Truyền dạy văn hóa dân gian ở làng Ba Rgốc

11/10/2023 06:10

Nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tháng 8 vừa qua, UBND xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy) phối hợp với Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sa Thầy tổ chức lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang và sử dụng nhạc cụ truyền thống tại làng Ba Rgốc.

Tham gia lớp truyền dạy có 25 học viên là học sinh, thanh thiếu niên người DTTS trên địa bàn xã Sa Sơn có năng khiếu, đam mê và yêu thích văn hóa dân gian của dân tộc mình. Đứng lớp truyền dạy là các nghệ nhân lớn tuổi, có kinh nghiệm, có khả năng truyền đạt và hiểu biết trong lĩnh vực văn hóa dân gian ở làng Ba Rgốc và làng Chốt (thị trấn Sa Thầy).

Lớp truyền dạy diễn ra vào buổi tối, tại nhà rông của làng Ba Rgốc. Tại lớp truyền dạy, các học sinh, thanh thiếu niên được các nghệ nhân hướng dẫn cách đánh các bài chiêng, như: Mừng chiến thắng, mừng hội làng, lễ đâm trâu, mừng lúa mới, cùng cách múa những điệu xoang truyền thống của dân tộc Gia Rai.

Nghệ nhân Y Phin truyền dạy điệu múa xoang mới cho các học viên nữ. Ảnh: ĐT

 

Bên cạnh học đánh cồng chiêng và múa xoang, các học sinh, thanh thiếu niên còn được nghe kể về lịch sử lập làng, văn hóa truyền thống, nét đẹp trong đời sống sinh hoạt của dân làng Ba Rgốc; giới thiệu về đội nghệ nhân chiêng, xoang của làng và mối quan hệ, tình đoàn kết của làng Ba Rgốc với các làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Sa Thầy; giới thiệu về chế tác nhạc cụ truyền thống của dân tộc; hướng dẫn cách biểu diễn các nhạc cụ đàn t’rưng, klông pút; dạy cách hát dân ca của người Gia Rai.

Em Y Mới- Lớp trưởng lớp truyền dạy văn hóa dân gian chia sẻ, lớp học này là dịp thế hệ trẻ trong làng Ba Rgốc gặp gỡ, trao đổi về tình yêu với văn hóa truyền thống của dân tộc và xây dựng tình đoàn kết. Các buổi học đều diễn ra trong không khí vui vẻ, cởi mở. Thông qua hướng dẫn của nghệ nhân Y Phin, em và các bạn nữ biết được các điệu múa xoang mới và cách hát dân ca truyền thống mà người dân làng Ba Rgốc hay biểu diễn trong các lễ hội, nhân dịp có khách đến thăm làng.

Y Phin là nữ nghệ nhân có nhiều kinh nghiệm múa xoang ở làng Ba Rgốc, bà cũng là thành viên lâu năm trong đội nghệ nhân chiêng, xoang của làng. Với sự nhiệt huyết truyền dạy của nghệ nhân Y Phin, học viên như được tiếp thêm tinh thần và tình yêu với văn hóa dân gian của dân tộc.

“Y Mới nói với chúng tôi, em mong muốn sau này trở thành người am hiểu văn hóa dân gian và là thành viên của đội nghệ nhân chiêng, xoang của làng”- bà Y Phin bộc bạch.

Lớp truyền dạy có nhiều học viên mới chưa từng biểu diễn cồng chiêng, xoang nhưng các em đều thích và hăng say học hỏi. Ảnh: ĐT

 

Già làng Ba Rgốc- A Sứp, cũng là nghệ nhân trực tiếp đứng lớp truyền dạy cho biết, 25 học viên tham gia lớp truyền dạy có độ tuổi từ 13-27. Một số em hiện đang học tập tại Trường TH-THCS xã Sa Sơn và Trường PTDT Nội trú huyện Sa Thầy. Trong số 25 học viên, có 9 học viên, gồm 5 em nữ và 4 em nam chưa từng biểu diễn cồng chiêng, xoang. Các em là học viên mới, nhưng đều thích và hăng say học hỏi khi tham gia lớp truyền dạy.

“Tiếng cồng, tiếng chiêng ngân lên là âm thanh rộn ràng mời gọi dân làng đến với lễ hội và những âm thanh này thể hiện tình yêu cuộc sống của dân làng. Khi còn sống, cha ông của tôi luôn dạy, hễ là đàn ông Gia Rai thì phải biết đánh cồng chiêng. Chúng tôi luôn tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc Gia Rai mà các thế hệ đi trước đã gìn giữ, trao truyền cho chúng tôi. Nhìn các học viên trẻ, nhất là các học viên mới đam mê với văn hóa dân gian, tôi rất vui bởi làng Ba Rgốc đã có thế hệ tiếp nối góp phần gìn giữ, phát huy kho báu văn hóa truyền thống mà các cha, ông đã tạo dựng và để lại”- già làng A Sứp bộc bạch.

Bà Hoàng Thị Nga- Phó Bí thư thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sa Sơn cho biết, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Sa Thầy tổ chức triển khai lớp truyền dạy theo như kế hoạch đã ban hành, thường xuyên cử cán bộ chuyên môn đến tham dự, đôn đốc, động viên tinh thần đến các nghệ nhân và các em học viên. Sau 11 ngày tổ chức lớp truyền dạy, từ ngày 21-31/8, ban tổ chức lớp đã cấp giấy chứng nhận tham gia truyền dạy cho 3 nghệ nhân và tặng giấy khen cho 6 học viên xuất sắc.

Lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng, xoang và sử dụng nhạc cụ truyền thống tại làng Ba Rgốc là cách làm phù hợp, cần thiết nhằm duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc và làm cơ sở để sau này làng Ba Rgốc tổ chức phát triển du lịch cộng đồng; đồng thời, tạo môi trường để thế hệ trẻ trong làng Ba Rgốc được học tập, trải nghiệm những tinh hoa văn hóa truyền thống dân tộc.

“Năm 2019, làng Ba Rgốc được UBND tỉnh chọn là làng điểm triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa làng truyền thống các DTTS tỉnh Kon Tum giai đoạn 2020-2025”. Nhằm góp phần thực hiện đạt mục tiêu đề ra, xã Sa Sơn sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ, tổ chức các hoạt động văn hóa, tạo môi trường diễn xướng, khuyến khích khả năng sáng tác, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống cho người dân làng Ba Rgốc”- bà Nga cho hay.

Đức Thành

Chuyên mục khác