A Thi nông dân sản xuất giỏi ở Đăk Tô

07/07/2019 13:01

Sinh ra và lớn lên ở thôn Kon Tu Dốp 2, xã Pô Kô (huyện Đăk Tô), từ nhỏ, anh A Thi (35 tuổi, người Rơ Ngao) đã quen với nương rẫy. Thế nhưng, khác với nhiều hộ dân trong vùng, anh luôn nhận thức được một điều rằng: Nếu chỉ dừng lại ở phương thức canh tác "phát, đốt, chọc, trỉa" thì năng suất cây trồng không cao, cái nghèo cứ mãi đeo bám. Vì vậy, sau khi lập gia đình, A Thi đã mạnh dạn làm giàu ngay chính trên quê hương mình bằng mô hình sản xuất đa cây, con và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Anh A Thi cho biết, trước đây, gia đình anh cùng nhiều gia đình khác trong làng quen với lối sản xuất truyền thống phát, đốt, chọc, trỉa với các loại cây trồng như lúa, mì, bắp và chăn nuôi nhỏ lẻ. Do thiếu hiểu biết về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi nên dù phải làm lụng quanh năm nhưng rồi gia đình vẫn thiếu ăn, nhất là những tháng giáp hạt. Cuộc sống vô cùng vất vả. Sau nhiều đêm trăn trở, anh đã quyết định phải thay đổi tập quán canh tác, làm sao để nguồn lợi thu về từ nông nghiệp tương xứng với sức lao động do mình bỏ ra.

“Được sự quan tâm, giúp đỡ của chính quyền địa phương, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, Hội Nông dân các cấp thông qua việc tạo điều kiện mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; giới thiệu các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện nuôi, trồng và chăm sóc của bà con; tổ chức cho hội viên nông dân đi tham quan học tập kinh nghiệm một số mô hình làm kinh tế giỏi…, tôi đã mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm” – anh A Thi nói.

Chính vì vậy, từ năm 2010, gia đình anh tập trung sản xuất lúa nước, trồng mì để có cái ăn và tích luỹ vốn. Sau đó, anh tiếp tục vận dụng các kiến thức học được từ các lớp tập huấn và kinh nghiệm học được từ các đợt tham quan mô hình, mạnh dạn mua giống cà phê, cao su về trồng. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, trên diện tích đất trồng cây cao su trong thời kỳ kiến thiết cơ bản, anh A Thi trồng xen cây mì để có thu nhập. Ngoài ra, anh còn mạnh dạn chọn mua một số bò sinh sản địa phương có vóc dáng to, đẹp để phát triển chăn nuôi, vừa tăng thêm thu nhập vừa tận dụng nguồn phân chuồng để chăm bón cho vườn cây.

Sau hơn 5 năm tập trung cho sản xuất, đến nay gia đình anh A Thi đã có 7ha cao su, 3,5ha cà phê, 2 sào ao nuôi cá, 8 con bò sinh sản và hàng trăm con gia cầm các loại, mang lại nguồn thu nhập hàng năm khoảng 500 triệu đồng.

Hiện nay, gia đình anh A Thi đã xây được 1 căn nhà cấp 4 khang trang và mua sắm đầy đủ các tiện nghi khác phục vụ sinh hoạt gia đình. Anh A Thi còn mua sắm nhiều máy móc để phục vụ sản xuất như: xe công nông, máy cày, máy tưới nước…

Kinh tế gia đình khá ổn định, anh A Thi cũng đã tập trung lo cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Năm học 2018 - 2019, hai con của anh đều đạt học sinh khá.

Anh A Thi vinh dự được đi dự Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đăk Tô năm 2019. Ảnh: TH

 

Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, anh A Thi còn vận động bà con chí thú làm ăn. Hiện tại, gia đình anh đã giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động và 10 lao động thời vụ. Ngoài ra, anh còn cho các hộ nghèo trong làng vay vốn không tính lãi, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho nhiều hộ gia đình để họ vươn lên thoát nghèo.

Theo anh A Thi, để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, bản thân người nghèo phải có ý thức vươn lên thoát nghèo; phải biết lắng nghe, học hỏi kiến thức về khoa học - kỹ thuật và đúc kết kinh nghiệm; có kế hoạch chi tiêu hợp lý và tiết kiệm trong tiêu dùng để tập trung vốn đầu tư vào sản xuất.

Với những kết quả đã đạt được, từ năm 2013 đến nay, A Thi luôn được công nhận là hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp huyện. Vừa qua, anh vinh dự là một trong những điển hình được đi dự Đại hội đại biểu các DTTS huyện Đăk Tô lần thứ II năm 2019 và được báo cáo điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

THU HẰNG

Chuyên mục khác