A Bút đam mê đan gùi

04/12/2022 06:16

Dù bị mất một chân do bệnh tật, việc đi lại khó khăn nhưng ông A Bút (62 tuổi, thôn Kon Hdrế, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) vẫn giữ niềm đam mê với nghề đan gùi truyền thống. Bởi, đan gùi không chỉ giúp ông tăng thêm nguồn thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của dân tộc mình.

Đến thôn Kon Hdrế vào một ngày trung tuần tháng 11 trong tiết trời se lạnh, các ngôi nhà trong thôn “cửa đóng then cài”, chúng tôi chỉ thấy duy nhất ông A Bút ngồi trước hiên nhà sàn của mình cặm cụi chuốt từng chiếc nan tre.

Năm nay 62 tuổi nhưng ông A Bút đã có 47 năm gắn bó với nghề đan gùi. Từ thời thiếu niên, được cha ông truyền dạy, ông đã có niềm đam mê với nghề đan gùi. Theo ông A Bút, chiếc gùi luôn gắn liền với đời sống, sinh hoạt của bà con và trở nên thân quen không thể thiếu với đồng bào DTTS. Khi lên rẫy, lên rừng, chiếc gùi luôn bên người để gùi hàng, sản vật thu được từ rừng, từ rẫy mang về nhà, vì thế, nhu cầu sử dụng gùi của bà con rất nhiều. Nhưng người đan được, làm được gùi đẹp cũng không nhiều. 

Ông A Bút đan gùi. Ảnh: Thu Hiền

 

Chỉ vào những chiếc gùi đặt ở góc nhà, ông A Bút giới thiệu với chúng tôi, gùi có rất nhiều loại, tùy vào công năng và mục đích sử dụng mà có nhiều hình dạng, kích cỡ khác nhau. Gùi dành cho phụ nữ, gùi cho đàn ông, gùi làm riêng cho các cháu nhỏ. Những chiếc gùi thưa thì dùng để gùi củi, măng, rau, bầu bí, còn những chiếc gùi dày, cần nhiều kỹ thuật hơn thường để đựng lúa, gạo, bắp, mì.

Theo ông A Bút, để có một chiếc gùi hoàn chỉnh thì phải mất rất nhiều thời gian, từng công đoạn đều đòi hỏi sự kiên nhẫn, tỉ mỉ và cẩn thận. Trong đó việc lựa chọn và khai thác nguyên liệu là rất quan trọng. Ngày trước để chuẩn bị đan gùi, ông phải mất cả tuần đi rừng kiếm tre nứa, thế nhưng 4 năm trở lại đây (kể từ khi ông bị bệnh phải cắt mất một chân năm 2018), không thể đi được nên ông nhờ vợ mình vào rừng kiếm lồ ô, cây le, dây mây. Mỗi lần vợ đi chặt lồ ô, ông đều dặn vợ chọn lựa kỹ càng để đảm bảo độ bền, chắc đẹp.

Ông A Bút tỉ mẩn trong từng chi tiết. Ảnh: Thu Hiền

 

“Phải chọn những cây không già quá mà cũng không non quá thì mới đạt chuẩn để sử dụng. Bởi nếu cây già quá thì khi đan bị giòn, dễ gãy; còn cây non quá khi phơi khô sẽ teo tóp. Mình phải cẩn thận từ khâu lựa chọn thì sản phẩm mới đẹp, bền và chắc chắn được”- ông A Bút nói.

Đôi tay thoăn thoắt chuốt từng sợi nan, vừa làm, A Bút vừa cho biết, có hai loại lạt để đan là lạt dẹp và lạt tròn. Ngoài nan dẹp, cỡ to dùng để đan gùi thưa, còn các loại nan để đan gùi dày đều được ông chẻ và chuốt cẩn thận. Loại gùi thưa dùng hằng ngày được đan bình thường, nhưng gùi dày thì không thể thiếu hoa văn. Hoa văn mang bản sắc dân tộc, thể hiện sự độc đáo của mỗi chiếc gùi cũng như trình độ tay nghề người đan.

Để đan hoa văn trên thân gùi, ông A Bút không đan hoàn chỉnh rồi mới dùng màu quét lên lớp ngoài mà cẩn thận nhuộm từng sợi lạt trước khi đan. Vẫn theo truyền thống, ông dùng màu tự nhiên để nhuộm. Các màu chủ lực như đen, đỏ, xanh đều được tạo ra từ lá, trái, vỏ một số loại cây rừng nên giữ được độ bền theo thời gian.

Theo ông A Bút, trung bình 2 ngày ông mới làm ra một sản phẩm, mỗi sản phẩm có giá từ 200.000 – 600.000đ/cái, tùy lớn nhỏ. Số tiền thu được từ việc đan gùi đã giúp ông có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống.

Những chiếc gùi nhỏ gọn được tạo nên từ đôi tay khéo léo của ông A Bút. Ảnh: Thu Hiền

 

Với ông A Bút, mỗi chiếc gùi là sản phẩm của cả một quá trình miệt mài, say sưa, tập trung cao độ và để làm ra một sản phẩm hoàn chỉnh phải thật sự yêu thích, đam mê và tỉ mỉ, cẩn thận. Nếu không chịu khó, kiên trì thì không làm được.

Để giữ nghề đan gùi, ông A Bút luôn tận tình chỉ dạy cho những người muốn học nghề. Ông cũng luôn khuyên nhủ thế hệ trẻ, việc đan gùi không chỉ có thêm thu nhập mà còn có thể tập tính cẩn thận, kiên trì và đặc biệt, qua đó, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bà Phạm Thị Mây- Chủ tịch UBND xã Ngọc Réo đánh giá: Ông A Bút là tấm gương điển hình về sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Các sản phẩm do ông làm ra đẹp và chất lượng. Chính quyền địa phương luôn động viên và tạo điều kiện để kết nối, hỗ trợ sản phẩm đầu ra cho ông A Bút. Qua đó khuyến khích người dân trên địa bàn xã phát huy nghề truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.      

Thu Hiền

Chuyên mục khác