Vũ điệu xoang

09/02/2015 08:02

Với ĐBDTTS ở Kon Tum, trong mọi sinh hoạt tập thể của cộng đồng làng, khi tiếng cồng, chiêng vang lên, dân làng không phân biệt già trẻ, gái trai, tất cả tay nắm tay nhau, chân dập dìu bước thăng hoa cùng điệu xoang khiến cho những lễ hội thực sự tưng bừng và lôi cuốn lòng người như ngàn năm nay vẫn thế…

Tái hiện cuộc sống hàng ngày

Xoang là cách gọi của hình thức múa tập thể đông người của ĐBDTTS  tạo thành vòng tròn trong ngày hội, múa xung quanh cột đâm trâu hay xung quanh nhà rông, thường di chuyển ngược chiều kim đồng hồ…. Vũ điệu xoang thường gắn liền với những hình thức lớn trong đời sống tinh thần của ĐBDTTS ở Kon Tum là lễ hội. Bởi vậy, cứ có lễ hội, có tiếng cồng, tiếng chiêng vang lên là sẽ có vũ điệu xoang.

Nhạc sĩ A Dũh - nguyên Phó trưởng Đoàn nghệ thuật tỉnh cho biết: Múa xoang gắn bó và theo suốt cả một vòng đời người, vòng cây trồng và từng mùa lúa rẫy. Vậy nên, múa xoang là cầu nối giữa quá khứ - hiện tại và dù được diễn ra trong những dịp khác nhau mỗi một động tác đều trực tiếp hay gián tiếp mô phỏng, diễn tả, tái hiện đời sống sinh hoạt, sản xuất hàng ngày của bà con. Từ các hoạt động đi, đứng, phát, đốt, chọc, tỉa hàng ngày cho đến thái độ, tình cảm yêu quý hay khinh ghét đều được bà con đưa vào điệu múa xoang trong những cuộc vui.

Mỗi tộc người có một kiểu xoang khác nhau. Tuy nhiên, theo bà Y Blưn (65 tuổi) ở thôn Kon Tum Kpâng, phường Thắng Lợi, TP Kon Tum - người có thâm niên truyền dạy múa xoang cho lớp trẻ thì trước đây là vậy nhưng nay khi cuộc sống ngày càng phát triển, giữa các dân tộc có sự giao lưu, giao thoa văn hóa nên điệu múa xoang giữa các dân tộc ở Kon Tum cơ bản có sự tương đồng. “Nhìn chung, múa xoang có 4 động tác chính: vỗ tay; đưa tay ra sau; chống 2 tay bên hông rồi nhún qua trái, qua phải; đưa tay theo tiếng cồng nhẹ nhàng.  Trong đó, động tác đưa tay theo tiếng cồng nhẹ nhàng (tay vung lên - chân nhấc lên, tay hạ xuống - chân nhún một nhịp) là động tác đơn giản nhất và nếu động tác này không thực hiện được thì 3 động tác còn lại cũng khó mà theo” - bà Y Blưn cho hay.

Bà Y Blưn truyền dạy múa xoang cho lớp trẻ. Ảnh: L.H

 

Xoang của ĐBDTTS Kon Tum mang chất liệu khỏe khoắn, hồn nhiên, mộc mạc, di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng đều, tay mô phỏng những động tác làm cỏ, dệt vải…; chân nhún và mông đánh đưa rất uyển chuyển sang trái, sang phải theo nhịp ngược với đôi chân. Bà Y Blưn cho hay, múa xoang đẹp đòi hỏi phải đảm bảo 4 yếu tố: tay múa mềm, nhẹ; chân nhún đúng nhịp, nhẹ nhàng; phần eo, mông lắc uyển chuyển và gương mặt biểu cảm. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà trong trang phục truyền thống của người phụ nữ Ba Na, Ja Rai, Xê Đăng còn cặp thêm phía sau váy đúng giữa cặp mông một miếng vải có dệt hoa văn, dường như để tăng thêm sự chú ý của động tác uyển chuyển này của các cô gái

