thời điểm giãn cách, xe không thể chạy vào thành phố), các nhóm thiện nguyện này chịu trách nhiệm tiếp nhận hàng hóa quyên góp để phân phát cho người dân Kon Tum bị mắc kẹt cũng như bà con đang cần hỗ trợ tại vùng dịch.

Anh Sang trò chuyện: Sau chuyến xe đầu tiên với khoảng 10 tấn rau, củ, quả vận động được, mọi người đã biết đến bọn mình nhiều hơn. Có nhiều trường hợp khiến bọn mình hết sức cảm động, như một bác nông dân trên chiếc xe máy cọc cạch vượt hơn 120km từ huyện Ia H’Drai đến Câu lạc bộ ủng hộ giỏ măng mới đào được; hay một cậu thanh niên dành cả ngày dài từ tận xã Mường Hoong (Đăk Glei) xuống thành phố Kon Tum ủng hộ những quả bí vừa thu hoạch… Trong tình hình dịch bệnh khó khăn là thế, những việc làm như vậy thật sự ấm áp, nghĩa tình.

Cứ như thế, những chuyến xe đầy ắp rau, củ, quả đều đặn lăn bánh, mang theo tình yêu thương của người dân phố núi đến với lao động Kon Tum xa quê, đến bà con vùng dịch đang gặp nhiều khó khăn. Từ thời gian triển khai cho đến hết thời điểm giãn cách xã hội, ước tính hơn 100 tấn rau, củ, quả đã được các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh quyên góp, chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam.

Hướng về quê hương, gia đình

Trong quãng thời gian ngăn cách dài đằng đẵng, hầu hết những người Kon Tum xa quê đều mong muốn được trở về với gia đình; tuy nhiên ở mỗi người, lại có một quyết định khác nhau.

Chị Lương Thị Tuyết (Tổ dân phố 5, thị trấn Đăk Hà, huyện Đăk Hà) – người Kon Tum lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh nhớ lại: Tại thời điểm tôi hay tin tỉnh có chủ trương đón người ở các vùng dịch trở về địa phương, tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Càng gần kề ngày trở về, tôi thao thức mãi không ngủ được. Tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc chiếc xe dừng lại, đặt chân trên đất quê nhà, cảm xúc trong tôi rưng rưng, như muốn vỡ oà. Vậy là chỉ còn 14 ngày cách ly nữa thôi, tôi có thể được trở về, gặp lại gia đình, những người thân yêu.

Tuy nhiên, cũng có không ít người đã đưa ra lựa chọn ngược lại với quyết định của chị Tuyết. Thay vì trở về quê nhà, về với gia đình, họ quyết tâm ở lại nơi đất khách tiếp tục làm ăn.

Vận động, quyên góp rau, củ, quả hỗ trợ người dân Thành phố Hồ Chí Minh

 

Anh Đình Tuấn (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum), hiện đang lao động tại Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: Nhà tôi còn mẹ già và cả trẻ em, chính vì vậy tôi đã quyết định ở lại Thành phố Hồ Chí Minh để tiếp tục làm việc. Bởi dù xác suất không cao, nhưng vẫn có khả năng tôi mang mầm bệnh về lây cho gia đình, cho cộng đồng ở quê nhà. Tôi đã xác định, sẽ làm việc ở đây đến khi tình hình dịch bệnh ổn định mới quay về. Ngoài ra, đây cũng là một cơ hội tốt để tôi tăng thêm nguồn thu nhập, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, tiền thù lao người lao động nhận được cao gấp 2 -3 lần so với ngày thường.

Tương tự anh Tuấn, anh Nguyễn Hữu Thắng (phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) hiện đang học tập và lao động tại tỉnh Bình Dương cũng chia sẻ: Những ngày Tết Nguyên đán thật sự là một cơ hội vàng dành cho những người muốn tăng thêm thu nhập, sau một năm dịch dài ròng rã. Số tiền làm được trong dịp tết tôi sẽ gửi về gia đình mừng tuổi bố mẹ và chi trả chi phí sinh hoạt trong năm sau.

Những quyết định, những việc làm của những lao động xa quê và cả những chuyến hàng tình nghĩa của quê hương gửi đến Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam trong mùa đại dịch…, thể hiện đậm nét truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái ấm đậm tình người của người dân Kon Tum nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung.

Tất Thành

Chuyên mục khác