​Đêm giao thừa lịch sử

02/02/2018 07:00

“Giao thừa 1968 căng như dây đàn nhưng đầy khí thế anh hùng. Giao thừa trong bom đạn, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang, tấc; Giao thừa tạo ra bước ngoặt quyết định trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc. 50 năm đã trôi qua nhưng ký ức về tháng ngày đó, tôi không bao giờ quên” – ông Phạm Văn Sáu (72 tuổi), đường Phan Bội Châu, thành phố Kon Tum xúc động nhớ lại.

Những ngày này, khi Tết Nguyên đán đang đến gần cũng là lúc những người lính năm xưa bồi hồi, xúc động, sống lại những năm tháng hào hùng. Không bồi hồi sao được khi năm nay là kỷ niệm 50 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.

Ngày ấy, ông Lê Tùng Lâm (hiện ở đường Phan Chu Trinh, phường Quyết Thắng) làm liên lạc cho Bộ Chỉ huy Tiền phương của Tỉnh ủy. Dù không trực tiếp ra trận, nhưng làm liên lạc, ông nắm rõ tình hình của Kon Tum lúc bấy giờ.

Ông Lê Tùng Lâm tự hào về tinh thần quật cường, ý chí chiến đấu của bộ đội ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Ảnh: Tất Thành

 

Nhắc về mùa xuân 1968, ông Lâm miên man trong dòng ký ức: Cuối năm 1967, Bộ Chính trị chủ trương mở cuộc tổng công kích, tổng khởi nghĩa nhằm chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi. Khoảng tháng 10/1967, Ban cán sự H5 tại Thị ủy Kon Tum đã chuyển hết hồ sơ, sơ đồ, cứ điểm của địch cho Bộ Chỉ huy Tiền phương của Tỉnh ủy Kon Tum và Bộ Tư lệnh B3. Sau đó, lãnh đạo Thị ủy Kon Tum cũng đã đi vào thị sát hết các điểm của địch, kiểm tra lại sơ đồ đưa ra một cách chính xác trước khi Tổng tấn công.

Theo lời ông Lâm, khoảng ngày 22/11/1967, khi khu vực Đăk Tô – Tân Cảnh ngưng tiếng súng, Trung đoàn 24 và bộ đội địa phương liền củng cố lực lượng, chuẩn bị tư thế sẵn sàng cho Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Cùng với việc củng cố lực lượng, Ban cán sự H5 cũng đưa cán bộ H5 vào ở hợp pháp trong các cơ sở ở nội thị Kon Tum. Ngay sau đó, bộ đội ta cũng tập trung vận chuyển vũ khí từ bìa rừng (thuộc khu vực Trung Tín) để chuẩn bị cho trận đánh.

Theo kế hoạch, Trung đoàn 24 bộ đội chủ lực có nhiệm vụ đánh chiếm vùng Thành Đăk Pha (Biệt khu 24 của ngụy) và Căn cứ Trung đoàn 41 ngụy; Tiểu đoàn đặc công 406 của tỉnh đánh vào Tòa hành chính, Ty cảnh sát và Tiểu khu Kon Tum; Tiểu đoàn bộ binh 304 của tỉnh đánh khu vực sân bay Kon Tum và bộ đội thị xã đánh chiếm khu cư xá sĩ quan địch.

Là bộ đội thuộc Tiểu đoàn bộ binh 304, trực tiếp tham gia Cuộc Tổng tiến công, ông Phạm Văn Sáu nhớ như in thời khắc ấy: Đúng giờ G – thời khắc giao thừa Tết Mậu Thân, bộ đội ta đồng loạt nổ súng tấn công vào các mục tiêu quan trọng. Chúng tôi vừa cắt, vừa bộc phá mở hàng rào tấn công vào khu vực sân bay Kon Tum. Bom đạn rền vang nhưng ai nấy đều kiên cường, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

“Giao thừa, thức trắng trực điện báo, cứ nửa tiếng lại nghe tin báo về, rất hồi hộp và lo lắng. Sau giờ G, bộ đội ta báo đã đánh chiếm và làm chủ được nhiều cứ điểm quan trọng: Toà hành chính, Ty cảnh sát, Tiểu khu Kon Tum, khu vực sân bay…, tiêu diệt nhiều sinh lực địch cũng như máy bay…” – ông Lâm nhớ lại.

Không nghĩ rằng ta sẽ đánh trong dịp tết, bị tấn công bất ngờ, địch thiệt hại nặng nề. Tuy nhiên, ngay sau đó, chúng tăng viện cấp tốc, củng cố lại lực lượng và phản kích ta một cách dữ dội.

“Sau khi tấn công, tôi bị thương ở cánh tay, nhiều anh em đồng đội khác cũng bị thương, hi sinh rất nhiều. Khi ấy, địch bắt đầu thả pháo sáng, máy bay trực thăng quần nát khu vực. Ngày sau đó, bộ đội ta tiếp tục động viên, tập trung lực lượng, chỉ huy đánh tiếp. Tuy nhiên, trước sự chênh lệch khá lớn về lực lượng, ta chủ trương rút lui để bảo toàn lực lượng; địch phản công và truy bóc hầu như toàn bộ cơ sở cách mạng nội thị” – ông Sáu kể.

Ông Phạm Văn Sáu không bao giờ quên giao thừa năm 1968. Ảnh Tất Thành

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân năm 1968 đã làm địch hoang mang, tổn thất nặng nề không chỉ về lực lượng mà hầu hết cơ sở vật chất, các đồn bốt, công sở của địch bị phá hủy. “Sau trận đó, sinh lực địch bị tiêu diệt rất nhiều. Chúng ta đã thắng lợi lớn, đánh sụp ý chí của địch, góp phần cùng cả nước chiến thắng đế quốc Mỹ, tiến tới ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước” – ông Lâm khẳng định.

Vết thương trên tay khi tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 giờ đây là kỷ niệm của ông Sáu. Với ông, đó là minh chứng cho những tháng ngày gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào. “Một đêm giao thừa không ai lãng quên. Trong đêm ấy, với tinh thần thép, ta đã làm địch phải hoang mang, hoảng sợ. Bản hùng ca 1968 vẫn nguyên giá trị và luôn bừng cháy trong trái tim mỗi chúng ta” – ông Sáu nhấn mạnh.

Bình An

Chuyên mục khác