Thêm thân, thêm thương

Vì là hình thức múa tập thể nên múa xoang không quy định số lượng người. Tuy nhiên, đội hình xoang múa khi đang thực hiện những nghi lễ của lễ hội gọi là xoang nghi thức - sẽ là những vũ điệu có nội dung nhất định đối với từng loại lễ hội - lúc nào cũng buộc phải chọn những người múa đẹp nhất ra trình diễn. Ông A Dũh cho biết: Trong trường hợp này, đội hình xoang sẽ tiến vào trước, đến trống vỗ (trống nhỏ, trống múa) rồi đến nhóm Rong Roih, cồng đệm, chiêng… Sở dĩ khác với âm thanh cồng chiêng hay trống có thể nghe vang vọng từ xa còn múa xoang phải đi đầu với ý nghĩa mở đường, dễ thấy, dễ phát hiện. Và ngày nay, vòng xoang di chuyển cũng không nhất thiết phải ngược chiều kim đồng hồ mà có thể ngược lại, chủ yếu do quy định của già làng đưa ra trong lễ hội đó. Tuy nhiên, trong bất cứ trường hợp nào người đứng đầu đội xoang (trưởng nhóm) phải là người múa đẹp nhất, chuẩn xác nhất để các thành viên khác múa theo.

Còn đội hình xoang tự do là với sự tham gia tùy hứng của tất cả các thành viên trong cộng đồng và thường bắt đầu khi mà những nghi thức (cúng tế, tạ ơn thần linh) đã thực hiện xong. Khi ấy, men rượu cần và tiếng chiêng, tiếng trống ngấm vào từng mao mạch của mỗi người; khi mà ngọn lửa cháy đượm bập bùng soi rọi từng gương mặt; khi mà tất cả như đi lạc về một miền hoang sơ của ông cha thuở khai thiên lập địa cũng là lúc vũ điệu xoang đơn giản không cầu kỳ làm say lòng bao người.  

Ngoài múa xoang trong các lễ hội, ĐBDTTS Kon Tum còn múa xoang trong các đám ma. Theo già A Thun (79 tuổi) ở làng Plei Dơ Rợp, xã Đăk Năng, TP Kon Tum, múa xoang trong trường hợp này các động tác rất đơn giản, giúp cho người chết và gia đình đỡ buồn đau. Nếu thiếu nghi lễ này nghĩa là không làm tròn bổn phận với người đi xa.

Không quy định số lượng, ai muốn đều có thể tham gia nối vòng xoang. Bởi vậy, già trẻ, gái trai tay nắm tay nhau, chân nhịp bước, uyển chuyển bước quanh ngọn lửa hồng theo âm thanh của tiếng cồng, tiếng chiêng. Cũng bởi vì dễ học, dễ múa nên ngày nay, điệu xoang không còn bó hẹp trong phạm vi dân làng; mỗi khi có lễ hội, ngay cả người Kinh không hề biết đến điệu xoang cũng có thể hòa nhịp múa theo.

Mọi người tay trong tay, ngập tràn trong tình bằng hữu, trong mối quan hệ ứng xử đa chiều, tinh thần tương thân tương ái. Bà con dân làng vừa múa vừa trao đổi với nhau câu chuyện vụ mùa, chuyện gia đình, về mọi mặt đời sống, hiềm thù được xua tan đi, thương yêu thêm thắm lại. Người ta bỏ qua cho nhau tất cả những gì không bằng lòng hay khúc mắc trong đời thường và thiết lập một quan hệ ứng xử mới tốt đẹp hơn. Và cũng từ điệu múa xoang này, những con người hôm qua còn mải mê việc rẫy, việc vườn thì nay trong ánh lửa bập bùng trở thành những diễn viên thực sự, đắm say và bay bổng… Vũ điệu xoang vì thế trở thành thông điệp của tình đoàn kết của bà con dân làng và làm đắm say, mê hoặc lòng người là vậy!

