Xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới

18/03/2023 13:13

Những năm gần đây, hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa của tỉnh ta từng bước đi vào chiều sâu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, xây dựng nền văn hóa tỉnh nhà tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Thời gian gần đây, cùng với những sự kiện kinh tế, chính trị, các sự kiện về văn hóa, lễ hội trên địa bàn tỉnh nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình, tích cực của người dân, du khách và cộng đồng các dân tộc. Bên cạnh đó, trong các mặt đời sống và hoạt động của các cấp, ngành, nhiều phong trào thi đua yêu nước được các đơn vị, các địa phương triển khai mạnh mẽ, tạo khí thế thi đua sôi nổi góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của người nhân dân.

Các hoạt động sáng tác, biểu diễn, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng được đẩy mạnh, diễn ra sôi nổi. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi việc truyền bá các văn hóa phẩm độc hại, nâng cao đời sống, nhu cầu hưởng thụ văn hoá của người dân.

Đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong cộng đồng dân cư. Ảnh: H.T

 

Theo ông Phan Văn Hoàng- Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đánh giá: “Những kết quả đạt được trong hoạt động xây dựng, phát triển văn hóa của tỉnh trong thời gian qua, bên cạnh sự nỗ lực các cấp, các ngành của tỉnh, thì một phần quan trọng góp phần vào thành công chung chính là sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng các dân tộc về tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống, xã hội. Đặc biệt, Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào ngày 24/11/2021 đã “mở” ra nhiều vấn đề trọng tâm, cốt lõi trong phát triển văn hóa; qua đó nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương về văn hóa ngày càng toàn diện, sâu sắc, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới”.

Điểm nhấn có thể kể đến là công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trang phục, nghề truyền thống, cồng chiêng Tây Nguyên cùng một số loại hình di sản văn hóa vật thể, phi vật thể khác được cộng đồng các dân tộc ngày càng trân trọng, ra sức gìn giữ. Tỉnh ta hiện có 1 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận là “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” và 3 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là Sử thi Ba Na, Lễ hội “Ét đông” của nhóm Giơ Lâng (Ba Na) và Nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Ba Na.

Công tác quản lý, tu bổ và phục dựng các di tích cũng được chú trọng, toàn tỉnh hiện có nhiều di tích lịch sử được công nhận cấp Quốc gia được bảo tồn, lưu giữ.

Tăng cường các cuộc thi về văn hóa để giáo dục thế hệ trẻ. Ảnh: HT

 

Tính riêng trong năm 2022, tỉnh ta có 1 di tích được xếp hạng di tích cấp Quốc gia đặc biệt (Quyết định số 93/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về Xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó bổ sung di tích Điểm cao 1015 và Điểm cao 1049 vào quần thể di tích cấp quốc gia đặc biệt địa điểm Chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh); 1 di tích được xếp hạng cấp tỉnh (di tích lịch sử Chiến thắng Đăk Tô năm 1967 và điểm cao 875).

Văn hóa đọc trong cộng đồng được đẩy mạnh, hệ thống thư viện từ tỉnh đến cấp xã, phường, thị trấn được đầu tư xây dựng. Tăng cường vai trò và vị trí của các chủ thể sáng tạo văn hóa, quan tâm đến đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ; tổ chức nhiều cuộc vận động, hội thi sáng tác với số lượng tác phẩm lớn và chất lượng cao đã thể hiện sâu sắc tình yêu quê hương đất nước, nét đẹp văn hóa của tỉnh nhà, đảm bảo tính định hướng, chính trị.

Quán triệt nghiêm túc quan điểm “Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”, tỉnh ta chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, môi trường thuận lợi để tạo điều kiện cho văn hóa phát triển.

Theo đó, giai đoạn 2021-2025, tỉnh đã phân bổ trên 25,8 tỷ đồng để thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Tính riêng năm 2022, tỉnh phân bổ gần 224,6 tỷ đồng để triển khai 4 dự án thuộc lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch; phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư, phục dựng và sửa chữa nhiều di tích lịch sử, văn hóa khác.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xây dựng và quản lý văn hóa trên địa bàn tỉnh còn gặp phải một số khó khăn nhất định như: Đời sống của nhân dân còn khó khăn, trình độ dân trí chưa đồng đều, ngân sách đầu tư trong lĩnh vực văn hóa còn thấp so với nhu cầu thực tiễn; sự phối hợp giữa các cơ quan, ban ngành, đoàn thể liên quan có lúc, có nơi chưa thật sự chặt chẽ, đồng bộ.

Ông Phan Văn Hoàng cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục tăng cường sự phối hợp giữa các cấp, các ngành trong công tác tuyên truyền, bảo tồn và phát triển văn hóa. Đồng thời, tăng cường tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa; tổ chức tham quan, học hỏi những cách làm hay, mô hình mới để trao đổi kinh nghiệm; đẩy mạnh giáo dục văn hoá, truyền thống cách mạng, lịch sử nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, thế hệ trẻ về vị trí, vai trò của việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người trong tình hình mới”. 

Hoàng Thanh

Chuyên mục khác