​Phục dựng lễ hội truyền thống của đồng bào DTTS

19/04/2018 07:01

Thời gian qua, ngành Văn hóa tỉnh đã có những hoạt động tích cực nhằm bảo tồn các di sản văn hóa của đồng bào DTTS - đặc biệt là việc nghiên cứu phục dựng các lễ hội truyền thống tiêu biểu như Lễ bắc máng nước của người Xơ Đăng, Lễ mừng nhà rông mới của người Ba Na, Lễ ăn mừng lúa mới của người Brâu, Lễ hội tết Chakchak của người Giẻ - Triêng ...

Kon Tum là tỉnh có số DTTS tại chỗ nhiều nhất ở Tây Nguyên; bao gồm 7 dân tộc: Xơ Đăng, Ba Na, Gia Rai, Giẻ - Triêng, Brâu, Rơ Măm và H’rê.

Theo ông A Đôi - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, lễ hội của các DTTS tại chỗ ở Kon Tum được sản sinh trong điều kiện, hoàn cảnh sống, lao động sản xuất gắn liền với núi rừng. Bởi lẽ đó, các lễ hội thường chứa đựng những sắc thái văn hóa riêng, mang tính khu vực, lấy con người làm chủ thể, lấy đất trời làm khuôn mẫu, là nét văn hóa của sự hài hòa giữa nắng mưa, giữa núi rừng và nương rẫy...

Phục dựng lễ hội bắc máng nước. Ảnh: Q.Đ

 

Từ khi thành lập lại tỉnh đến nay, ngành Văn hóa tỉnh Kon Tum đã nghiên cứu, phục dựng được 24 lễ hội truyền thống tiêu biểu của đồng bào DTTS. Cụ thể như: Lễ hội Chak chak (ăn than) của dân tộc Giẻ – Triêng; Lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới, Lễ hội cầu an, Lễ cưới truyền thống của dân tộc Ba Na, Lễ hội mừng nước giọt của dân tộc Ba Na -Rơ Ngao; Lễ hội mừng sức khỏe, Lễ hội bắc máng nước, Lễ M’nê (tạ ơn) của dân tộc Xơ Đăng; Lễ hội làm chuồng trâu, Lễ rửa làng của dân tộc Xơ Đăng – Mơ Nâm; Lễ hội lập làng mới, Lễ mừng thu hoạch lúa (Chong o bơn h’lư) của người Brâu; Lễ mở cửa kho lúa, Lễ hội bỏ mả của dân tộc Rơ Măm…

Đơn cử như Lễ ăn trâu mừng nhà rông mới của dân tộc Ba Na (cư trú ở thành phố Kon Tum, huyện Kon Rẫy) thường được dân làng tổ chức trong 3 ngày.

Để có được một nhà rông theo kiểu truyền thống to lớn, hoành tráng – biểu thị sức mạnh tâm linh và sự giàu có của cộng đồng dân cư trong làng – người dân thường phải thực hiện khâu chuẩn bị từ vật liệu (gỗ, tranh, tre, nứa) đến việc xây dựng trong khoảng thời gian gần cả năm mới xong.

Sau khi xây dựng xong nhà rông mới, dân làng họp và chọn ngày tốt để tiến hành các nghi lễ và tổ chức lễ hội. Các công việc chuẩn bị bao gồm dựng cây nêu; mua trâu, heo, gà, gạo, nếp, ống nứa, lá chuối, gia vị, các ghè rượu cần...

Trong 3 ngày diễn ra Lễ hội ăn trâu mừng nhà rông mới, già làng tiến hành các nghi lễ như: cắt cổ gà lấy máu bôi lên những chiếc chiêng, trống, ché rượu, các cây cột, phên, liếp xung quanh nhà rông; đọc lời khấn mời Yàng, thần Núi, thần Sông, ông bà, tổ tiên... về dự tiệc ăn mừng nhà rông mới cùng dân làng.

Sau đó, dân làng vừa đánh cồng chiêng, múa xoang quanh cây nêu trước nhà rông, thực hiện nghi lễ đâm trâu, lấy thịt trâu chế biến các món ăn để phục vụ bà con dân làng trong suốt quá trình diễn ra lễ hội.

Lễ hội đâm trâu mừng nhà rông mới của dân tộc Ba Na. Ảnh: Q.Đ

 

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch - Phạm Thị Trung cho biết: Trong thời gian tới, ngành tiếp tục chú trọng phục dựng các lễ hội truyền thống, đáp ứng nhu cầu tâm linh trong đời sống tinh thần của cộng đồng các DTTS ở địa phương; truyền dạy nghệ thuật đánh cồng chiêng, kỹ thuật chỉnh chiêng và các bài chiêng truyền thống cho con em đồng bào các DTTS tại chỗ; quan tâm triển khai việc đưa giáo dục di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vào trường học một cách phù hợp.

Mặt khác, triển khai chính sách tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân dân gian; khuyến khích các gia đình, cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy di sản văn hoá lễ hội truyền thống. Có chính sách đãi ngộ, khuyến khích thích đáng đối với các đội cồng chiêng có thành tích tiêu biểu, các nghệ nhân tham gia truyền dạy cồng chiêng, chế tác nhạc cụ dân tộc…, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa lễ hội trong đời sống của đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

                                                                        Thảo Nguyên

Chuyên mục khác