Tu Mơ Rông: Gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá

26/09/2014 11:50

Cùng với sự phát triển chung của xã hội, các bản sắc văn hoá dân tộc của đồng bào dân tộc hiện nay đang dần bị mai một, nhưng với đồng bào dân tộc Xê Đăng huyện Tu Mơ Rông vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hoá, mang đậm đà bản sắc riêng.
Các phong tục lạc hậu, mê tín dị đoan dần bị xoá bỏ mà thay vào đó là sự đổi mới văn minh và thực hiện nếp sống văn hoá mới, những bản sắc truyền thống của đồng bào các dân tộc được gìn giữ và phát huy.

 

Văn hoá cồng chiêng được đồng bào Xê Đăng ở huyện Tu Mơ Rông gìn giữ và phát huy
 
Là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, dân số ở Tu Mơ Rông gần 100% là đồng bào dân tộc Xê Đăng nên có nhiều nét bản sắc văn hoá dân tộc phong phú, đa dạng. Để gìn giữ và phát huy những bản sắc của đồng bào dân tộc Xê Đăng, Đảng bộ và chính huyện Tu Mơ Rông có nhiều biện pháp cũng như chủ trương nhằm bảo tồn và phát huy những bản sắc truyền thống. Huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động từ cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc về ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết của Đảng về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Quan tâm đầu tư kinh phí để phục dựng các lễ hội truyền thống của đồng bào, hàng năm đều vẫn duy trì tổ chức các ngày hội văn hóa, thể thao tại các xã và cụm xã, rồi đến cấp huyện. Tại đây, các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, tái hiện lễ hội, nhạc cụ dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc và thi các làn điệu dân ca, dân vũ đã được tái hiện một cách phong phú và đa dạng. Vì vậy, nhiều bản sắc dân tộc, có nét văn hoá riêng, lâu đời của đồng bào dân tộc Xê Đăng vẫn được lưu giữ, đặc biệt được thể hiện rõ trong những ngày lễ hội truyền thống như lễ hội đâm trâu, bắt máng nước, ăn mừng lúa mới...
 
Ông Nguyễn Xuân Hoành- Trưởng Phòng Văn hoá thông tin huyện cho biết: Việc thường xuyên duy trì tổ chức ngày hội văn hoá - thể thao các dân tộc đã góp phần khôi phục, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá truyền thống của dân tộc trên địa bàn huyện. Thông qua đó, các loại văn hoá vật thể, phi vật thể cũng như các môn thể thao dân tộc truyền thống gìn giữ và phát huy. Và cũng nhờ đó mà hiện nay, những nét bản sắc đó luôn có mặt trong cuộc sống đời thường của đồng bào Xê Đăng ở Tu Mơ Rông.
 
Ngoài ra, để gìn giữ và phát triển những bản sắc văn hoá dân tộc, Phòng văn hoá thông tin huyện đã mở 3 lớp truyền dậy nghệ thuật văn hoá công chiêng cho hàng trăm đoàn viên thanh niên và học sinh THCS. Đồng thời, huyện cũng ban hành văn bản trong đó có 3 đề án về lĩnh vực văn hóa cấp huyện và xây dựng đề án bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc Xê Đăng giai đoạn (2011-2015). Cùng với đó, ngành văn hoá huyện còn  truyền dạy nghề dệt và hát dân ca, dân vũ cho đội ngũ thanh niên, học sinh nhằm gìn giữ và lưu truyền những bản sắc đó.
 
Ông Nguyễn Xuân Hoành cho biết: Cùng với các hoạt động trên, Phòng còn phối hợp với Phòng Di sản (Sở VHTT&DL tỉnh) điều tra, sưu tầm, kiểm kê di sản văn hoá phi vật thể trên địa bàn huyện và đến nay trên địa bàn huyện có trên 12 lễ hội tiêu biểu của đồng bào dân tộc Xê Đăng. Đặc biệt, hiện nay trên địa bàn huyện lưu giữ được 82 bộ cồng chiêng, trong đó có 2 bộ chiêng quý là bộ len và bộ ban ba. Ngoài ra, hiện trên địa bàn huyện có nhiều loại nhạc cụ dân tộc như Krông Put, Tơ Rưng, Ting Ning và các làn điệu dân ca, dân vũ, thường được các nghệ nhân thể hiện vào các dịp lễ hội ttruyền thống. Bên cạnh đó, huyện cũng vận động đồng bào khôi phục, gìn giữ nhà rông truyền thống của đồng bào và đến nay, toàn huyện vẫn gìn giữ được 60 ngôi nhà rông văn hoá truyền thống tại 91 thôn, làng trong huyện.
 
Để các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc được phát triển, thời gian tới huyện Tu Mơ Rông tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở;  nghiên cứu, khôi phục những lễ hội truyền thống, tổ chức truyền dạy nghệ thuật không gian văn hóa cồng chiêng, sử dụng các nhạc cụ dân tộc và các làn điệu dân ca, dân vũ cho đội ngũ thanh, thiếu niên, đồng thời tích cực vận động đồng bào gìn giữ và phát huy các giá trị, truyền thống đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.
 
Bài, ảnh: Phúc Nguyên

Chuyên mục khác