12/12/2017 07:00
Những người Cộng sản nổi tiếng đã từng bị giam giữ ở Nhà ngục Kon Tum có Hồ Tùng Mậu, Đặng Thái Thuyến, Nguyễn Huy Lung, Trịnh Quang Xuân, Võ Trọng Bành, Ngô Đức Đệ, Trương Quang Trọng, Lê Văn Hiến, Nguyễn Hoàn, Trần Hữu Dương, Lê Trọng Kha, Võ Am…
|
Những năm 1930-1934, có trên 500 lượt tù chính trị bị giam cầm nơi đây và hơn một nửa trong số đó đã bỏ mạng trong lao tù hoặc vùi thây dọc đường 14 khi bọn địch cưỡng bức đi làm đường. Đưa tù chính trị lên chốn rừng thiêng nước độc, cưỡng bức lao động khổ sai làm đường 14, âm mưu thâm độc của bọn giặc là vừa cách ly được tù chính trị với phong trào cách mạng ở miền xuôi, đồng thời lợi dụng lam sơn chướng khí, lao động khổ sai, ăn uống kham khổ để giết dần giết mòn họ.
Đúng như toan tính của bọn thực dân, chỉ trong 6 tháng (từ tháng 12/1930 đến tháng 6/1931), đã có 170 người tù bỏ mạng chốn rừng xanh. Sau 6 tháng khổ sai làm đường 14, vừa trở lại Nhà ngục Kon Tum, bọn địch lại âm mưu tiếp tục bức tù nhân đi làm đường Đăk Sút, Đăk Pao (huyện Đăk Glei hiện nay).
Chấp nhận đi làm đường là chấp nhận con đường chết nên phải lựa chọn con đường sống, cho dù biết rằng con đường sống ấy có thể phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, nhưng “sau khi ta chết đi, họa may anh em khác mới có con đường sống”, các chiến sĩ cộng sản bị cầm tù đã tổ chức cuộc đấu tranh lưu huyết để phản đối chế độ lao tù hà khắc của thực dân Pháp.
Tù nhân ở Lao Ngoài kiên quyết phản đối, thà chết tại chỗ không đi làm đường nữa và đã bị bọn cai ngục khủng bố dã man. Sáng 12/12/1931, bọn lính thực dân đã xả súng vào Nhà ngục, chỉ trong vài phút đã bắn chết 8 người, bắn bị thương 8 người trong số 40 người tham gia cuộc đấu tranh. Người tù Trương Quang Trọng đã dũng cảm phanh ngực áo trước mũi súng kẻ thù, nhận viên đạn giặc hy sinh trước thay cho bạn tù Nguyễn Huy Lung.
Khi nghe tin bọn giặc dã man nổ súng tàn sát anh em Lao Ngoài, 200 tù nhân Lao Trong tổ chức tuyệt thực từ ngày 12 đến 16/12/1931 để đấu tranh, phản đối đi làm đường ở Đăk Pét, Đăk Pao.
Một lần nữa, trưa ngày 16/12/1931, bọn lính coi ngục khát máu lại hùng hổ kéo vào Lao Trong, thấy ai còn lên tiếng được là xả súng bắn giết làm 7 người chết, 7 người bị thương. Tù nhân Đặng Thái Thuyến bị bắn hai lần, trước khi chết đã ráng sức vung ống bô vệ sinh đập vào đầu giặc. Những người bị tàn sát trong hai cuộc đấu tranh đều bị bọn giặc kéo ra bên ngoài nhà Lao, đào hố rồi hất xác xuống vùi lấp sơ sài.
Sự hy sinh anh dũng, bất khuất của các anh em tù chính trị trong nhà lao Kon Tum đã gây được tiếng vang lớn đối với dư luận thế giới về quyền tự do công lý và nhân phẩm con người; tạo cho dư luận trong nước và thế giới hiểu rõ hơn về chính sách cai trị lao tù của Pháp ở Đông Dương; đã lật tẩy được bộ mặt đê hèn với sự giả danh ngọn cờ “tự do”, “bình đẳng”, “bác ái” của thực dân Pháp.
Cuộc đấu tranh lưu huyết quyết liệt ấy đã thể hiện tinh thần quyết tâm sắt đá, là mệnh lệnh thiêng liêng của trái tim, khối óc của các chiến sĩ Cộng sản trước vận mệnh sống còn của quốc gia, dân tộc. Tuy cuộc đấu tranh bị thực dân Pháp tàn sát đẫm máu, nhưng kết quả đạt được là rất vẻ vang, đã buộc địch phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc và chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của anh em tù chính trị đưa ra; trong đó, thực dân Pháp từ bỏ việc xây dựng con đường 14, từ bỏ hoàn toàn Nhà ngục Kon Tum vào năm 1934.
Hình ảnh những người tù chính trị trong 2 cuộc đấu tranh tại Ngục Kon Tum đã đi vào lịch sử như một biểu tượng về lòng yêu nước, tinh thần bất khuất kiên trung, anh dũng của những người Cộng sản. Các anh đã tô thắm thêm truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương Kon Tum anh hùng.
Thảo Nguyên