3 năm thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP: Học sinh vùng khó Kon Rẫy thêm cơ hội đến trường

30/05/2019 06:18

Từ năm học 2016-2017 đến nay, thực hiện Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, học sinh con hộ nghèo, hộ DTTS vùng khó khăn ở huyện Kon Rẫy có thêm điều kiện đến trường, được chăm sóc, giáo dục ngày càng tốt hơn.

Ông Đặng Nhẫn - Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kon Rẫy cho biết: Theo Nghị định 116/2016/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ giáo dục là học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đang học tại các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vùng DTTS có nhà ở xa trường từ 4 đến 7km trở lên...

Theo đó, mỗi học sinh ở các địa bàn trên được hỗ trợ chính sách bằng 40% mức lương cơ sở và được hỗ trợ 15kg gạo/tháng/em (thời gian hưởng không quá 9 tháng/năm học).

Nghị định cũng quy định các trường phổ thông dân tộc bán trú, trường có tổ chức nấu ăn tập trung cho học sinh ở khu vực xã, thôn đặc biệt khó khăn cũng được hưởng chính sách hỗ trợ liên quan như: được hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ ăn ở bán trú, nội trú, tổ chức hoạt động văn hóa, thể dục thể thao; được lập tủ thuốc dùng chung cho khu bán trú, mua các loại thuốc thông thường với cơ số thuốc đủ đáp ứng yêu cầu phòng bệnh và xử lý những trường hợp cấp cứu đột xuất cho học sinh...

Thực hiện Nghị định 116, từ năm học 2016-2017 đến nay, huyện Kon Rẫy đã có 3.060 lượt học sinh ở 12 trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở ở xã, thôn đặc biệt khó khăn được hưởng lợi.

Nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời từ chính sách này, học sinh vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện có thêm cơ hội đến trường, đạt 100% kế hoạch huy động trẻ trong độ tuổi ra lớp. Đến cuối các năm học, chất lượng giáo dục ngày càng tăng, với tỷ lệ học sinh lên lớp đạt 98% trở lên.

Qua giới thiệu của Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện Kon Rẫy, Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Đăk Tờ Lung là một trong những cơ sở giáo dục thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ học sinh vùng đặc biệt khó khăn.

Cô Trần Thị Thanh Huyền - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - Trung học cơ sở Đăk Tờ Lung thông tin, đến nay, toàn đơn vị có 348 lượt học sinh được hỗ trợ theo Nghị định 116, với tổng kinh phí đã thực hiện gần 838 triệu đồng; đồng thời, tiếp nhận 22.650kg gạo cấp theo chế độ cho các em.

Cô Huyền còn cho biết, quá trình xét duyệt cho học sinh được hưởng chính sách được nhà trường phối hợp với UBND xã Đăk Tờ Lung thực hiện kịp thời. Cụ thể, vào đầu các năm học, nhà trường tổ chức phổ biến, hướng dẫn cho bố mẹ học sinh (hoặc người giám hộ hợp pháp) về thủ tục hồ sơ đề nghị hưởng chính sách cho con em, bao gồm: bản sao hộ khẩu và giấy chứng nhận hộ nghèo, mẫu đơn liên quan. Sau đó, nhà trường thông báo tiếp nhận hồ sơ của phụ huynh trong khoảng 10 ngày; đồng thời, phối hợp với cán bộ UBND xã tham gia xét duyệt danh sách gửi các cấp tiếp tục xem xét, phê duyệt kết quả học sinh thụ hưởng chính sách để thông báo cho phụ huynh biết. Trong trường hợp có khiếu nại, nhà trường kịp thời giải quyết nhằm đảm bảo học sinh được hưởng chính sách ưu tiên đúng đối tượng.

“3 năm học qua, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc, đúng hướng dẫn của Nghị định 116, nên các chế độ chi trả, cấp gạo và tổ chức bán trú cho các em được thực hiện đầy đủ. Mặt khác, nhà trường đã hỗ trợ tiền mua đồ dùng thể dục thể thao, tổ chức văn nghệ và mua sắm tủ thuốc y tế phục vụ bán trú 16,6 triệu đồng. Từ khi có chế độ chính sách của Nhà nước hỗ trợ cho học sinh các thôn đặc biệt khó khăn, phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc đưa các em ra lớp vào thứ 2 và đón về vào chiều thứ 7 hàng tuần. Từ đây, đã giúp cho nhà trường không còn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng, công tác duy trì sĩ số học sinh trên lớp luôn đạt 100%” - cô Huyền nhận xét.

Thăm hỏi tình hình ăn ở bán trú của học sinh Trường PTDTBT - THCS Đăk Tờ Lung. Ảnh: MT

 

Đánh giá công tác phối hợp thực hiện Nghị định 116, ông Đặng Nhẫn nói thêm: Các địa phương có học sinh thụ hưởng chính sách đã phối hợp rất tốt với ngành Giáo dục-Đào tạo huyện trong việc giúp người dân xác nhận thủ tục, bổ túc hồ sơ cho con em bảo đảm hưởng lợi chính sách đầy đủ; công tác tuyên truyền, giám sát tổ chức nấu ăn tại trường được tiến hành thường xuyên hơn.

Bên cạnh đó, các trường đã được đầu tư dụng cụ, thiết bị phục vụ sinh hoạt cho học sinh gần 100 triệu đồng, đáp ứng hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và giải trí của các em. Các trường còn được trang bị tủ thuốc dùng chung và phối hợp với trạm y tế xã mua thiết bị, thuốc thiết yếu theo đúng danh mục quy định tại Quyết định số 1221/QĐ-BYT của Bộ Y tế.

Theo đánh giá của lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo huyện, nhờ Nghị định 116, con em các hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo có điều kiện đến trường tốt hơn, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng DTTS.

Mai Trâm

 

Chuyên mục khác