Gìn giữ điệu xoang

Trải qua nhiều biến thiên lịch sử, ĐBDTTS trên địa bàn tỉnh vẫn lưu giữ điệu múa xoang truyền thống của dân tộc. Bởi vậy, trong khi nhiều loại hình nghệ thuật cũng như nét đẹp văn hóa dân gian khác của ĐBDTTS ở Kon Tum đang đứng trước nguy cơ thất truyền “đi theo người già” thì múa xoang đang được lớp trẻ tiếp tục “giữ lửa”. Theo ông A Dũh, đơn giản là vì máu xoang hàng năm vẫn có “đất diễn” đều đặn trong các lễ hội mừng lúa mới, mừng nhà rông… Hơn nữa, vì động tác múa xoang rất đơn giản, chỉ cần người đi đầu múa đẹp, chính xác thì những người đi sau có thể nhìn vào học theo. “Lo nhất là người đánh chiêng. Người đánh chiêng phải hay, phải giỏi thì mới mang lại cảm xúc cho người múa xoang múa hay, múa đẹp được”.

Tuy nhiên, múa xoang theo kiểu bắt chước chỉ nhìn theo động tác rồi học tập tức thời cũng chỉ là chung vui trong phần hội còn để có thể múa xoang cho đúng, cho đẹp, cho đúng nghi thức trong phần lễ không phải là chuyện ngày một, ngày hai. Theo bà Y Blưn, nếu người đã biết nghe theo tiếng cồng, tiếng chiêng, rồi thuộc dạng học nhanh thì để từ chỗ chưa múa đến múa được mất khoảng 2 tuần; còn người chưa biết nghe theo tiếng cồng, tiếng chiêng thì lâu hơn nữa, phải trên cả tháng.

Mà cũng không phải biết múa rồi là thôi, ngay như đội cồng chiêng, múa xoang của làng Kon Tum Kpâng gồm 25 thanh thiếu niên thường xuyên được mời đi biểu diễn ở nhiều nơi là vậy nhưng tối tối vẫn đến nhà bà Y Blưn để được bà tập luyện thêm. Lết, 23 tuổi – một thành viên của đội múa xoang làng Kon Tum Kpâng tâm sự: Em học múa xoang từ khi mới 5 tuổi. Bắt đầu là những động tác đơn giản, dần dần mới chuyển sang các động tác khó hơn. Lâu lâu chúng em lại đến nhà bà Y Blưn để được dạy múa xoang, phần để đỡ quên, phần được bà hướng dẫn phát triển điệu múa cho đẹp hơn.

Rồi như ông A Thun, mặc dù tuổi cao sức yếu cũng đã kết hợp với bà Y Dốp ở cùng làng dạy đánh cồng chiêng, múa xoang cho lớp trẻ làng Plei Dơ Rợp. 3 người con gái của già đều múa xoang rất giỏi; trong làng hiện cũng có nhiều người múa rất đẹp như Y Khảo, Y Hương… “Hồi chúng tôi thanh niên, trong làng cô gái nào múa xoang đẹp là có nhiều trai làng yêu mến, ai múa xấu sẽ bị cười chê nên các cô gái đều thi đua nhau để múa xoang thật đẹp” – ông A Thun kể. 

 Ngày nay, từ 4 động tác múa xoang cơ bản, các nghệ nhân trong quá trình truyền dạy múa xoang cho thanh thiếu niên ở các đội cồng chiêng, múa xoang ở các làng đã có sự cách tân, phát triển cho ngày càng đẹp hơn. Và cũng theo ông A Duh, ngày nay, vũ điệu xoang không còn bó hẹp trong phạm vi thôn làng nữa, mà từ những động tác mộc mạc, uyển chuyển ấy đã được rất nhiều người, đặc biệt là các biên đạo múa Đoàn nghệ thuật tỉnh học tập, phát triển đưa đến các hội diễn, liên hoan khu vực, toàn quốc và cả nước ngoài…   

Liễu Hạnh

Chuyên mục khác