​Nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy cho người dân

04/10/2017 06:16

​Cháy, nổ gây ra để lại hậu quả thật nặng nề; nhiều gia đình phải mất đi người thân, tài sản tích cóp cả đời; nhiều doanh nghiệp “khuynh gia, bại sản”… Để không xảy ra cháy, nổ, trước hết mỗi người dân, doanh nghiệp phải nâng cao ý thức phòng cháy, chữa cháy để tự bảo vệ tính mạng, tài sản của mình…

Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh), 9 tháng đầu năm 2017 toàn tỉnh chỉ xảy ra 12 vụ cháy, nổ giảm 22 vụ so với cùng thời kỳ năm 2016. Điều đáng nói là các vụ cháy xảy ra không gây thiệt hại về người, về tài sản thiệt hại 3,194 tỷ đồng, giảm 13,478 tỷ so với cùng kỳ năm 2016.

Thượng tá Đặng Việt Dũng - Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ cho biết, sở dĩ tình hình cháy, nổ trên địa bàn tỉnh giảm sâu chính là ý thức của người dân, doanh nghiệp về nguy cơ cháy, nổ đã được nâng lên đáng kể. Người dân đã có trách nhiệm và ý thức hơn đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Họ đã nắm được những kiến thức cơ bản về cháy, nổ, các biện pháp, giải pháp đề phòng cháy, nổ và cách xử lý kịp thời các tình huống khi có cháy, nổ xảy ra. Các doanh nghiệp cũng đã sử dụng thành thạo các loại dụng cụ, phương tiện chữa cháy thông dụng tại nơi làm việc và nơi sinh sống. 

Huấn luyện phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy ở cơ sở. 

 

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã tổ chức 11 lớp tập huấn, huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy cho lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở và các cơ sở kinh doanh có điều kiện.

Qua đó, góp phần cảnh báo mọi người dân đề phòng hỏa hoạn trong việc sử dụng lửa đun nấu, sinh hoạt; sử dụng xăng dầu phải xa đèn, xa bếp đun nấu, không được hút thuốc, bật lửa khi đang bơm rót xăng dầu, bếp cạn dầu phải tắt hết lửa trước khi châm dầu, không buôn bán xăng dầu trái phép; hết sức thận trọng trong việc thắp nhang, đèn thờ cúng; thường xuyên vệ sinh khu vực thờ cúng, dọn dẹp các chân nhang trong lư; không được dùng dây điện trần câu, mắc tùy tiện, luồn dây điện qua mái lá, mái tôn… nhằm tránh gây ra cháy nổ.

Tuy số vụ cháy xảy ra trên địa bàn tỉnh giảm nhiều so với năm 2016, ý thức của người dân đã nâng lên một bước, nhưng vẫn còn một bộ phận nhỏ trong khu dân cư, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn chưa ý thức hết được nguy cơ và tác hại của cháy, nổ nên lơ là, chưa chấp hành tốt để các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại gia đình và cơ sở sản xuất.

Thượng tá Đặng Việt Dũng cho biết thêm: Qua kiểm tra các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các cơ sở gia công gỗ, các xưởng mộc gia dụng, các nhà xưởng kinh doanh liền kề kết hợp nhà ở có nguy cơ cháy nổ cao, đơn vị phát hiện các cơ sở này chưa chấp hành triệt để các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Nếu xảy ra cháy, nổ thì các cơ sở này sẽ thiệt hại nghiêm trọng và có thể nguy cơ gây thiệt hại về người. Đối với các doanh nghiệp, cơ sở này, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ kiên quyết lập biên bản xử lý vi phạm, nếu xét thấy có nguy cơ cháy nổ cao thì sẽ kiến nghị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động cho đến khi các doanh nghiệp, đơn vị này chấp hành các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy…

Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ tăng cường công tác kiểm tra chuyên đề. Qua kiểm tra phát hiện nhiều doanh nghiệp khi thành lập chưa đủ điều kiện về phòng cháy, chữa cháy mà vẫn hoạt động nên nguy cơ cháy, nổ xảy ra là rất cao.

Qua kiểm tra 822 cơ sở kinh doanh trên địa bàn các huyện Đăk Hà, Tu Mơ Rông, Ia H’Drai, khu công nghiệp Hòa Bình, các cửa hàng xăng dầu… Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã phát hiện 1.897 tồn tại, 1.038 thiếu sót trong phòng cháy, chữa cháy; xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy 41 cơ sở, phạt trên 56 triệu đồng.

Ngoài ra, đơn vị còn kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 7 điểm sử dụng vật liệu nổ công nghiệp; phúc tra công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy tại 4 khu dân cư và 3 khu chợ, trung tâm thương mại trên địa bàn tỉnh. Qua đó, phát hiện 22 thiếu sót, đơn vị đã kiến nghị và hướng dẫn các cơ sở này khắc phục, để đảm bảo an toàn về cháy, nổ.

Phòng cháy hơn chữa cháy, nhằm giảm thiểu nguy cơ cháy nổ và các thiệt hại về tài sản cũng như tính mạng con người, vấn đề đầu tiên là phải không ngừng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhằm nâng cao ý thức cảnh giác, chấp hành triệt để các quy định an toàn về phòng cháy, chữa cháy cho mỗi người dân, mỗi người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và doanh nghiệp.

Bài, ảnh: Dương Đức Nhuận

Chuyên mục khác