Ðại hội của nông dân

25/09/2023 06:36

Có thể nói, trong dòng chảy thời sự tuần qua, tôi đặc biệt quan tâm đến Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028. Và tôi cũng tin rằng, đây là một trong những sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người.

Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra trong 2 ngày (20-21/9) tại Hội trường Ngọc Linh (thành phố Kon Tum), với 277 đại biểu chính thức, trong đó có 235 đại biểu được bầu từ cơ sở, đại diện cho hơn 65.000 hội viên sinh hoạt ở 732 chi hội nông dân trên toàn tỉnh. 

Với chủ đề “Đoàn Kết - Dân chủ - Sáng tạo - Hợp tác - Phát triển”, Đại hội hướng tới mục tiêu xây dựng Hội Nông dân và giai cấp nông dân vững mạnh; khơi dậy khát vọng làm giàu, phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Vì nghề nghiệp, tôi quen biết khá nhiều đại biểu dự đại hội. Hầu hết là những người đang trực tiếp lao động sản xuất, trong đó có không ít người mới được tuyên dương nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.

Và tôi nhận thấy rất rõ sự tự hào trên gương mặt đen sạm vì mưa nắng, vì vất vả sớm hôm trên ruộng rẫy, vườn tược, ao hồ của họ. “Chúng tôi đi dự đại hội của chúng tôi- Đại hội của nông dân”, họ nói như vậy.

Với họ, đại hội đã củng cố niềm tin, tạo động lực cho mỗi người tiếp tục nỗ lực, tiếp tục cống hiến, tiếp tục vượt qua mọi khó khăn. Từ đại hội trở về làng, tiếp tục cuộc sống thường ngày, họ sẽ tiếp tục nỗ lực, tiếp tục thi đua lao động, sản xuất, không chỉ vì riêng mình, cho gia đình mình, mà còn để xây dựng quê hương.

Họ tự hào là điều dễ hiểu. Bởi Hội Nông dân Việt Nam nói chung và Hội Nông dân tỉnh nói riêng, là tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội lớn mạnh, có bề dày lịch sử và truyền thống đấu tranh cách mạng bất khuất, kiên cường.

Thành lập ngày 14/10/1930, tiền thân là tổ chức Nông hội đỏ, trải qua các thời kỳ cách mạng, Hội Nông dân luôn trung thành tuyệt đối với Đảng và dân tộc.

Dù ở bất kỳ giai đoạn cách mạng nào, với các tên gọi khác nhau, tổ chức chính trị của giai cấp nông dân luôn thể hiện rõ vai trò và vị trí của mình trong việc tập hợp, động viên giai cấp nông dân tham gia tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Hội Nông dân là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân, là cầu nối vững chắc giữa nông dân với Đảng, Nhà nước; góp phần phát huy vai trò chủ thể, trung tâm của nông dân trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Bà con nông dân sử dụng máy móc trong thu hoạch lúa. Ảnh: HL

 

Trong niềm tự hào chung ấy, nông dân tỉnh Kon Tum luôn phát huy tinh thần yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, lao động cần cù, sáng tạo, luôn khát vọng vươn lên. Tích cực tham gia thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chủ động tham gia phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Họ chủ động phát huy tốt hơn vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là trong xây dựng nông thôn mới; từng bước làm chủ trong các phong trào ở nông thôn với phương châm “dân biết,  dân  bàn,  dân  làm,  dân  kiểm  tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Nông dân ngày càng chủ động trong thay đổi nếp nghĩ cách làm, đưa giống mới vào sản xuất. Ảnh: HL

 

Họ chủ động học hỏi, thay đổi cách nghĩ cách làm, nắm bắt khoa học công nghệ, thích ứng với cơ chế thị trường, tham gia thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn; mạnh dạn vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh.

Ngày càng nhiều nông dân được vinh danh sản xuất kinh doanh giỏi. Chỉ tính riêng nhiệm kỳ 2018-2023, đã có 2 hội viên nông dân tiêu biểu được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; 6 nông dân điển hình tiên tiến được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen; 3 nông dân được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.

Đến cuối năm 2022 đã có 12.870 hộ nông dân đăng ký thi đua đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi, và có 10.419 hộ đạt tiêu chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, tăng 4.433 hộ (74,05%) so với năm 2018.

Đời sống vật chất, tinh thần của nông dân từng bước được cải thiện và nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 37,49 triệu đồng/người/năm (2018) lên 52,43 triệu đồng/người/năm (2022).

Nông dân còn hăng hái tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc. Tích cực tham gia bảo đảm an ninh, quốc phòng, nhất là tự quản về an ninh, trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới.

Tất nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó có tình trạng một bộ phận nông dân tự ti, an phận, trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước; chưa chịu khó vươn lên thoát nghèo. Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động ở một số nơi chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu của công tác hội và phong trào nông dân trong tình hình mới.

Nhưng tôi tin rằng, những tồn tại ấy sẽ tiếp tục được các cấp hội nông dân khắc phục trong nhiệm kỳ mới.

Trong đó, các cấp hội sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức để người nông dân tự thay đổi chính mình hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chuyên nghiệp, có trách nhiệm.

Khuyến khích nông dân giải phóng các nguồn lực, tích tụ nguồn lực (đất đai, lao động, vốn) để tổ chức sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Đẩy mạnh hướng dẫn, hỗ trợ nông dân chuyển từ mô hình sản xuất hộ gia đình sang hợp tác, liên kết sản xuất chuỗi giá trị, tạo ra nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn. Thúc đẩy sự chuyển biến mạnh mẽ tư duy của nông dân từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”, từ tham gia xây dựng các “chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”.

Hồng Lam

Chuyên mục khác