Trường Phổ thông DTNT Sa Thầy bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc

07/12/2024 13:03

Gần một năm nay, người dân quanh khu vực Trường Phổ thông DTNT Sa Thầy đã quen với những thanh âm cồng chiêng rộn rã vào chiều tối thứ Bảy hằng tuần. Tiếng cồng tiếng chiêng ấy được vang lên bởi những nghệ nhân nhí là học sinh của trường đang tập luyện.

Hòa quyện với những giai điệu của cồng chiêng, các bạn nữ nhịp nhàng bước chân, uyển chuyển đong đưa đôi bàn tay thon thả theo vũ điệu xoang.

Chỉ là buổi tập luyện thôi nhưng tôi đã bị lôi cuốn từ nhịp múa đầu tiên cùng những điệu cồng chiêng trầm bổng, điêu luyện như những nghệ nhân thực thụ, tất cả tạo nên một không gian tuyệt vời.

Để có được đội cồng chiêng – xoang như hiện nay không phải là điều dễ dàng, bởi thời gian đầu các em học sinh chẳng mấy mặn mà. Các thầy cô giáo nhà trường đã mất khá nhiều thời gian vận động các em tham gia tập luyện.

Các em Trường Phổ thông DTNT huyện Sa Thầy biểu diễn chiêng- xoang. Ảnh: T.T

 

Nghệ nhân A Gất (làng Chốt, thị trấn Sa Thầy, huyện Sa Thầy), một trong những nghệ nhân tham gia hướng dẫn các em đánh cồng chiêng trải lòng: Dạy cồng chiêng cho lứa tuổi này rất khó, một phần vì các em còn chưa ý thức được việc gìn giữ và bảo tồn, phần vì các em còn ham chơi. Có nhiều em tập được một, hai buổi thấy khó bắt đầu nản nên các nghệ nhân phải vừa dạy vừa khích lệ, động viên.

Với sự tận tâm của các nghệ nhân, dần dần các em cảm nhận được thang âm cồng chiêng, bắt đầu thấy hay và tích cực tham gia học. Từ đó, khi mặt trời vừa xuống núi, các em lại háo hức, tự giác tụ họp ở khoảng sân trống của trường để được tập luyện. Từng em được các nghệ nhân tận tình hướng dẫn cách đeo chiêng, cầm nắm, gõ để tạo ra âm thanh, tiết tấu, nhịp điệu phù hợp. Chỉ trong một tháng đầu, các em đã học được 2 bài chiêng là Đâm trâu và Mừng lúa mới.

Khi được tham gia học đánh cồng chiêng tại trường, A Kúa (học sinh lớp 12B1) chia sẻ: Trong quá trình học, có nhiều bạn khác dân tộc, khác ngôn ngữ nhưng chúng em cùng chung niềm đam mê học đánh cồng chiêng. Chính niềm đam mê đó đã gắn kết chúng em lại với nhau, thấu hiểu và cảm nhận tiếng chiêng của nhau, gắng luyện tập mỗi ngày để chơi tốt hơn, góp phần bảo tồn văn hóa dân tộc.

Tạm dừng hướng dẫn các em gái đong đưa những điệu xoang uyển chuyển, nghệ nhân Y Tranh (làng Chốt) chia sẻ với chúng tôi: Khi truyền dạy ở trường nội trú thì có thuận lợi là ở đây các em tập trung đông đủ, tiếp thu nhanh. Các nghệ nhân truyền cùng lúc truyền dạy đánh chiêng, múa xoang nên các em cũng dễ dàng nắm bắt, nhanh chóng thuộc hơn.

Tham gia giao lưu với các đội cồng chiêng trẻ. Ảnh: TT

 

Các nghệ nhân và nhà trường đã thống nhất, ban đầu, sẽ hướng dẫn tất cả các em tập luyện, rồi lựa chọn 15 em có năng khiếu để thành lập đội cồng chiêng chính thức và hơn 20 em trong đội múa xoang.

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc, từ 4 năm trước, Trường Phổ thông DTNT Sa Thầy đã mời nghệ nhân về dạy xoang cho học sinh. Đối với cồng chiêng, do bộ chiêng của trường đã hỏng nên chưa thực hiện dùng lúc được. Đến đầu năm 2023, khi được Sở Giáo dục và Đào tạo tặng 1 bộ chiêng mới, nhà trường mới mời nghệ nhân trên địa bàn về truyền dạy.

Cùng với tổ chức cho các em học đánh cồng chiêng, múa xoang, nhà trường còn quy định các em mặc trang phục dân tộc mình vào các ngày thứ 2, 4, 6 hằng tuần và các ngày lễ lớn; thành lập Câu lạc bộ Cồng chiêng, múa Xoang, âm nhạc truyền thống; thường xuyên tổ chức giao lưu biểu diễn cồng chiêng, múa xoang với các trường trong các dịp lễ; tổ chức biểu diễn cồng chiêng, xoang trong các dịp lễ, khai giảng, tổng kết; tham gia hội thi cồng chiêng – xoang do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức. Ngoài ra, trường còn xây dựng phòng trưng bày cồng chiêng, trang phục dân tộc, nhạc cụ dân tộc.

Với những việc làm thiết thực, Trường Phổ thông DTNT Sa Thầy đã góp phần gìn giữ, phát huy và truyền dạy bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Thanh Tú

Chuyên mục khác