04/10/2018 07:01
Vào lúc 19 giờ 54 phút, ngày 13/2/2018, bà Nguyễn Thị Minh Liên Châu, chủ tiệm điện Mỹ Dung (thành phố Kon Tum) phát hiện lửa phát ra từ khu vực thờ cúng. Sau đó, bà Châu hô hào những người xung quanh tiến hành các biện pháp cứu tài sản và chữa cháy ban đầu nhưng không hiệu quả. Đến 20 giờ, nhận thấy đám cháy có xu hướng lan rộng, có nhiều khói, khí độc, không có khả năng kiểm soát nên mọi người mới báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp. Sau khi nhận được tin báo, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) huy động 12 xe chữa cháy cùng 44 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng đến hiện trường, tiến hành triển khai đội hình chữa cháy, chống cháy lan. Khoảng 22 giờ cùng ngày, đám cháy cơ bản được khống chế và được dập tắt hoàn toàn sau đó. Tuy không thiệt hại về người, nhưng tài sản bị thiệt hại lên tới hàng trăm triệu đồng...
Đó chỉ là một trong số vụ cháy điển hình xảy ra trên địa bàn tỉnh ta trong 9 tháng đầu năm. Nguyên nhân dẫn đến cháy bởi chủ nhà thắp nhang thờ cúng, nhưng chủ quan, bất cẩn, thiếu sự kiểm tra dẫn đến hậu quả thiệt hại nặng nề về tài sản.
|
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, trong 9 tháng qua, toàn tỉnh xảy ra 27 vụ cháy, tăng 12 vụ so với cùng kỳ năm trước, làm thiệt hại trên 3,4 tỷ đồng. Tìm hiểu nguyên nhân thì có 8 vụ cháy do sơ suất dùng lửa và 1 vụ do sự cố thiết bị điện. Điều đó cho thấy, các vụ cháy đều bắt nguồn từ chính từ sự chủ quan, bất cẩn, cẩu thả của con người khi dùng lửa (chủ yếu là thắp nhang thờ cúng) hay sử dụng điện, các thiết bị điện sinh hoạt gia đình một cách tùy tiện, thiếu khoa học dẫn đến quá tải gây ra chạm, chập điện và cháy...
Thượng tá Đặng Việt Dũng- Trưởng phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) chia sẻ: “Muốn giảm thiểu nguy cơ cháy, nổ và những thiệt hại do cháy, nổ gây ra, biện pháp hữu hiệu nhất chính là làm tốt công tác phòng ngừa. Bởi vậy, phải không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành triệt để các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho mỗi người dân, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.”
Trước tình hình cháy, nổ ngày càng gia tăng trên phạm vi cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng, đã đến lúc phải cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các ngành chức năng quyết liệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống cháy, nổ.
Việc tuyên truyền cũng cần tập trung vào những vấn đề thực tế, liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, tạo cho người dân thói quen trong đề phòng hỏa hoạn tại gia đình cũng như cơ sở sản xuất, kinh doanh. Ví dụ như tạo cho người dân có thói quen cẩn thận trong việc sử dụng lửa khi đun nấu, tắt van bình ga sau khi sử dụng hay kiểm tra van bình ga, các dụng cụ điện không cần thiết trước khi đi ngủ. Tạo thói quen khi sử dụng xăng dầu không để gần đèn, bếp; khi rót xăng, dầu không được hút thuốc, bật lửa; khi bếp cạn dầu phải tắt hết lửa trước khi châm dầu, không buôn bán xăng dầu trái phép. Khi thắp nhang, đèn thờ cúng, phải hết sức thận trọng bằng cách thường xuyên vệ sinh khu vực thờ cúng, dọn dẹp các chân nhang trong lư hương. Không được dùng dây điện trần, hoặc bị hư vỏ để câu, mắc tùy tiện hay luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, đóng đinh vào dây điện, để mối nối hở dễ gây cháy do điện…
Thượng tá Đặng Việt Dũng chia sẻ thêm: Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ còn tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc, nhắc nhở đối với các cơ sở sản xuất tại các địa bàn dân cư; kiên quyết xử lý những vi phạm, đặc biệt là các vi phạm trực tiếp gây ra cháy, nổ…
Trong 9 tháng qua, lực lượng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy kiểm tra 781 lượt cơ sở, phát hiện 552 tồn tại, 1.971 thiếu sót về phòng cháy chữa cháy, đã kiến nghị và hướng dẫn cơ sở khắc phục; xử phạt hành chính 28 cơ sở với số tiền trên 37 triệu đồng.
Ngoài ra, Phòng Cảnh sát phòng cháy và cứu nạn cứu hộ còn tổ chức 10 lớp huấn luyện về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ cho lực lượng cơ sở trên địa bàn tỉnh, với 577 người tham gia; tuyên truyền và hướng dẫn kỹ năng đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy cho giáo viên và học sinh tại các trường học, các tiểu thương tại các chợ, trung tâm thương mại... trên địa bàn tỉnh...
Phòng cháy hơn chữa cháy, nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và các thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người, trước hết phải từ sự nhận thức của người dân về phòng, chống cháy nổ…
Bài ảnh: Dương Đức Nhuận